MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đổi mới” theo kiểu Hy Lạp

27-08-2013 - 09:54 AM | Tài chính quốc tế

Tối thứ hai, 18-6-2013, người ta thét lên mừng rỡ. Sau bảy ngày huy động nhân viên chiếm đóng trụ sở Đài phát thanh và truyền hình Hy Lạp - ERT, quốc hội đã ra lệnh tạm thời ngưng đóng cửa cơ quan này. Kết thúc một tuần lễ ngưng hoạt động, trong lúc các chuyên gia và nhà báo được huy động để cố làm cho đài phát sóng, bất chấp lệnh cấm của chính phủ. 

Một tuần lễ trước đó, ngày 11-6, ERT bị ra lệnh đóng cửa. 2.656 nhân viên bị thất nghiệp không cần báo trước. Không một cú điện thoại, không một bức thư, không có đại diện chính phủ đến cơ quan làm việc. Dimitra Apostolou, nữ phiên dịch ngủ tại chỗ trong suốt bảy ngày chiếm giữ ERT, giận dữ nói: “Biết mình bị đuổi việc qua đài truyền hình tư nhân là dã man chưa từng thấy”. 

Mấy giờ sau, tín hiệu của tất cả các kênh truyền hình và phát thanh nhà nước đều tắt ngúm. Màn hình tivi màu đen hiện lên dòng chữ Không có tín hiệu - No signal. Ngay cả trong chế độ độc tài cũng không có chuyện này. 

ERT quy tụ bốn kênh truyền thông quốc gia, 19 kênh địa phương và bảy đài phát thanh. Nó chứa đựng ký ức của cả dân tộc, trong đó có một giàn nhạc giao hưởng, một giàn nhạc Hy Lạp và một ban đồng ca, thuộc loại tuyệt vời nhất nước. Một người dân giận dữ nói: “Người ta giết chết tuổi thơ và nền văn hóa của chúng tôi”. ERT là một bà lão, khán thính giả của nó bị phân hóa sau khi các kênh tư nhân ra đời năm 1989. Nhưng ba kênh chính vẫn thu hút được 13,3% khán giả. Các chương trình văn hóa và thời sự hàng ngày đều có chất lượng cao, khác hẳn với các kênh thương mại.

Alexis Tsipras, lãnh tụ đảng Syriza, nói đây là một cuộc đảo chính. Trong lúc Hiệp hội Phát thanh và truyền hình châu Âu thóa mạ chính phủ Hy Lạp, lãnh tụ Pasok và Dân chủ cánh tả, hai đảng liên minh với chính phủ kết án Thủ tướng Antonis Samaras gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị bằng sự việc đã rồi. Samaras vẫn khăng khăng với quyết định của mình, khi cuộc bầu cử sắp diễn ra. 

Khi quyết định đóng cửa ERT, chỉ có ông và Bộ trưởng Tài chính Yannis Stournaras biết. Tự tin, ông nghĩ rằng quyết định này rất hợp lòng dân. Giáo sư Nikos Demertzis, thuộc trường Đại học Athènes cho biết: “Ông ta tự xem mình như một nhà cải cách lớn, có khả năng chấm dứt lãng phí công quỹ”.

Hôm sau, chính phủ đã chuyển sang quốc hội dự án luật thành lập NERIT - Cơ quan Phát thanh - Truyền hình - internet mới, chỉ sử dụng 1.000 - 1.200 nhân viên, với kinh phí hoạt động 100 triệu euro/năm, thấp hơn gấp ba lần. Nhưng không có gì chứng minh nó không phải là công cụ của chuyên quyền.

Áp lực của châu Âu rất nặng để dập tắt khủng hoảng. Samaras phải nhượng bộ. Về phía mình, nhân viên ERT biết đây chỉ là tạm thời. Tái cấu trúc đang diễn ra và ERT sẽ bị thay thế bằng một cơ quan mới, từ nay cho đến tháng 9-2013.

Theo Đinh Công Thành

huongnt

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên