MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng euro đã tàn phá các quốc gia châu Âu như thế nào? (Phần 2)

17-06-2010 - 17:44 PM | Tài chính quốc tế

Từ trước khi đồng euro ra đời, các nền kinh tế phía nam châu Âu đã ở trong tình trạng suy yếu do nhiều nguyên nhân.

 Đi từ “tồi” đến “tệ”

Cần biết rằng từ trước khi đồng euro ra đời, các nền kinh tế phía nam châu Âu đã ở trong tình trạng suy yếu do các nguyên nhân như luật lao động khắt khe, những thiết chế quan liêu và tốn kém trong kinh doanh cùng với việc nhiều ngành kinh tế lớn bị chính phủ nắm giữ.

Vào thời gian đó, họ đã cố phá giá đồng tiền của mình để duy trì cạnh tranh. Song cái họ thực sự cần lại là một thị trường lao động hoạt động hiệu quả nhằm thúc đẩy năng suất tăng lên và giảm chi tiêu chính phủ để kiềm chế lạm phát.

Điểm đáng chú ý là: trước khi gia nhập liên minh tiền tệ, lãi suất tại các quốc gia này phần lớn ở mức 2 chữ số, và tính trung bình gấp đôi lãi suất tại Đức. Điều đó phản ánh cả tỷ lệ lạm phát cao cũng như rủi ro lớn khi cho các doanh nghiệp cũng như chính phủ những nước này vay tiền.

Tuy nhiên khi đồng euro chào đời năm 1999, tình thế đã thay đổi một cách kỳ diệu.

Đầu tiên, lãi suất giảm xuống gần bằng mức lãi suất của Đức khiến cho chi phí vay nợ rẻ hơn đáng kể. Không những thế, nguồn tín dụng còn rất phong phú, thuận lợi cho người đi vay thế chấp, vay bằng thẻ tín dụng hay vay mua xe.

Thứ hai, các nhà đầu tư châu Âu cũng như thế giới đã trở nên cực kỳ lạc quan vào tương lai của những quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Ý.

Bởi về mặt lý thuyết, khi lãi suất cho vay được kéo lại gần bằng Đức thì mức sống của người dân các nước này cũng sẽ nhanh chóng tiếp cận với người dân ở Đức hay ở Pháp, dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tiếp theo.

Quá trình này được gọi là “sự hội tụ” – quan điểm “ngây thơ” cho rằng “lãi suất Đức” sẽ mang lại “mức sống Đức”.

Được ngắn, đau dài

Trên thực tế, sự hội tụ kỳ diệu có vẻ như đã xảy ra trong một quãng thời gian nhất định. Từ năm 2002 đến năm 2007, một vài quốc gia trong nhóm PIIGS đột nhiên đạt mức tăng trưởng đáng nể.

Tốc độ tăng trưởng của Hy Lạp và Tây Ban Nha dao động từ 3,5%-4,3%, Ai-len vươn lên mạnh mẽ nhất với tỷ lệ 6,5% mỗi năm, tất cả đều cao hơn mức tăng trưởng trung bình của châu Âu khoảng 2%.

Nhưng vấn đề là cái cách mà đồng euro mang lại tăng trưởng cho họ. Sự bùng nổ không bắt nguồn từ xuất khẩu mà là do tiêu dùng trong nước tăng đột biến.

Các nhà hàng, công ty du lịch, tiệm uốn tóc, nhà giữ trẻ cũng như khách sạn mọc lên như nấm, và mạnh mẽ nhất phải kể đến sự phất lên nhanh chóng của ngành bất động sản.

Sự nhảy vọt của cầu tiêu dùng nội địa nhanh chóng đẩy giá cả lên cao, và thiếu hụt lao động bỗng trở thành vấn đề cốt yếu. Trong hoàn cảnh đó, điểm yếu của các nước châu Âu về tính linh hoạt của lực lượng lao động đã thể hiện rõ.

Khi Tây Ban Nha cần nhiều nhân công hơn thì họ không thể bù đắp bằng nguồn nhân lực từ Pháp hay Bỉ - những quốc gia tương đối khan hiếm việc làm hơn – một cách dễ dàng như việc di chuyển lao động từ New York đến Texas.

Kết quả là tiền lương nhân công tăng lên nhanh chóng, mà dẫn đầu là khu vực kinh tế nhà nước.

Nhưng rắc rối còn chưa chấm dứt ở đó, ảnh hưởng của những khoản vay giá rẻ khiến cho lãi suất không thể tăng lên nhằm kìm hãm đà lạm phát và ngăn chặn bong bóng giá cả - một quá trình tự động khắc phục thường thấy ở các quốc gia có đồng tiền riêng.

Những hệ quả được Dadush tóm tắt lại: “Tăng trưởng chỉ dựa vào khu vực dịch vụ và bất động sản, trong khi xuất khẩu ngày càng kém cạnh tranh do giá nhân công leo thang.”

Nhưng chừng đó mới chỉ là một nửa của thảm họa. Nhận thấy doanh thu thuế tăng đột biến nhờ giao dịch bất động sản sôi động và tiền lương được nâng lên, chính phủ các nước đã tiêu phung phí như thể họ vĩnh viễn nắm trong tay nguồn thu đó.

Ngân hàng trung ương châu Âu ECB cũng vô tình trở thành kẻ tiếp tay khi họ tiếp tục giữ lãi suất cho vay thấp để thúc đẩy tăng trưởng của Pháp và Đức, nhưng lại làm bong bóng tại các quốc gia Nam Âu và Ai-len phình to hơn.

Cần nhớ rằng, ECB không thể điều chỉnh chính sách tiền tệ và lãi suất chỉ vì yêu cầu của thành viên riêng lẻ nào.

Thời kỳ huy hoàng kết thúc khi ECB bỗng nhiên thay đổi thái độ, họ bắt đầu lo ngại về tình trạng lạm phát. Lãi suất tăng lên nhanh chóng làm bong bóng nhà đất vỡ tung, doanh thu thuế sụt giảm nghiêm trọng.

Nhưng thay vì giảm chi tiêu công, Hy Lạp, Ai-len và những quốc gia khác tiếp tục vay mượn với lãi suất cao hơn mà không hề thực hiện một nỗ lực nào nhằm giảm tình trạng thâm hụt.

Nguy cơ tương lai

Bong bóng giá cả trong nước để lại những hậu quả khó có thể khắc phục: chi phí sản xuất cao làm suy giảm khả năng xuất khẩu, nợ chính phủ ở mức báo động (trừ Tây Ban Nha vẫn ở trong tầm kiểm soát, nhưng vay nợ kinh doanh và tiêu dùng lại là vấn đề lớn).

Nói cách khác, những quốc gia trên “nhập khẩu” lãi suất từ Đức, nhưng lại không “nhập khẩu” được năng suất và sự linh hoạt của nền kinh tế Đức.

Dĩ nhiên không thể nói rằng Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Bồ Đào Nha sẽ phát triển hơn nếu không gia nhập eurozone.

Giả sử như có tiếp tục sử dụng đồng tiền riêng, họ vẫn không tránh được những hậu quả do sự cứng nhắc của thị trường lao động gây ra và thêm vào đó là đồng nội tệ liên tục bị phá giá. Chỉ có chi phí sản xuất, nợ và chi tiêu công có thể sẽ thấp hơn.

Giờ đây, cùng với việc phải đối mặt với những vấn đề của đồng euro, họ còn phải nỗ lực hết sức nâng cao năng suất lao động bằng cách tháo bỏ các quy định hà khắc trong nền kinh tế - một điều mà các quốc gia này chưa bao giờ làm được.

Nếu như có đồng tiền riêng, đơn giản chỉ cần phá giá 20% - 30% là giá thành xuất khẩu sẽ nhanh chóng hạ xuống mức ngang bằng với những đối thủ cạnh tranh, nhưng đồng euro không cho họ cơ hội đó.

Vì vậy, lựa chọn duy nhất đối với nhóm PIIGS là chịu đựng giảm phát và thất nghiệp cao trong vài năm để hạ thấp tiền lương.

Và vấn đề ở đây là: liệu họ có thể làm được điều đó hay không? Nhiều công nhân viên chức đang biểu tình trên đường phố Athens để phản đối việc cắt giảm lương.

Ở Tây Ban Nha và các nước khác, những nghiệp đoàn mạnh cùng với hệ thống điều chỉnh trợ cấp hưu trí thường tự động nâng tiền trợ cấp sẽ khiến việc giảm chi phí lao động thực sự khó khăn.

Những người ủng hộ đồng euro hy vọng các quốc gia như Hy Lạp sẽ thực hiện thắt chặt chi tiêu và hạ thấp mức lương dưới sức ép của EC và IMF.

Tình huống này gợi nhớ đến bài học của một số nền kinh tế châu Á trong khủng hoảng nợ 1999, sau cú sốc đó, họ đã trở nên thận trọng hơn nhiều với ngân sách của mình và tất nhiên sẽ không thể nào đi vào vết xe đổ một lần nữa.

Nhưng ở châu Âu, chúng ta không thể nói trước được điều đó.

Khi nền kinh tế phục hồi, đồng euro sẽ ngay lập tức lại trở thành mầm mống gây tai họa: chừng nào các chính phủ còn có thể vay vốn giá rẻ, doanh nghiệp và người tiêu dùng còn có thể tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp hơn cả tỷ lệ lạm phát, thì châu Âu sẽ luôn luôn đứng trước mối đe dọa từ một quả bong bóng tổng hợp mà nhìn qua giống như sự phát triển thông thường.

Nhưng đổ vỡ và khủng hoảng sẽ lại ập tới ngay sau đó.


Hoàng Sơn
Theo CNNMoney

ngocdiep

Trở lên trên