MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng euro – kết quả tệ hại của những ảo tưởng

30-03-2010 - 18:29 PM | Tài chính quốc tế

Nhóm nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu đặt nhiều mục tiêu khi lưu hành đồng tiền này. Chênh lệch sâu sắc giữa các quốc gia khiến tham vọng trở thành ảo tưởng.

Những người tạo ra đồng tiền chung châu Âu dường như đã "se duyên" để tạo ra một đồng tiền không hề cân xứng với tham vọng kinh tế, chính trị của họ.

Tôi vẫn còn giữ tờ áp phích với hình ảnh của 12 đồng tiền các nước châu Âu trước khi đồng euro được đưa vào lưu hành.

Những tờ bạc cũ này có chân dung của người thật và những địa danh nổi tiếng. Tờ bạc của Hy Lạp có hình đống đổ nát của đấu trường Olympic cũ, đồng franc Pháp có chân dung họa sỹ Paul Cézanne nổi tiếng của nước này. Đồng euro thay thế cho các loại tiền tệ trên được trang trí bằng hình ảnh những tòa nhà có nét châu Âu nhưng thực tế chẳng giống nơi nào tại châu Âu.

Tôi thường nghĩ rằng những hình thiết kế trên đồng euro nói điều gì đó về yếu tố hỗ trợ cho đồng tiền chung châu Âu. Nếu người châu Âu thậm chí không thể đồng ý về những biểu tượng và hình ảnh anh hùng để đưa lên đồng tiền chung, liệu có khi nào họ thật sự thống nhất với nhau về chính sách và cùng hy sinh khi mọi thứ khó khăn?

Khủng hoảng nợ tại Hy Lạp là phép thử lớn nhất đối với đồng euro. Thỏa thuận thứ 5 tuần trước cho phép Hy Lạp vay tiền từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các đối tác châu Âu nếu nước này cần.

Thị trường có thể tạm thời ổn định. Tuy nhiên thỏa thuận này không đủ để giải quyết vấn đề sâu xa. Những người tạo ra đồng euro giống như các bậc cha mẹ đang dàn xếp một cuộc hôn nhân đã định trước. Họ biết rằng họ đang gom chung lại những nước với nền kinh tế và chính trị khác nhau nhưng lại hy vọng qua thời gian, những nước mới trong nhóm sẽ cùng tăng trưởng và hợp thành một nhóm thống nhất.

Trên thực tế, Liên minh châu Âu được thành lập dựa trên 3 sự thống nhất: kinh tế, chính trị và sự đồng thuận. Khi đồng euro được đưa vào sử dụng, người ta hy vọng nhiều vào việc tăng trưởng thương mại và đầu tư trong nhóm nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ có thể tạo ra một châu Âu thống nhất, trong đó mức độ tăng trưởng năng suất và tiêu dùng sẽ thống nhất. Châu Âu cũng đã tin hay có thể gọi là hy vọng đồng euro sẽ có thể tạo ra sự thống nhất về chính trị. Họ kỳ vọng một khi người châu Âu sử dụng chung đồng tiền, họ sẽ cảm thấy họ có nhiều điểm chung, chung hoàng gia đáng kính và củng cố thêm liên minh chính trị.

Cuối cùng, những người thiết kế ra đồng tiền chung châu Âu hy vọng vào sự thống nhất giữa ý kiến của bên giới chức và ý kiến công chúng. Họ biết rằng ở những thời điểm quyết định, công chúng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu không chia sẻ quan điểm với giới chức hàng đầu những nước khác cũng trong nhóm đã sáng lập ra khu vực đồng tiền chung châu Âu về vấn đề đồng tiền chung châu Âu, họ không mấy hào hứng về đồng tiền mới này.

Khủng hoảng Hy Lạp cho người ta thấy cuộc hôn nhân môi giới tại châu Âu hiện đang gặp nhiều vấn đề. Các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu không tăng trưởng cùng tốc độ với nhau. Bao lâu nay, Hy Lạp và Bồ Đào Nha hưởng lợi từ ảo tưởng kinh tế tăng trưởng cùng một tốc độ thông qua lãi suất thấp và đồng tiền ổn định. Khi kinh tế châu Âu đang tăng trưởng, thị trường giữ lấy ảo tưởng rằng không có nhiều sự lựa chọn giữa nợ của Đức và nợ của Hy Lạp. Mọi thứ nay đã thay đổi, Hy Lạp đã phải trả lãi suất cao hơn nếu muốn vay tiền.

Rõ ràng hiện nay kinh tế những nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đang cố gắng cạnh tranh với kinh tế Đức. Trong một liên minh tiền tệ thống nhất, họ không thể hạ giá đồng tiền để tự đưa họ ra khỏi rắc rối. Lựa chọn khác là một chương trình cắt giảm ngân sách khắc khổ để giảm chi phí thông qua giảm lương và mức sống của người dân.

Việc thiếu thống nhất về kinh tế đã cho thấy sự thiếu thống nhất về chính trị trong nhóm Liên minh châu Âu. Đức thiếu thông cảm với Hy Lạp. Quan điểm của Đức dường như là người dân nhóm nền kinh tế yếu tại châu Âu phải trả giá cho việc không làm việc chăm chỉ và giỏi giang như người Đức – Hy Lạp buộc phải cơ cấu lại hoặc rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Quan điểm cứng rắn của Đức có thể giải thích bởi việc giới chức kinh tế hàng đầu và công chúng nước này cũng đang bất đồng với nhau. Công chúng Đức hiện vẫn nhận thức quá rõ về hậu quả của một liên minh tiền tệ và lo lắng người Đức cũng sẽ phải giải quyết vấn đề với giới chức và người về hưu Hy Lạp theo các cách bao lâu nay vẫn thế. Khi cuộc bầu cử đang đến gần, Thủ tướng Đức đang cố gắng thể hiện với công chúng rằng bà có quan điểm hết sức cứng rắn với Hy Lạp.

Khi đồng euro được đưa vào lưu hành, giới chức chính trị Đức thường tranh luận rằng liên minh tiền tệ cuối cùng cũng sẽ cần đến sự thống nhất về chính trị. Khủng hoảng Hy Lạp chính là yếu tố để tạo ra áp lực buộc sự thống nhất trên đến nhanh hơn. Thế nhưng đương đầu với khủng hoảng, chính phủ của bà Merkel tránh nói đến một liên minh chính trị – thay vào đó họ không muốn đưa ra liều thuốc kinh tế cho Hy Lạp.

Qua thời gian, khu vực đồng tiền chung châu Âu ngày càng không giống một liên minh không thể chia tách được, kết quả của một cuộc hôn nhân giữa đối tác không cân xứng.

Tác giả bài viết là ông Gideon Rachman – người phụ trách chuyên mục của Thời báo Tài chính Anh (FT).


Ngọc Diệp
Theo Dân Trí/FT


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên