MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng vốn ồ ạt rời Trung Quốc

24-08-2015 - 12:12 PM | Tài chính quốc tế

Dòng vốn bị rút ra ồ ạt khiến thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cạn kiệt.

Trong 7 tuần qua, dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc đã lên đến 190 tỷ USD, buộc lãnh đạo nước này phải can thiệp trên quy mô chưa từng thấy để bảo vệ đồng nhân dân tệ. Dòng vốn bị rút ra ồ ạt khiến thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cạn kiệt và đẩy lãi suất Shibor tăng tổng cộng 30 điểm cơ bản trong 10 phiên giao dịch gần nhất, báo hiệu sự căng thẳng trên thị trường.

Theo Yang Zhao từ ngân hàng Nomura, 90 tỷ USD đã rời thị trường trong tháng 7. Sau đó tốc độ càng tăng lên kể từ khi NHTW Trung Quốc (PBOC) gây sốc cho thị trường toàn cầu bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ. Trong 3 tuần đầu tháng 8 con số đã lên tới gần 100 tỷ USD.

Zhao nhận định PBOC đã can thiệp rất mạnh mẽ để ổn định đồng nhân dân tệ, ngăn không cho xu hướng giảm giá rơi ra ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên các biện pháp can thiệp lại tự động khiến chính sách tiền tệ bị thắt chặt.

Tổng cộng PBOC đã bơm 160 tỷ USD vào các dự án của Ngân hàng phát triển Trung Quốc nhằm phục hồi nền kinh tế đang giảm tốc. Tuy nhiên, một lần nữa chỉ số PMI thấp nhất 6 năm lại gây thất vọng.

Dòng vốn tháo chạy đang khiến bức tranh kinh tế Trung Quốc trở nên phức tạp hơn. Phiên sáng nay (24/8), chỉ số Shanghai Composite đã giảm 8%, phá ngưỡng 3.500 điểm. Trên thị trường đang xuất hiện nỗi lo sợ rằng có thể khủng hoảng ở mức độ khủng khiếp hơn so với suy nghĩ trước đây.

PBOC đã phản ứng rất mạnh với cơ chế tỷ giá mới từng bị nghi ngờ là động thái hỗ trợ các nhà xuất khẩu. Sau khi phá giá nhân dân tệ 1,9% hôm 11/8, Trung Quốc đã phải bơm tiền vào thị trường để ổn định lại tỷ giá vì nhân dân tệ rớt giá liên tục.

Theo ngân hàng Nomura, các “thuyết âm mưu” đều đang đi sai hướng. Nomura cho rằng Trung Quốc buộc phải cải cách chế độ tỷ giá cùng với các cải cách khác về cán cân vốn. Đây là một bước phát triển hoàn toàn lành mạnh.

Cũng theo Nomura, Trung Quốc phải đối mặt với “Bộ ba bất khả khi” – lý thuyết cho rằng bạn không thể kiểm soát dòng chảy của vốn, chính sách tiền tệ và đồng nội tệ trong cùng một lúc.

Tú Anh

Telegraph

Trở lên trên