MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dow Jones giảm gần 1 nghìn điểm trước khi hồi phục lại

07-05-2010 - 03:43 AM | Tài chính quốc tế

Dow Jones chứng kiến ngày giảm điểm tệ hại nhất trong 23 năm. Chốt phiên, Dow Jones hồi phục được 700 điểm và chỉ còn giảm gần 350 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm 37,73 điểm tương đương 3,24% xuống mức 1.128,15 điểm.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 347,80 điểm tương đương 3,2% xuống mức 10.520,32 điểm.

Chỉ số Nasdaq hạ 82,65 điểm tương đương 3,44% xuống mức 2.319,64 điểm.

Thị trường lo lắng về việc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ cản đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Cổ phiếu các công ty công nghệ và công nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 có mức giảm trong ngày giao dịch lớn nhất, mức giảm lên tới 10% và 11% và sau đó hồi phục phần nào. Cả hai chỉ số kết thúc phiên giao dịch giảm khoảng 3%.

Chỉ số biến động giao dịch quyền chọn trên thị trường chứng khoán Mỹ hay còn gọi là chỉ số về sự bất ổn tăng tới 63%, mức tăng mạnh nhất từ tháng 2/2007 lên mức 40,7 và sau đó giảm xuống và đóng cửa ở mức 32,8.

Phiên giao dịch ngày hôm qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm sâu hơn cả phiên giao dịch ngày 15/10/2008 khi đó khủng hoảng tài chính đang ở thời kỳ đỉnh cao. Chốt phiên giao dịch ngày 15/10/2008, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 733,08 điểm.

3 ngày giao dịch vừa qua, Dow Jones đã giảm tới 630 điểm tương đương 5,7% bởi những nỗi lo liên quan đến Hy Lạp. Đây là 3 ngày giảm điểm tệ hại nhất của chỉ số công nghiệp Dow Jones tính từ tháng 3/1999 khi đó thị trường chứng khoán gần rơi xuống đáy của thời kỳ khủng hoảng tài chính.

Ông Miller Tabak, chuyên gia phân tích tại Miller Tabak, nhận xét: “Thị trường đang nhận ra Hy Lạp sẽ khủng hoảng trầm trọng trong những năm tới. Châu Âu là đối tác thương mại lớn của chúng tôi vì thế điều này ảnh hưởng tệ hại đến toàn bộ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.”

Dow Jones giảm 600 điểm trong 7 phút

Thời gian gần đây, thị trường vốn đã lo lắng về các nền kinh tế châu Âu. Nỗi lo ngày một lớn hơn trong tuần qua khi Hy Lạp tiến gần hơn đến khả năng xin giải cứu từ EU và IMF.

Khởi đầu phiên giao dịch ngày hôm qua, các chỉ số giảm nhẹ, trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau khi giờ giao dịch bắt đầu, đã có lúc S&P 500 tăng 0,12%, Dow Jones tăng 0,07%, Nasdaq tăng 0,2%.

Tuy nhiên sau đó, các chỉ số ngày một giảm điểm sâu. Đến 2h chiều, đà giảm điểm mạnh hơn. Ở thời điểm đó, S&P giảm 1,81%, Dow Jones giảm 1,51% còn Nasdaq giảm 1,95%.

Các lệnh bán từ máy tính tăng mạnh, có những chương trình tự động đặt lệnh bán cổ phiếu khi thị trường giảm điểm ở một mức độ nào đó. Nhà đầu tư Mỹ sử dụng chương trình này để cắt lỗ khi thị trường giảm điểm. Lệnh bán càng nhiều, thị trường càng giảm điểm sâu.

2h20 phút chiều giờ New York, Dow Jones đã giảm 400 điểm xuống mức 10.460 điểm.

Những hình ảnh về các cuộc biểu tình trên đường phố Hy Lạp khiến nhà đầu tư hoảng sợ.

Sau đó, trong 7 phút, Dow Jones giảm thêm 600 điểm nữa xuống mức đáy của ngày là 9.869 điểm, mức giảm 9,2%.

Giá trị vốn hóa thị trường giảm 1,25 nghìn tỷ USD.

Đến 3h09 phút chiều, Dow Jones hồi phục được 700 điểm. Chỉ số biến động mạnh cho đến khi thị trường đóng cửa.

Thật may mắn khi thị trường hồi phục trở lại, bởi nếu thị trường tiếp tục giảm và vượt quá 10% thì theo quy định giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán New York, thị trường sẽ tạm ngừng giao dịch 30 phút. Nếu thị trường phải ngừng giao dịch vì giảm từ 10% trở lên thì sẽ tạo tâm lý không tốt và để lại tiền lệ xấu cho thị trường.


Diễn biến 3 chỉ số chính trên thị trường Mỹ phiên ngày 06/05(Nguồn: Google Finance)

Đồ thị của 3 chỉ số chứng khoán hình thành chữ V trong phiên giao dịch khi Dow Jones giảm 600 điểm trong 7 phút và sau đó lấy lại 700 điểm trong khoảng 20 phút.

Cổ phiếu của 30/30 công ty thuộc chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm điểm.

Cổ phiếu của nhiều công ty giảm tới hơn 10%. Cổ phiếu GE giảm 14,31%, cổ phiếu Boeing giảm 12,41%.

Ông Charlie Smith, trưởng bộ phận đầu tư tại Fort Pitt Capital Group, nhận xét: “Theo tôi, hoàn toàn do các máy tính, không có nhiều sự can thiệp của con người.”

Ông Jack Ablin, trưởng bộ phận đầu tư tại Harris Private Bank ở Chicago, nhận xét đợt bán tháo trên thị trường hôm qua khiến ông nhớ lại thảm kịch thị trường năm 1987.

Ông nhận xét: “Tôi đã theo dõi thị trường từ năm 1982 và tôi đã đông cứng người khi theo dõi màn hình máy tính vào năm 1987. Tuy nhiên những gì diễn ra trong phiên giao dịch ngày hôm qua cho thấy chúng ta đã mất kiểm soát.

Ông Raymond Pellecchia, phát ngôn viên sàn New York, tuyên bố việc thị trường giảm điểm không bắt nguồn từ nguyên nhân lỗi hệ thống. Sàn Nasdaq cũng tuyên bố đang xem xét lại giao dịch với các hệ thống khác.

Nasdaq hủy các lệnh giao dịch từ 2h40 phút chiều cho đến 3h chiều

Giám đốc điều hành sàn New York cho biết các sàn giao dịch đang tổ chức họp với Ủy ban chứng khoán Mỹ để thảo luận về những gì đã xảy ra. Hiện chưa thể biết liệu có tuyên bố nào được đưa ra để giải thích cho việc thị trường giảm điểm phiên hôm qua.

Trong tuyên bố từ sàn Nasdaq 2 tiếng sau khi thị trường đóng cửa, sàn Nasdaq đã ngưng các giao dịch thực hiện trong khoảng thời gian từ 2h40 phút chiều cho đến 3h chiều mà theo sàn là các giao dịch có lỗi. Tuy nhiên sàn không đưa ra nguyên nhân của việc thị trường giảm điểm.

Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp sử dụng các phần mềm máy tính để mua và bán cổ phiếu đối với lượng lớn cổ phiếu. Những chương trình này sử dụng các công thức toán để giúp cho nhà đầu tư có được mức giá cổ phiếu hợp lý nhất.

Các chương trình thường được lập trình trước và cho phép các máy tính tự phản ứng đối với những biến động trên thị trường. Khi thị trường chứng khoán giảm điểm sâu, các máy tính tự động đặt lệnh bán trên toàn thị trường. Các lệnh bán trong phiên hôm qua đã được đưa ra dồn dập đến mức thị trường giảm điểm sâu như trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.

Thông tin kinh tế Mỹ trong tuần

Ngày thứ Sáu

8h30 sáng: Báo cáo về thị trường việc làm Mỹ tháng 4/2010

3h chiều: Tín dụng tiêu dùng Mỹ

Liên tục cập nhật thêm các diễn biến mới ...



Ngọc Diệp
Theo Dân Trí/AP,CNNMoney,CNBC


ngocdiep

Trở lên trên