Đường sống cho ngành ngân hàng
Báo cáo đặc biệt của The Economist cho rằng ngân hàng bán lẻ là nguồn sống, là tương lai và là bộ phận phát triển sôi động nhất của ngành ngân hàng trong những năm sắp tới.
CafeF trân trọng giới thiệu với bạn đọc Báo cáo đặc biệt của Tạp chí The Economist với nhan đề “Sự phục hưng của bộ phận “ngân hàng bán lẻ” (retail banking)”. Báo cáo đặc biệt này được chia thành 12 kỳ và sẽ lần lượt được đăng tải tại CafeF vào các ngày thứ 2, 4, và 6 hàng tuần.
“Nếu ngân hàng của bạn có thể làm lại từ đầu thì cũng chỉ tốt đến thế này”, chiến dịch marketing của ngân hàng trực tuyến Wingspan lớn tiếng tuyên bố vào năm 1999. Có 1 năm sau (tháng 9/2000), Wingspan đã biến mất sau khi sáp nhập vào ngân hàng mẹ Bank One (nay là một phần của JPMorgan).
Người ta từng nghĩ internet sẽ làm biến chuyển ngành ngân hàng, nhưng phần lớn các ngân hàng trực tuyến ra đời vào thời đó đều chịu chung số phận. Ngân hàng trực tuyến Citi f/I (do Citigroup thành lập) nhập lại vào công ty mẹ năm 2000. NetBank, người đi tiên phong trong các ngân hàng trực tuyến tại Mỹ, chống chọi được lâu hơn cả nhưng rút cục cũng bị cơ quan chức năng đóng cửa vào năm 2007.
Ở bờ bên kia Đại Tây Dương, ngân hàng trực tuyến độc lập đầu tiên của Anh, Egg, làm chấn động thị trường những năm 1999-2000 khi thu hút tới 2 triệu khách hàng chỉ sau vài tháng thành lập. Nhưng sau vài năm, Egg thực tế đã biến mất, các khách hàng của Egg đầu tiên bị bán cho Citigroup, rồi đến Barclays và Yorkshire Building Society. Thật là một kết cục đáng hổ thẹn cho ngân hàng trực tuyến từng khiến khắp các trung tâm ngân hàng thế giới "toát mồ hôi hột".
Tiềm năng của internet banking dường như đã rõ. Ngành ngân hàng nay là ngành được số hóa mạnh mẽ nhất. Ở phần lớn các nước giàu, tiền mặt trong ví chỉ chiếm một phần nhỏ tài sản và chỉ dùng để tiêu những khoản lặt vặt. Phần còn lại ở dưới dạng tín hiệu điện từ tại các trung tâm dữ liệu ngân hàng.
Hơn nữa, ngân hàng là thứ chả mấy ai thích. Nếu không phải xếp hàng chờ đến lượt ở chi nhánh ngân hàng, ắt khách hàng sẽ hưởng ứng nhiệt liệt? Dù sao thì rất nhiều nhà sách và cửa hàng bán đĩa nhạc đã đóng cửa khi người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trên mạng, dù lang thang ở những nơi đó cũng tương đối thú vị. Ra ngân hàng chẳng vui như vậy, nên lại càng có lý do để xử lý mọi chuyện ở nhà.
Dù vậy, trừ một vài nước giàu, nay số chi nhánh ngân hàng trên toàn thế giới tăng 10-20% so với 1 thập kỷ trước. Internet không thay thế được các chi nhánh, mà chỉ làm mọi chuyện thuận tiện hơn thôi. Ngân hàng kiểu truyền thống triển khai thêm internet banking (dịch vụ qua mạng), mobile banking (dịch vụ qua điện thoại di động), thậm chí cả video banking (dịch vụ qua video). Nhưng họ vẫn mở rộng thêm mạng lưới chi nhánh.
Nhớ lại thời kỳ vàng son của ngành ngân hàng những năm trước khủng hoảng, kể cả những kẻ “đuối” nhất cũng kiếm được lợi nhuận cao nhờ chấp nhận nhiều rủi ro. Và chẳng mấy ai buồn giảm chi phí khi mà doanh thu lên như diều nhờ bong bóng nợ. Kể từ giữa thập niên 1990, các ngân hàng bán lẻ lớn tại Châu Âu chỉ giảm được tỷ lệ chi phí trên doanh thu có 0,3%/năm, nhà phân tích đầu tư Simon Samuels từ Barclays cho biết. Dù vậy con số nhỏ nhoi trên vẫn không phải sự thực. Samuels tính toán rằng chi phí trong giai đoạn trên tăng trung bình 8%/năm. May mà doanh thu cũng tăng, và nhanh hơn một chút.
Tác động của bong bóng nợ âm thầm hơn so với người ta nghĩ. Vì nó mà các ngân hàng tổng hợp tập trung vào xây dựng mảng ngân hàng đầu tư, một số ngân hàng bán lẻ mua vào những công cụ độc hại mà không phải lúc nào họ cũng hiểu hết (đó là lý do tại sao một số ngân hàng bán lẻ sụp đổ), và khiến giới ngân hàng sao lãng ngành kinh doanh truyền thống của mình.
Ấy vậy mà ngân hàng
bán lẻ đã và vẫn đang đóng góp nhiều lợi nhuận nhất. Tính toán của công ty tư
vấn McKinsey cho thấy nó chiếm trên một nửa doanh thu toàn cầu ngành ngân hàng,
tức 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2010 (xem đồ thị). Trong dài hạn, đó cũng là nguồn
sinh lợi nhuận đáng tin cậy nhất. Xếp hạng các ngân hàng lớn nhất theo ROE (tỷ
lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần) gần tương tự như xếp hạng theo tỷ lệ doanh thu
từ ngân hàng bán lẻ, chứ không phải mảng ngân hàng đầu tư sôi động.
Trong những năm bong bóng, ngân hàng bán lẻ là ngõ cụt đối với các nhân viên tham vọng. Ở ngân hàng đầu tư lương cao hơn mà đường thăng tiến cũng rộng mở hơn. Nhưng gần đây vì vài lý do mà ngân hàng bán lẻ lại rất được chú ý.
Thứ nhất là vì nó cần thiết. Sau khi bong bóng nợ vỡ, nền kinh tế tăng trưởng chậm mà lãi suất lại thấp khiến tình hình kinh doanh nay đã khác. Ngân hàng nay phải dành nhân tài cho mảng bán lẻ để giảm chi phí và phục hồi lợi nhuận.
Thứ hai, công nghệ
đang thay đổi nhanh chóng. Smartphone giúp khách hàng có thêm nhiều cách tương
tác với ngân hàng. Công nghệ hứa hẹn làm thay đổi cơ bản những dịch vụ ngân
hàng cốt lõi nhưng biên lợi nhuận thấp như thanh toán. Có thêm các công cụ lưu
trữ và xử lý khối lượng dữ liệu lớn, ngân hàng và các công ty công nghệ như
Google và PayPal hy vọng sẽ chuyển biến ngành thẻ tín dụng. Thay vì chỉ đơn
giản chuyển tiền từ nơi nọ đến nơi kia và thu mấy đồng tiền phí, thông tin liên
quan đến quy trình thanh toán ấy có thể mở ra những cơ hội quảng cáo và bán
hàng mới giá trị gấp hàng trăm lần.
Tiền luôn đặc biệt
Báo cáo này cho rằng ngân hàng bán lẻ sẽ là bộ phận sôi động nhất của ngành ngân hàng trong những năm sắp tới. Không giống như các cửa hàng sách hay đại lý du lịch bị cơn lũ internet cuốn băng, ngân hàng có hai lợi thế rất lớn để thích nghi và ứng dụng công nghệ trong tình hình mới.
Thứ nhất, trong tâm trí khách hàng, tiền luôn đặc biệt. Ít khách hàng chuyển sang ngân hàng mới, dù họ có không vui vẻ gì với ngân hàng hiện tại. Số người tin vào những ngân hàng “không sờ được” còn ít hơn. Điều đó tuy đang thay đổi nhưng đủ chậm để giới ngân hàng có thời gian điều chỉnh.
Thứ hai, theo một nghĩa nào đó, ngân hàng chính là các công ty công nghệ. Nhiều ngân hàng có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, người làm việc ở bộ phận công nghệ thông tin. Phần lớn ngân hàng đã sẵn sàng triển khai các dịch vụ mới phục vụ khách hàng. Tín hiệu rõ ràng nhất của xu hướng ấy chính là sự biến chuyển về chất của các chi nhánh ngân hàng.
Đón đọc bài tiếp theo vào thứ 6, ngày 14/12/2012:
Chi nhánh ngân hàng tương lai (Kỳ 1): Vĩnh biệt quy tắc cũ