MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Eurozone còn lại gì sau cơn bão?

25-09-2014 - 12:30 PM | Tài chính quốc tế

Giai đoạn nguy hiểm của cuộc khủng hoảng đã qua, nhưng những hệ lụy của nó vẫn còn tiếp diễn.

Đây là bài viết cuối cùng trong series mang chủ đề công cuộc giải cứu đồng eurozone. Trong các bài trước, chúng tôi đã đi sâu miêu tả công cuộc giải cứu đồng tiền từng là tâm bão của cuộc khủng hoảng. Bài viết này sẽ nói về những thách thức của eurozone ở thời điểm hiện tại.

Martin Feldstein, nhà kinh tế học nổi tiếng của Havard, từng dự đoán rằng đồng euro sẽ dẫn đến một cuộc xung đột mới ở châu Âu, làm tăng nguy cơ can thiệp sâu hơn của Mỹ. Các bài viết về vấn đề Ngoại giao - được xuất bản một năm trước khi khu vực đồng tiền chung euro được thành lập năm 1999 – đã gây nên một cuộc tranh cãi ở EU khi các nhà lãnh đạo hoàn toàn bác bỏ ý tưởng về một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 trên lục địa.

15 năm sau, lời tiên đoán của giáo sư Feldstein suýt chút nữa đã trở thành hiện thực. Đồng euro không còn liên quan đến cuộc chiến tranh hai bờ sông Rhine trong quá khứ, tuy nhiên vấn đề nợ công kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính đã tạo ra những cuộc đối đầu và chia rẽ ngay trong chính nội bộ các nhà lãnh đạo châu Âu – vấn đề đã được phân tích trong loạt bài vừa qua của tạp chí Financial Times. Đó là những phản ứng gay gắt của tổng thống Pháp, là kế hoạch lật đổ Thủ tướng Hy Lạp và Ý hay cơn giận dữ của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, các cuộc xung đột – được cho là tồi tệ nhất kể từ khi Hiệp định Rome được ký kết 6 thập kỷ trước - cuối cùng cũng đi đến hồi kết, không phải trên chiến trường mà ở trong phòng họp. 

Đồng euro đã được cứu – nhưng liệu đã an toàn? Gần 2 năm sau khi ông Mario Draghi – chủ tịch ngân hàng châu Âu EU, tuyên bố ông sẽ làm “bất cứ giá nào” để cứu đồng euro, giai đoạn “cấp tính” của cuộc khủng hoảng đã đi qua. Chi phí vay mượn của Ý và Tây Ban Nha đang ở mức thấp nhất kể từ khi đồng euro được sáng lập. Ireland và Bồ Đào Nha đã rút khỏi kế hoạch giải cứu nợ công mà không cần tiếp tục đảm bảo tín dụng từ EU. Thậm chí, Hy Lạp đã mạnh dạn tuyên bố nước này sẽ “tự lực cánh sinh” khi chương trình giải cứu của EU chấm dứt vào cuối năm nay. 

Tuy nhiên, các vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết tận gốc. Đầu tiên là dự án liên minh tài chính vẫn chưa được hoàn thành. Các nhà kinh tế tin rằng đây là điều cần thiết để đảm bảo cho sự tồn tại ổn định của liên minh tiền tệ trong tương lai. Châu Âu không có một ngân sách liên bang chính thức nhằm giúp đỡ các nước thành viên trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, không có các trái phiếu hỗ trợ chính phủ nhằm kiềm chế chi phí vay mượn tăng đột biến, không có sự hài hòa thống nhất trong chính sách kinh tế của từng quốc gia. Bên cạnh đó, các nước Hi Lạp, Ireland, Ý và Bồ Đào Nha vẫn “đắm chìm” trong cảnh nợ nần.

Với sự trở lại của một thị trường được kiểm soát tốt hơn, nhiều người trong số những thành viên đã tham gia vào cuộc chiến chống khủng hoảng than thở rằng các cuộc cải cách không chỉ giới hạn ở các quốc gia vỡ nợ như Hi Lạp hay Bồ Đào Nha. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussels hồi tháng 3, ngay trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, bà Merkel đã đưa ra một nỗ lực nhằm thúc đẩy sự thành lập của liên minh tài chính – các hợp đồng ràng buộc rõ ràng sẽ giúp đảm bảo các chương trình cải cách tài chính được thực hiện hiệu quả.  

Đáng lo ngại hơn, nhiều chuyên gia tại Brussels và Frankfurt cho rằng các nhà lãnh đạo EU không chỉ “miễn cưỡng” trên con đường cải cách khu vực mà còn đi vào con đường hoàn toàn ngược lại. Các chính phủ ở Ireland, Bồ Đào Nha và Hi Lạp đang đưa ra các chính sách dựa trên ảo tưởng rằng sự hưng phấn của thị trường sẽ tiếp tục kéo dài. Như ông Willem Buiter, trưởng ban kinh tế tại Citigroup, đã phát biểu: “Những người cho rằng nền kinh tế khu vực châu Âu đang thực sự hồi phục chỉ là đoán mò thôi.”

Câu trả lời chính xác nhất là cuộc khủng hoảng đã tạo ra một “kiến trúc” châu Âu mới. Kết cấu này đã thay thế ngôi nhà được xây nửa chừng còn nhiều thiếu sót kể từ hiệp định Maastricht đánh dấu dự thành lập của đồng euro. Các cơ chế “chữa cháy” và các luật lệ mới đã được thiết lập nhằm hạn chế các rủi ro tài chính. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu: liệu liên minh tiền tệ còn giữ được sự bền vững chính trị hay không, đang được bỏ ngỏ. 

Sự sắp xếp hiện tại tỏ ra khá chông chênh. Không chỉ ngân sách của các nước Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đang chịu sự giám sát từ các tổ chức quốc tế. Hãy thử hỏi ông François Hollande hay ông Matteo Renzi. Cả tổng thống Pháp và thủ tướng Ý đang đấu tranh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, họ không thể liều lĩnh làm ngơ trước các qui tắc khắt khe được đặt ra bởi Đức khi cam kết các gói cứu trợ hồi đầu cuộc khủng hoảng. 

Với những người theo chủ nghĩa Liên bang tại Brussels, giải pháp của họ là “nhiều nước châu Âu hơn”. Xét tổng thể, các luận điểm của họ đưa ra đều có lý lẽ riêng.  Nếu các cử tri không thích cách chính quyền ở Brussels đặt ra các qui định ngân sách, họ nên bầu cử một Ủy ban châu Âu mới có thể thỏa mãn mong muốn của chính họ. Một chính phủ châu Âu được lựa chọn bởi nhiều quốc gia, có trụ sở ở Brussels, sẽ có đủ uy tín và trách nhiệm để tạo ra một liên minh kinh tế và tiền tệ hoàn thiện. 

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, luồng ý kiến chống EU đã lên đến mức cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, các đảng chống Brussels đã dự đoán sẽ dẫn đầu vòng bỏ phiếu ở vị trí đầu tiên hoặc thứ hai trong cuộc bầu cử tuần tới tại 3 trong số 6 nước thành viên (Pháp, Ý và Hà Lan). Không ai tin vào tính khả thi của chính sách “nhiều nước châu Âu hơn”. 

Vậy chúng ta còn lại những gì? Cuộc khủng hoảng đồng euro đã bước vào giai đoạn mãn tính khi hầu hết các qui tắc ngân sách cứng rắn đều tập trung vào giảm nợ công, không trừ một nền kinh tế nào, gây sức ép hàng loạt các nước khu vực Nam Âu thực hiện chính sách “thắt lung buộc bụng” để phát triển kinh tế. Và nếu như vậy, liệu các Đảng nắm giữ chính quyền chủ chốt sẽ tiếp tục cầm quyền mãi mãi? Thậm chí khi các cử tri ngày càng thất vọng khi chính quyền mà họ bầu lên không đủ khả năng để kiểm soát các chức năng cơ bản của chính phủ bao gồm các khoản chi tiêu và thuế?

Thế hệ các nhà lãnh đạo hiện tại của châu Âu xứng đáng nhận được lời khen cho những nỗ lực mà họ đã bỏ ra để kiểm soát tình hình, giữ vững sự ổn định và đoàn kết của các nước thành viên. Đó là kết quả của sự “bền gan” chính trị và ứng xử khéo léo. Tuy nhiên, làm thế nào để các thế hệ tiếp theo đối phó với một châu Âu mới – nơi đồng euro đã được cứu nhưng nền kinh tế rơi vào tình trạng bế tắc và các bất đồng chính trị vẫn thường trực – sẽ là một thách thức không có điểm dừng. 

Thảo Phương

huongnt

FT

Trở lên trên