MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fed cắt giảm lãi suất – Đâu là điểm dừng?

06-05-2008 - 05:00 AM | Tài chính quốc tế

Sự sụt giảm giá trị của USD đã đẩy giá dầu và các mặt hàng tiêu dùng trên thế giới tăng cao hay ngược lại?

Sau phiên họp ngày 30-4, Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 0,25%, xuống còn 2%. Từ tháng 9-2007, lãi suất cơ bản đã liên tục giảm từ 5,25% xuống 2%. Fed đã tỏ ý rằng đây sẽ là lần hạ lãi suất cuối cùng.

Ngày càng có nhiều sự lo ngại rằng chính sách duy trì mức lãi suất thấp của Fed đang làm tăng thêm các vấn đề cho nền kinh tế Mỹ. Một số nhà kinh tế đã đề xuất Fed nên dừng việc này lại. Họ lập luận rằng với việc cắt giảm lãi suất, Fed có thể làm giảm đôi chút chi phí cho vay, nhưng lại đẩy giá cả các mặt hàng khác tăng mạnh, điển hình là giá dầu liên tục tăng nhanh trong thời gian gần đây. Điều này đã làm cho nền kinh tế Mỹ điêu đứng.

Sau sự đổ vỡ của thị trường cho vay dưới chuẩn, Fed đã duy trì chính sách đồng đô-la yếu. Từ tháng 8-2007 đến nay, giá trị của đồng USD so với Euro đã giảm 13%. Cùng sự sụt giảm của đồng USD, giá dầu và các mặt hàng tiêu dùng đã liên tục tăng cao. Giá dầu nhiều lần đạt kỷ lục với mức giá 113USD/thùng vào ngày 30-4.

Giá dầu và một số mặt hàng tiêu dùng khác là mấu chốt của vấn đề. Trong quá khứ, sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ thường đẩy giá dầu và các mặt hàng thiết yếu khác đi xuống. Mối liên hệ này hiện đã giảm xuống do nhu cầu lớn về nhiên liệu và hàng hóa thiết yếu của các nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc. Tuy nhiên, điều bất ngờ là giá của các mặt hàng gần đây đã tăng chóng mặt ngay khi nền kinh tế Mỹ trì trệ, cũng như sự tăng trưởng toàn cầu được dự đoán là sẽ ổn định.

Không ai kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh trong năm nay, khi mà giá dầu thô trên thế giới đã tăng 20% và giá các mặt hàng khác cũng đang tăng cao từ đầu năm đến nay. Nguồn cung dầu mỏ suy giảm do sự cạn kiệt trữ lượng dầu ở Australia và bạo loạn tại Nigeria (nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất Châu Phi) đã phần nào giải thích cho vấn đề này.

Tuy nhiên, còn có một nguyên nhân chung giải thích cho sự leo thang giá dầu và rất nhiều mặt hàng khác.

Liệu Fed có phải là thủ phạm của tình trạng này? Có 2 quan điểm đưa ra để ủng hộ ý kiến này. Một là, cùng với sự cắt giảm tỉ lệ lãi suất thực, chi phí cơ hội lưu giữ hàng tồn kho giảm xuốngđã khiến xu hướng tích trữ hàng hóa tăng lên. Hai là, với sự sụt giảm giá trị của đồng USD, giá của các mặt hàng tính theo USD đã bị đẩy cao lên.

Theo ông Chakib Khelil, chủ tịch OPEC, giá dầu có thể đạt ngưỡng 200 USD/thùng do sự sụt giảm giá trị của USD. Mối liên hệ này một phần là do nếu giá trị USD sụt giảm, giá các mặt hàng tính theo USD sẽ phải tăng lên để duy trì sự ổn định khi tính theo các đồng tiền quốc tế khác. Nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng đã tăng lên ngay cả khi không tính giá bằng USD.

Vậy sự sụt giảm giá trị của USD đã khiến giá dầu tăng cao hay sự tăng cao của giá dầu đã đẩy giá trị của USD xuống? Chính sự leo thang của giá dầu đã đẩy giá trị USD đi xuống, bởi vì các nước xuất khẩu dầu nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu nhiều hơn Mỹ, và họ cũng không dự trữ nhiều đồng Đô la Mỹ. Nguyên nhân thứ hai liên quan đến sự khác nhau giữa các hệ thống ngân hàng. Fed tập trung vào tỉ lệ lạm phát “cốt lõi” (không tính giá thực phẩm và dầu mỏ), ngược lại, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) tính lạm phát tổng thể (tính cả thực phẩm và dầu mỏ), nên Fed đã thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm phản ứng lại với giá dầu tăng cao, do đó đã đẩy giá trị của USD xuống thấp.

Một lí do khác nữa để nghi ngờ rằng Fed đã phần nào làm giá dầu và các mặt hàng tiêu dùng tăng cao là những quyết định về lãi suất của họ có một tác động không tương xứng tới tình hình tiền tệ toàn cầu. Một số nền kinh tế đang nổi vẫn ghìm giá đồng tiền của họ so với USD; một số các nước khác thì miễn cưỡng để tỉ giá hối đoái của họ tăng lên đủ để bù đắp lại sự sụt giảm của USD. Hệ quả là, tình hình tiền tệ ở nhiều nước này đang duy trì ở trạng thái quá lỏng lẻo. Cầu về dầu mỏ đã tạo áp lực lớn lên giá cả, đặc biệt là giá các mặt hàng tiêu dùng. Tất cả những điều này chỉ ra rằng những quyết định của Fed đã có ảnh hưởng sâu rộng hơn tới nền kinh tế toàn cầu thông qua đồng USD.

Những bằng chứng cụ thể gần đây đã chỉ ra rằng Fed phải chịu một phần trách nhiệm trong sự bùng nổ giá của các mặt hàng tiêu dùng. USD đã sụt giảm sau những quyết định cắt giảm lãi suất của Fed khi các nhà đầu tư đã hành động nhằm bảo vệ quyền lợi của họ, mặc dù với tỉ giá 1,56 USD/Euro, cao hơn mức 1,60 USD/Euro ngày 22-4. Giá dầu thế giới sau khi đã đạt mức kỷ lục gần 120 USD/thùng ngày 28-4, đã giảm xuống 113 USD/thùng ngày 30-4. Nhưng sau đó, giá dầu thô và các mặt hàng tiêu dùng khác đã tăng lên. Nếu những điều này tiếp tục dai dẳng thì Fed sẽ phải hành động cẩn trọng hơn trong chính sách sắp tới của mình.
 
Hải Long
Theo Economist

tungdn

Trở lên trên