MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

George Soros: Châu Âu đang đối mặt với 5 cuộc khủng hoảng

24-09-2015 - 10:39 AM | Tài chính quốc tế

Châu Âu hiện nay phải đối mặt với ít nhất là năm cuộc khủng hoảng cùng một lúc: bốn cuộc khủng hoảng nội tại – đồng euro, Hy Lạp, di cư, và trưng cầu dân ý của Anh về việc có nên ở lại trong EU hay không. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine là do những tác nhân bên ngoài gây ra.

Hồi tháng 6, nhà đầu tư nổi tiếng George Soros đã đưa ra bài viết “bày mưu chiến thắng cho Ukraine”, trong đó ông cho rằng các biện pháp trừng phạt, mặc dù cần thiết, nhưng lại có hại không chỉ đối với Nga mà còn đối với nền kinh tế châu Âu. 3 tháng trôi qua, châu Âu đã trải qua nhiều biến động và có vẻ như đúng là những biện pháp trừng phạt không hiệu nghiệm như phương Tây mong đợi.

Mới đây Soros lại có bài viết bình luận về tình hình hiện tại của châu Âu.

Do các khiếm khuyết cấu trúc của đồng euro, các nhà chức trách châu Âu đã trở thành bậc thầy của nghệ thuật quẩn quanh từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác. Cách thức này được biết đến như là đá cái lon xuống đường mặc dù mô tả chính xác hơn là đá cái lon lên con dốc và do đó nó tiếp tục quay trở lại.

Nhưng châu Âu hiện nay phải đối mặt với ít nhất là năm cuộc khủng hoảng cùng một lúc: bốn cuộc khủng hoảng nội tại – đồng euro, Hy Lạp, di cư, và trưng cầu dân ý của Anh về việc có nên ở lại trong EU hay không – và một cuộc khủng hoảng đến từ bên ngoài có liên quan đến Ukraine. Các khủng hoảng này có xu hướng củng cố lẫn nhau. Cả công chúng và các nhà chức trách hiện đang bị quá tải. Có thể làm gì để ngăn và đảo ngược quá trình phân rã?

Rõ ràng là không thể giải quyết cả năm cuộc khủng hoảng này cùng một lúc. Tuy nhiên, cần xử lý ưu tiên đối với một số cuộc khủng hoảng mà không lờ đi cuộc khủng hoảng khác. Tôi đã cố gắng cho rằng Ukraine nên được ưu tiên hàng đầu. Các cuộc khủng hoảng nội bộ có xu hướng chia Liên minh châu Âu thành các quốc gia con nợ và chủ nợ, cũng như các quốc gia “đến” và “điểm đến”. Ngược lại, mối đe dọa bên ngoài như những gì đang xảy ra ở Ukraine đòi hỏi sự đoàn kết của Liên minh châu Âu.

Một Ukraine mới được xác định là sẽ tương phản với Ukraine cũ. Ukraine cũ có nhiều điểm tương đồng với Hy Lạp cũ rất khó cải cách: nền kinh tế do các nhà tài phiệt thống trị và tầng lớp chính trị khai thác vị thế của mình nhằm phục vụ lợi ích cá nhân thay vì lợi ích của công chúng. Ngược lại, Ukraine mới được lấy cảm hứng từ tinh thần của cuộc cách mạng Maidan vào tháng 2/2014 và tìm cách cải cách triệt để. Khi xem Ukraine như một Hy Lạp hạng hai và thậm chí không phải là thành viên của Liên minh châu Âu, châu Âu đang có nguy cơ biến Ukraine mới trở lại thành Ukraine cũ. Đó là một sai lầm chết người, bởi Ukraine mới là một trong những tài sản quý giá nhất mà châu Âu có được.

Tôi cảm thấy mình rất tự tin khi đưa ra lập luận này bởi tôi hiểu sâu sắc về Ukraine mới thông qua quỹ Ukraine do tôi thành lập và sự tham gia của bản thân tôi tại đất nước này. Vào đầu năm, tôi đã phát triển “chiến lược chiến thắng cho Ukraine” và lan truyền chiến lược này giữa các quan chức châu Âu.

Tôi cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga là cần thiết nhưng chưa đủ. “Chiến lược chiến thắng” của tôi tán thành việc hỗ trợ tài chính hiệu quả cho Ukraine, kết hợp hỗ trợ ngân sách quy mô lớn với bảo hiểm rủi ro chính trị với chi phí có thể chấp nhận được, cùng với các ưu đãi khác cho khu vực tư nhân. Cùng với cải cách kinh tế và chính trị triệt để mà Ukraine mới mong muốn thực hiện, các biện pháp này sẽ biến Ukraine thành một nơi đầu tư hấp dẫn. Điểm then chốt của cải cách kinh tế là việc tái cơ cấu sự độc quyền khí đốt của nhà nước, Công ty năng lượng quốc gia Naftogaz, chuyển từ giá khí đốt thấp giả tạo hiện hành sang giá do thị trường quyết định và cung cấp các khoản trợ cấp trực tiếp cho các hộ nghèo mua khí đốt.

Cuộc khủng hoảng đồng euro đã gây thiếu hụt nguồn quỹ nghiêm trọng cho các mục tiêu ngân sách. Ngân sách EU là 145 tỷ euro và chỉ tương đương khoảng 1% GDP của các quốc gia thành viên, nhưng châu Âu chỉ đang tăng trưởng một chút và các quốc gia thành viên đang kêu gọi giảm phần đóng góp cho ngân sách EU. Sự thiếu hụt nguồn quỹ đặc biệt nghiêm trọng trong khu vực eurozone khi mà khu vực này không có ngân sách riêng của mình.

Các nhà chức trách châu Âu dưới sự lãnh đạo của Đức đã xử lý sai cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Họ đã bắt đầu bằng cách cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho Hy Lạp với lãi suất trừng phạt; họ áp đặt chương trình cải cách riêng của họ và quản trị một cách chi tiết thay vì cho phép Hy Lạp làm chủ và kiểm soát các cải cách; và họ luôn cho vay quá ít và quá muộn. Không thể chê trách các nhà chức trách Hy Lạp bởi trách nhiệm chính thuộc về Đức vì Đức là nước phụ trách. Nợ quốc gia của Hy Lạp đã trở nên không bền vững nhưng các nhà chức trách châu Âu hiện nay không muốn xóa nợ cho Hy Lạp.

Cuộc tranh cãi về điểm này giữa họ và IMF đã làm phức tạp gấp bội các cuộc đàm phán hiện nay và gần đây. Các nhà chức trách đã sửa chữa một số sai lầm của họ, ví dụ, họ nhấn mạnh vào “xóa/giảm nợ” (“bailing in”) thay vì “giải cứu” (“bailing out”) các trái chủ (xóa/giảm nợ đòi hỏi các trái chủ chấp nhận mất (một phần) giá trị trái phiếu của họ). Nhưng họ lặp lại các sai lầm khác. Sai lầm lớn nhất là xem Ukraine như Hy Lạp. Nhưng Ukraine mới hoàn toàn tương phản với Hy Lạp, và mặc dù Ukraine không phải là thành viên, nó đang tích cực bảo vệ Liên minh châu Âu trước mối đe dọa quân sự và chính trị từ Nga.

Như tôi đã lập luận trong chiến lược chiến thắng dành cho Ukraine, việc trợ giúp Ukraine nên được xem là chi tiêu quốc phòng. Theo đó, đóng góp hiện nay - 3,4 tỷ euro - của Liên minh châu Âu cho gói giải cứu Ukraine dưới sự lãnh đạo của IMF là hoàn toàn không đủ. Liên minh châu Âu có công cụ tài chính thích hợp – cơ chế Hỗ trợ Tài chính Vĩ mô (MFA) – với những sửa đổi thích hợp, có thể được dùng để khắc phục tình trạng thiếu kinh phí trong ngân sách của EU. MFA cho phép Liên minh châu Âu vay vốn tại các thị trường tài chính, điều này dẫn đến việc sẽ hoàn toàn không sử dụng xếp hạng tín dụng AAA.

Ngân sách EU chỉ phải phân bổ 9% số tiền đi vay cho Ukraine như là khoản yêu cầu dự trữ không bằng tiền mặt để phòng ngừa khả năng vỡ nợ trong tương lai. Trong khi đó, quy tắc ngân sách Hoa Kỳ quy định khoản yêu cầu dự trữ không bằng tiền mặt chiếm 44% bảo lãnh tín dụng mới nhất trị giá 1 tỷ đô la Mỹ mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine, do đó, gánh nặng ngân sách 2 tỷ đô la Mỹ mà Mỹ đóng góp cho gói hỗ trợ do IMF đứng đầu thực sự lớn hơn khoản đóng góp của Liên minh châu Âu. Nhưng thỏa thuận khung MFA đã hết hạn vào năm 2009 khi Hiệp ước Lisbon ra đời và cần được gia hạn để có thể sử dụng ở phạm vi lớn hơn. Phân bổ 1% ngân sách EU cho việc bảo vệ Ukraine có vẻ thích hợp; điều này sẽ cho phép Liên minh châu Âu đóng góp 14 tỷ euro hàng năm cho chương trình hỗ trợ do IMF đứng đầu – đóng góp đó đủ lớn để cho phép Liên minh châu Âu có thể làm “bất cứ điều gì” nhằm giúp Ukraine thành công.

Sau khi thỏa thuận Minsk được ký kết, Ukraine đã đến bờ vực sụp đổ tài chính vì sự chậm trễ trong việc cung cấp gói cứu trợ thứ hai do IMF lãnh đạo cho đến ngày 11/3/2015. Đồng nội tệ hryvnia chạm đáy trong tháng Hai khi Ukraine mất niềm tin vào đồng tiền quốc gia. Các giao dịch chính thức bị hoãn và đồng hryvnia giao dịch trên thị trường chợ đen ở mức 30-40 hryvnia đổi 1 USD trong ngày hôm đó. Kể từ đó, đồng hryvnia đã hồi phục, trở lại mức khoảng 20-25 hryvnia/USD. Sự ổn định tài chính đã được tái lập nhưng với cái giá là nền kinh tế trên đà giảm nhanh. Sự sụt giảm đột ngột trong tỷ giá dẫn đến lạm phát cao hơn, tiêu chuẩn sống giảm đáng kể, và nhập khẩu sụt giảm lớn; điều này đã giúp thu hẹp thâm hụt thương mại. Đồng thời, ngân sách đã được hưởng lợi vì chi phí phúc lợi xã hội và tiền lương của nhân viên chính phủ giảm xuống.

Khi đến thăm Ukraine hồi tháng Tư, tôi thấy sự trái ngược giữa thực tế khách quan, rõ ràng là đang xấu hơn, và lòng nhiệt tâm cải cách của Ukraine mới dưới áp lực kinh tế, chính trị và quân sự to lớn nhưng vẫn tiến hành cải cách, điều đó có tác động tích lũy.

Trong năm 2014, chương trình cải cách cho một Ukraine mới đang trong giai đoạn quy hoạch; chỉ đến năm 2015 mới có kết quả là một lượng lớn luật được thông qua nhằm đáp ứng các yêu cầu của IMF và gần đây hơn, thỏa thuận Minsk. Mặc dù vậy, giới tài phiệt chính trị – những nhà tư bản công nghiệp sử dụng ảnh hưởng chính trị để làm giàu cho mình – có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền lợi của họ hơn so với các nhà cải cách cố kiềm chế họ. Chỉ khi nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ và căng thẳng chính trị ở đỉnh cao, chính phủ phải đối mặt với thách thức từ nhà tài phiệt mạnh mẽ nhất, Igor Kolomoisky, người đã cố gắng sử dụng lực lượng dân quân của mình để giữ quyền kiểm soát một công ty con của Naftogaz. Chính phủ đã buộc phải chống lại và tìm cách đánh bại ông ta.

Đó là một bước ngoặt. Kể từ đó, ngân hàng trung ương thực hiện kiểm soát chặt chẽ hệ thống ngân hàng, mặc dù tái cấp vốn các ngân hàng sẽ mất thời gian. Những nhà tài phiệt chính trị khác, đặc biệt là Dmytro Firtash và Rinat Akhmetov, đang bị kiểm soát. Đáng tiếc, điều này xảy ra cho từng trường hợp cụ thể mà chưa áp dụng luật pháp theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Những nỗ lực cải cách ngành cảnh sát và cung cấp các dịch vụ trực tuyến trong chính phủ và minh bạch trong mua sắm chính thức đã có tiến bộ hơn. Nhưng các nhà cải cách đang gặp phải kháng cự trên con đường thực hiện và người dân nói chung là ngày càng không hài lòng với tốc độ cải cách chậm chạp lẫn tiêu chuẩn sống tiếp tục suy giảm. Vì vậy, sự căng thẳng – môi trường mà các nhà cải cách phải hoạt động – tiếp tục gia tăng và có thể chạm tới mức giới hạn bất cứ lúc nào.

Nguyễn Hoàng Mỹ Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên