MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu giảm, nước nào được lợi? (P1)

25-10-2014 - 19:36 PM | Tài chính quốc tế

Diễn biến của giá dầu kéo theo nhiều tác động lên kinh tế toàn cầu. Đâu là bên thắng cuộc và đâu là bên thua cuộc?

Đầu tháng 10, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo về những gì sẽ xảy ra đối với kinh tế thế giới nếu như xung đột ở Iraq gây nên cú sốc về giá dầu. Quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tiến vào miền Bắc Iraq và IMF lo ngại rằng giá dầu sẽ tăng mạnh (20% trong 1 năm), kéo theo GDP toàn cầu giảm 0,5 – 1,5%. Giá cổ phiếu ở các thị trường phát triển sẽ giảm khoảng 3 – 7% và lạm phát sẽ tăng ít nhất 1%.

Cho tới nay là cuối tháng 10, Nga – nước sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới – đang vướng vào rắc rối ở Ukraine. Các nhà sản xuất dầu mỏ khác là Iraq, Syria, Nigeria và Libya đều đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, giá dầu thô đã giảm hơn 25%, từ mức 115 USD/thùng hồi giữa tháng 6 xuống mức dưới 85 USD/thùng vào giữa tháng 10 và sau đó chỉ phục hồi được chút ít. Diễn biến của giá dầu kéo theo nhiều tác động lên kinh tế toàn cầu. Đâu là bên thắng cuộc và đâu là bên thua cuộc?

Bên thắng cuộc đầu tiên chính là kinh tế thế giới. Theo chuyên gia IMF Tom Helbling, giá dầu thay đổi 10% sẽ khiến GDP toàn cầu biến động khoảng 0,2%.Giá dầu giảm thường đẩy tăng GDP bằng cách chuyển nguồn lực từ nhà sản xuất sang người tiêu dùng – những người có xu hướng chi tiêu thay vì tích lũy. Nếu nguồn cung tăng lên là nguyên nhân khiến giá dầu giảm, hiệu ứng còn lớn hơn. Ở Mỹ, khí đá phiến giúp giá cả giảm xuống thấp hơn so với châu Âu và giúp xuất khẩu tăng thêm 6% so với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân là lực cầu yếu, có lẽ người tiêu dùng đang tiết kiệm nhiều hơn. 

Ở thời điểm hiện tại, giá dầu giảm do cả cầu và cung. Sự tăng trưởng ì ạch của kinh tế thế giới và đà phục hồi yếu ớt của châu Âu và Nhật Bản đang kìm hãm nhu cầu về dầu. Tuy nhiên, thế giới cũng đang đối mặt với cú sốc về nguồn cung dầu. Nhờ công nghệ mới của Mỹ, kể từ đầu năm 2013, sản lượng dầu cao hơn 1 – 2 triệu thùng/ngày so với năm trước đó. Nếu giá dầu giảm 25% trong thời gian dài, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ cao hơn 0,5% so với điều kiện bình thường. 

Tuy nhiên, xét trong từng trường hợp cụ thể, một số nước được hưởng lợi nhiều hơn mức trung bình và một số nước bị thiệt hại. Hiện thế giới sản xuất được hơn 90 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tại mức giá 115 USD/thùng, giá trị của số dầu này là gần 3.800 tỷ USD/năm. Nếu giá là 85 USD, con số chỉ là 2.800 tỷ USD. Nước nào tiêu thụ nhiều hơn sản lượng sẽ được lợi từ mức chênh lệch 1.000 tỷ USD. 


Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu nhiều thứ hai thế giới. Dựa trên số liệu năm 2013, giá dầu giảm 1 USD sẽ giúp nước này tiết kiệm được 2,1 tỷ USD trong cả năm. Nếu đà giảm hiện nay được duy trì, Trung Quốc sẽ tiết kiệm được 60 tỷ USD. Thêm vào đó, hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đều có mức giá không giảm. Mức sống của người Trung Quốc sẽ tăng lên khi giá dầu giảm.  

Giá dầu giảm cũng giúp chính phủ nước này giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí vì những nhiên liệu bẩn (ví dụ như dầu diesel) bị loại bỏ. Giáo sư Lin Boqiang đến từ ĐH Xiamen cũng nhận định rằng giá dầu giảm sẽ hỗ trợ cho nỗ lực giảm bớt các chương trình trợ giá.

Giá dầu giảm có cả ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đối với nước Mỹ bởi Mỹ vừa là người tiêu dùng lớn nhất thế giới và cũng là nước nhập khẩu cũng như nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Xét tổng quát, Mỹ được hưởng lợi từ giá dầu rẻ nhưng không còn nhiều như trước. Các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs thừa nhận rằng giá dầu rẻ hơn và lãi suất thấp hơn có thể giúp tăng trưởng năm 2015 tăng thêm 0,1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, con số này bị triệt tiêu vì đồng USD mạnh, tăng trưởng toàn cầu chững lại và TTCK yếu đi. 

Tách dầu từ đá phiến tốn khá nhiều tiền của, bởi vậy khi giá dầu giảm Mỹ chỉ là một trong các nơi thu hẹp hoạt động này. Theo Michael Cohen (đến từ ngân hàng Barclays), giá dầu giảm 20 USD sẽ khiến lợi nhuận của các nhà sản xuất Mỹ giảm 20%. Chỉ có 4/5 các mỏ đá phiến khí tạo ra lợi nhuận nếu tiếp tục sử dụng công nghệ hiện tại và bán ra dầu với giá 85 USD/thùng. 

Mặc dù vậy, tác động lan nhanh đến đâu vẫn là điều chưa rõ và tác động cũng sẽ thay đổi theo từng khu vực. Ở California, giá dầu giảm là một tin tốt, nhưng ở Bắc Dakota (bang khai thác dầu từ đá phiến khí nhiều nhất), đây lại là điều đáng để lo lắng.

Mỹ không phải là nước nhập siêu, do đó giá dầu thấp hơn có nghĩa là người Mỹ sẽ chi tiêu nhiều hơn ở trong nước. Tuy nhiên, tác động không còn nhiều như trước bởi nhập khẩu ngày càng kém quan trọng hơn và dầu ngày càng bớt quan trọng với nền kinh tế. 

Giá dầu giảm cũng tác động đến chính sách tiền tệ. Kể từ những năm 1980, lạm phát kỳ vọng đã ổn định hơn, có nghĩa là Fed cảm thấy không cần phải hành động khi giá dầu biến động. Tuy nhiên, với lạm phát thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%, Fed sẽ cho rằng giá dầu giảm khiến lạm phát kỳ vọng giảm và khó có thể theo kịp mục tiêu lạm phát. Tiếp theo Fed sẽ quyết định giữ lãi suất ở mức gần 0 trong thời gian dài hơn và chưa vội chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng.

Nỗi lo giảm phát đang bao trùm châu Âu. Năm 2013, số năng lượng mà EU nhập khẩu đạt giá trị 500 tỷ USD, trong đó 75% là dầu mỏ. Bởi vậy nếu giá dầu ở mức 85 USD, con số có thể giảm xuống dưới mức 400 tỷ USD.

Lạm phát ở Eurozone còn thấp hơn cả ở Mỹ. Chủ tịch NHTW châu Âu Mario Draghi cho rằng 80% nguyên nhân khiến lạm phát ở mức thấp là do giá dầu và giá thực phẩm giảm. Ngoài ra, châu Âu còn đang cố gắng giảm phụ thuộc vào Nga và cắt giảm lượng khí thải carbon. Giá dầu rẻ hơn khiến châu Âu khó đạt được các mục tiêu này. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên