MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu sẽ bớt “nhảy múa”

05-04-2015 - 09:51 AM | Tài chính quốc tế

Gần như cả thế giới đang thích ứng với tình trạng giá dầu lửa biến động mạnh, trên thị trường dầu mỏ thế giới xuất hiện hai nhân tố mới tác động trực tiếp tới giá dầu.

Lần đầu tiên kể từ khá nhiều năm trở lại đây, giá dầu lửa lại chịu tác động của những nhân tố với bản chất chính trị an ninh như thế.

Cuộc chiến tranh ở Yemen

Đó là cuộc chiến tranh mới bùng phát ở Yemen và triển vọng đạt được thoả thuận khung về giải pháp cho vấn để hạt nhân của Iran. Thêm vào đó còn có tác động nhất định từ chính sách của chính phủ Mỹ siết chặt những điều kiện về bảo vệ môi trường đối với ngành công nghiệp khai thác dầu khí từ đá phiến theo công nghệ mới là Fracking.

Arap Saudi hiện là nước khai thác và xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới. Nước này đã cùng với một số đồng minh thành lập liên quân can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc nội chiến ở Yemen với mục tiêu bảo vệ thể chế ở đó trước cuộc tấn công quân sự của lực lượng người Houthi mà họ cho rằng được Iran hậu thuẫn về quân sự và tài chính.

Iran cũng là một nước lớn về khai thác và xuất khẩu dầu lửa. Một khi vấn đề hạt nhân của nước này được giải quyết thì cũng có nghĩa là Mỹ và Phương Tây sẽ dần nới lỏng và tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn những biện pháp cấm vận và trừng phạt Iran. Khi đó, Iran sẽ có điều kiện và cơ hội để phát triển và hiện đại hoá ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu lửa.

Sự tham chiến của Arap Saudi và đồng minh - mà đại đa số trong liên quân này là những nước giàu lên nhờ khai thác và xuất khẩu dầu lửa ở vùng Vịnh - đã làm cho giá dầu lửa trên thị trường thế giới tăng lên. Trong khi đó, triển vọng về giải quyết được vấn đề hạt nhân của Iran được cảm nhận theo hướng cho rằng Iran rồi đây sẽ tăng được mức độ khai thác và xuất khẩu dầu lửa. Điều này tác động làm cho giá dầu lửa biến động theo hướng giảm đi do làm cho nguồn cung cấp dầu lửa cho thị trường tăng lên.

Giá dầu lửa không thể tăng trở lại nhanh chóng

Công nghệ khai thác dầu khí từ đá phiến đã đem lại thời kỳ phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp khai thác dầu khí ở Mỹ. Tuy nhiên, chi phí khai thác theo công nghệ này quá cao và những điều kiện mới nói trên sẽ làm cho chi phí tăng thêm. Triển vọng là công nghiệp khai thác dầu khí ở Mỹ không còn có thể tăng trưởng được mạnh mẽ và năng động như trước.

Nguồn cung dồi dào trên thị trường trong khi nhu cầu từ tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung không tăng mạnh khiến giá dầu lửa không thể tăng trở lại nhanh chóng. Tuy nhiên, những tình hình chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông, vùng Vịnh, Bắc Phi và Yemen cũng như triển vọng giảm tăng khai thác dầu ở Mỹ lại làm cho giá dầu lửa không thể giảm nhanh và mạnh được như trước nữa. Vì thế, nhiều khả năng giá dầu lửa trên thị trường thế giới tới đây chỉ dao động xung quanh mức độ hiện tại trước khi dần nhích lên.

Hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 trên sàn Nymex (WTI) đóng cửa tại 47,60 USD/thùng, giảm 1,08 USD/thùng, tương ứng 2,2% so với mức đóng cửa của ngày thứ Hai đầu tuần này. Dựa trên hợp đồng được giao dịch sôi động nhất, giá dầu sụt 4,3% trong tháng 3 và bốc hơi 10,6% trong quý 1. Hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 5 trên sàn ICE Futures hạ 1,18 USD/thùng (tương ứng 2,1%) xuống 55,11 USD/thùng. Tính chung cả tháng 3, dầu Brent lao dốc tới 11,9% còn trong quý 1 vừa qua, hợp đồng này mất 3,9%.

Theo Thụy Vân

PV

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên