MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã dòng tiền chạy khỏi các thị trường mới nổi

26-06-2013 - 19:39 PM | Tài chính quốc tế

Các nền kinh tế mới nổi đã mất gần 2.000 tỷ USD trên TTCK kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến kinh tế thế giới chao đảo hồi năm 2007.

Nguyên nhân lớn nhất có thể thuộc về các doanh nghiệp nhà nước – bộ phận chiếm khoảng 1/3 trong số 9.000 tỷ USD giá trị vốn hóa của các thị trường này.

5 năm qua, giá trị của các công ty tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cũng như Mexico, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ - khá ổn định. Trong khi đó, giá trị của các doanh nghiệp nhà nước (ở đây được định nghĩa là những công ty có tỷ lệ sở hữu của nhà nước ít nhất là 30%) đã giảm hơn 40%. Ngày nay, chỉ có duy nhất một công ty nhà nước (PetroChina) lọt vào top 10 công ty có giá trị lớn nhất trên thế giới, giảm so với con số 5 của năm 2008.

Điều này cho thấy thị trường toàn cầu không hề mua “lời tiên tri” của những năm hậu khủng hoảng, khi các tạp chí tung hô ‘sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản nhà nước” và các cuốn sách đều dự báo về “sự chấm dứt của thị trường tự do”. Hầu hết các dự báo này bắt nguồn từ Trung Quốc – quốc gia đã phản ứng với khủng hoảng tài chính bằng cách buộc các ngân hàng trực thuộc nhà nước dồn vốn cho các ngành ưu tiên với mức lãi suất thấp. Bắc Kinh cũng chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ồ ạt, đồng thời tăng cường kiểm soát đối với khu vực doanh nghiệp. 

Khi Trung Quốc thoát khỏi suy thoái kinh tế toàn cầu và “gần như không bị sứt mẻ”, chính phủ các nước mới nổi (từ Nga đến Brazil) đều được khuyến khích đi theo mô hình của Trung Quốc. Có lẽ, họ nên xem xét lại. Nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi. Đồng thời, vấn đề không chỉ nằm ở giá cổ phiếu lao dốc. Lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước cũng như năng suất của nền kinh tế ngày càng sụt giảm. 

Trong suốt những năm 2000, thanh khoản chạy khỏi Mỹ và châu Âu và nhà đầu tư bắt đầu đẩy tăng giá cổ phiếu tại các thị trường mới nổi một cách điên loạn. Đặt cược rằng nhu cầu từ Trung Quốc tăng lên sẽ tiếp tục khiến giá các loại hàng hóa công nghiệp tăng lên, nhà đầu tư đổ tiền vào các công ty sản xuất năng lượng hoặc nguyên vật liệu thô – những ngành thường được quản lý bởi các chính phủ ở thị trường mới nổi. 

Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi sau khi khủng hoảng nổ ra. Mối bận tâm của nhà đầu tư quay trở lại với lợi nhuận. Lúc này, trước mặt họ là những doanh nghiệp nhà nước khổng lồ đầu tư vượt quá khả năng. Theo nghiên cứu của Morgan Stanley, giờ đây nhà đầu tư chỉ định giá các doanh nghiệp nhà nước ở mức giá bằng một nửa so với các doanh nghiệp tư nhân cùng hoạt động trong ngành, từ ngân hàng cho đến viễn thông. 

Trên khắp thế giới, nhà đầu tư cũng chuyển trọng tâm từ hàng hóa sang công nghệ. Điều này giúp giải thích tại sao Mỹ - trung tâm của các cải tiến công nghệ - hiện có tới 9 trong số 10 công ty giá trị nhất thế giới. Trong khi đó, các công ty nhà nước ở thế giới mới nổi không có khả năng bắt kịp.  

Cách đây không lâu, rất nhiều chính phủ các nước mới nổi vẫn nhìn nhận doanh nghiệp nhà nước là những “gã khổng lồ chậm chạp” cản bước phát triển của nền kinh tế. Trung Quốc đã thực hiện cải cách bộ phận doanh nghiệp nhà nước nhằm duy trì “phép màu kinh tế”. Nhà nước sa thải hàng triệu nhân công hoạt động không hiệu quả và chuyên nghiệp hơn trong quản lý. 

Tuy nhiên, trong khoảng một thập kỷ gần đây, xu hướng tư nhân hóa chấm dứt. Ở Nga, quá trình tư nhân hóa biến thành quá trình phân phối lại tài sản về tay các “bố già”. 

Giờ đây, với dòng vốn tháo chạy, các quốc gia mới nổi cần phải quay lại con đường cải cách, bao gồm tư nhân hóa và giảm bớt sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. Trong một vài năm gần đây, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước cũng sụt giảm mạnh. Điều thú vị là có vẻ như Trung Quốc là nước đầu tiên nhận ra sự cần thiết phải thay đổi.

Kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 3, Thủ tướng Lý Khắc Cường luôn nói về cuộc cách mạng nhằm giảm bớt quyền lực của chính phủ và thúc đẩy “cơ chế thị trường” để tạo ra tăng trưởng. Ở phương Tây, rất nhiều chuyên gia vẫn ngạc nhiên về cái cách mà Trung Quốc đối phó với khủng hoảng kinh tế bằng cách thực hiện chương trình kích thích nửa nghìn tỷ USD hồi năm 2009. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, người ta cho rằng số tiền này đã được sử dụng vào những dự án lãng phí. 

Để quay trở lại với quỹ đạo, các chính phủ của thị trường mới nổi phải bắt tay vào việc thu hẹp vai trò của nhà nước và đẩy mạnh  tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước. Nếu không, các công ty này sẽ tiếp tục phá hủy nền kinh tế và làm xói mòn triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. 

Thu Hương

huongnt

WSJ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên