MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao dịch nội gián tại Trung Quốc nở rộ vì … tin đồn

11-04-2011 - 23:10 PM | Tài chính quốc tế

Quan trọng ở chỗ các tin đồn đó cuối cùng khá chuẩn xác. Khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc lớn hơn, các tin đồn nếu không được ngăn chặn, có thể tác động đến toàn thế giới.

Mỗi tháng, tại Trung Quốc, nhà đầu tư, giao dịch và chuyên gia quản lý tiền tệ như Shi Yu chọn lọc trong những tin đồn về số liệu kinh tế sắp được công bố của Trung Quốc để có được lợi thế nhất định trên thị trường.

Ngày thứ Bẩy (12/02/2011), anh Shi đọc trên một diễn đàn rằng tỷ lệ lạm phát tháng 1/2011 sẽ ở mức khoảng 4,9%, thấp hơn dự báo trước đó. 2 người bạn của anh cũng tìm hiểu được thông tin tương tự và sau đó họ lập tức lên kế hoạch đầu tư theo thông tin kiếm được.

Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc mở cửa giao dịch trong ngày thứ Hai, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,5%, mức tăng mạnh nhất trong 2 tháng bởi dự báo Trung Quốc sẽ không nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế giá cả tăng cao. Đến khi Cơ quan thống kê Trung Quốc công bố số liệu vào ngày thứ Ba (ngày 15/02/2011), Shi đã lãi 2% trong các giao dịch của mình.

Chuyên gia đầu tư Shi hiện đang làm việc tại tổ chức đầu tư Nanjing 21st Century Investment Group nói: “Tại Trung Quốc, tốt nhất nên chuẩn bị trước thay cho việc ngạc nhiên. Luôn có cửa đầu cơ.”

Ông Yan Yiming, một luật sư trong lĩnh vực chứng khoán hiện đang làm việc tại Thượng Hải, chỉ ra các số liệu được đồn đoán trước khi các chỉ số kinh tế được công bố chính thức thường đúng nhiều đến nỗi người ta nghi ngờ về khả năng số liệu bị tiết lộ hoặc giao dịch nội gián.

Ông Yan nói: “Có nhiều khi chúng ta thấy thị trường chứng khoán biến động khá bất thường trước khi một số chỉ số kinh tế được công bố.”

Ông Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Credit Agricole CIB, cho rằng chính phủ Trung Quốc, nước có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, cần chặn các nguồn rò rỉ thông tin bởi nó mang đến lợi thế thiếu công bằng đối với nhà đầu tư nào có được nguồn thông tin trước. Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày một lớn cũng đồng nghĩa với việc số liệu kinh tế của Trung Quốc có thể tác động đến toàn cầu.

Rủi ro tạo ra nhiều bê bối

Ông Lu Ting, chuyên gia kinh tế tại Bank of America-Merrill Lynch ở Hồng Kông, chỉ ra: “Những ai tiếp cận sớm được với thông tin sẽ kiếm được tiền. Vấn đề này cực kỳ quan trọng. Không sớm thì muộn, chúng ta sẽ phải giải quyết các vụ bê bối.”

Theo ông Lu, hiện tượng rò rỉ thông tin xảy ra với mọi số liệu kinh tế quan trọng nhất từ Cục thống kê Trung ương. Các số liệu kinh tế mà cơ quan này công bố bao gồm GDP (công bố hàng quý), sản xuất công nghiệp, chỉ số giá sản xuất. Số liệu kinh tế của tháng 3/2011 sẽ được công bố ngày 15/04/2011.

Ông He Keng, một quan chức thuộc chính phủ Trung Quốc, phân tích việc tiết lộ thông tin sớm xảy ra bởi quá nhiều cơ quan thuộc chính phủ được nhìn thấy số liệu trước khi nó được đưa ra công chúng. Lỗ hổng pháp lý này đồng nghĩa luật của Trung Quốc không tính đến việc hưởng lợi từ việc số liệu kinh tế bị rò rỉ.

Vi phạm luật pháp

Cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết đang cố gắng hành động để ngăn tiết lộ thông tin. Bất kỳ việc công bố thông tin nào mà chưa được cấp phép sẽ bị coi như phạm luật và trừng phạt theo hình thức cảnh cáo, giáng chức hay sa thải (theo quy định của luật vào tháng 3/2009).

Cơ quan thống kê sẽ cố gắng giảm thiểu số người được nhìn thấy số liệu trước khi công bố và hạn chế khoảng thời gian từ khi tính toán số liệu cho đến khi công bố.

Theo một quan chức tại cơ quan thống kê, 1 năm trước, cơ quan này đã giảm thời gian tính toán số liệu cho đến khi công bố chỉ số giá tiêu dùng xuống 48 giờ từ mức 72 giờ trước đó.

Cuộc chiến chống lạm phát

Tháng 2/2011 đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng đã bị đồn đoán chính xác trên thị trường và các phương tiện truyền thông trước khi con số cuối cùng được công bố.

Từ khi Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến chống lạm phát, số liệu về tỷ lệ lạm phát được săn tìm nhiều nhất trên thị trường.

Tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc tháng 11/2010 lên tới 5,1%, mức cao nhất trong 28 tháng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào ngày 05/04 đã nâng lãi suất cơ bản lần thứ 4 từ tháng 10/2010.

Số liệu này cần được chia sẽ với khoảng ít nhất 10 cơ quan chính phủ để thu thập ý kiến và giúp cho hoạt động chuẩn bị. 10 cơ quan bao gồm: Bộ Thương mại, Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc…

Ngọc Diệp
Theo Bloomberg


ngocdiep

Trở lên trên