Goldman Sachs: Trung Quốc đã bơm 144 tỷ USD để giải cứu chứng khoán
Theo dự đoán của Goldman Sachs, các quỹ đầu tư được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã bơm khoảng 144 tỷ USD để hỗ trợ thị trường chứng khoán, làm dấy lên nghi vấn liệu chính quyền Bắc Kinh còn có thể hỗ trợ bao nhiêu tiền nếu thị trường tiếp tục giảm.
- 06-08-2015QE kiểu Trung Quốc và những hệ lụy
- 05-08-2015Người duy nhất tin rằng chứng khoán Trung Quốc sẽ tăng vọt
- 05-08-2015Sự biến đổi của kinh tế Trung Quốc qua một biểu đồ
Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ công khai số tiền mà các quỹ đầu tư được nhà nước hậu thuẫn dùng để giải cứu thị trường chứng khoán, nhưng hãng Goldman Sachs dự đoán Công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc (CSFC), quỹ đầu tư chính bơm tiền vào thị trường chứng khoán, hiện có khoảng 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (322 tỷ USD). Trong đó, khoảng 1,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ là tín dụng từ các ngân hàng thương mại lớn, 80 tỷ Nhân dân tệ là trái phiếu phát hành, còn 100 tỷ Nhân dân tệ là vốn chủ sở hữu.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng cho biết đã cung cấp thanh khoản cho CSFC thông qua nhiều biện pháp như cho vay lại.
Mặc dù vậy, Goldman Sachs cho biết rất khó xác định khoảng bao nhiêu tiền trong số 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ trên đã được sử dụng.
Các phương tiện truyền thông tại Trung Quốc có nhiều thông tin trái chiều về số tiền giải cứu của chính phủ. Hầu hết những thông tin này được các quan chức sử dụng như một biện pháp nhằm bình ổn thị trường. Trong khi đó, các kênh thông tin chính thức của chính phủ lại im lặng nhằm tránh gây lo ngại trên thị trường về khả năng chính quyền Bắc Kinh sắp cạn kiệt nguồn lực để cứu chứng khoán.
Trong tuần trước, chứng khoán Trung Quốc đã giảm 10% sau khi báo chí đưa tin các quỹ đầu tư được nhà nước hậu thuẫn đang chuẩn bị chấm dứt việc giải cứu thị trường.
Hãng Capital Economics nhận định những đợt tăng giảm trong thời gian qua cho thấy chính phủ Trung Quốc đang khó khăn khi thuyết phục nhà đầu tư về sự bền vững của thị trường chứng khoán. Thị trường đang bị chi phối bởi những tin đồn về động thái của chính phủ, và bất kỳ đợt tăng giá nào cũng đều dẫn theo nghi vấn liệu chính quyền Bắc Kinh có thu hồi biện pháp hỗ trợ.
Goldman Sachs ước tính số tiền mà CFSC đã chi ra là khoảng 800-900 tỷ Nhân dân tệ (144 tỷ USD). Trong khi đó, các phương tiện truyền thông trong nước đầu tháng 7 cho biết CSFC đã cho các công ty môi giới chứng khoán vay 260 tỷ Nhân dân tệ hỗ trợ mua chứng khoán, chi 400 tỷ Nhân dân tệ để mua cổ phiếu trực tiếp và đầu tư 200 tỷ Nhân dân tệ vào các quỹ tương hỗ.
Goldman Sachs đã so sánh chênh lệch dòng vốn chảy vào thị trường từ các nguồn xác định và số tiền thị trường cần để giữ các chỉ số theo mức hiện tại, qua đó dự đoán số tiền mà chính phủ Trung Quốc đã sử dụng là khoảng 900 tỷ Nhân dân tệ trong tháng 6 và 7/2015.
Theo Goldman, nhà đầu tư có lẽ đã quá nhạy cảm khi nghi vấn về việc ngừng hỗ trợ của chính phủ. Với số tiền đáng kể chính phủ vừa chi ra để bình ổn thị trường, việc xem xét ngừng hỗ trợ là điều quá sớm, đặc biệt là khi chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn bình ổn.
Vấn đề hiện nay là dù chính quyền Bắc Kinh đã chi nhiều tiền cứu trợ nhưng chưa đạt được kết quả đáng kể nào.
Chỉ số chứng khoán Thượng Hải vào giữa phiên 6/8 đạt 3.682 điểm, chỉ tăng 9,2% so với mốc thấp ghi nhận ngày 9/7 nhưng vẫn giảm đến 28,9% so với mức đỉnh 5.178 điểm đạt được ngày 12/6.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh vẫn phải theo đuổi chính sách giải cứu thị trường dù kết quả mà động thái này đem lại chưa hiệu quả như mong muốn.