MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Gừng càng già càng cay"

13-05-2015 - 08:12 AM | Tài chính quốc tế

Lòng kiên nhẫn, sự khác biệt, tính tằn tiện và lòng tin là những yếu tố giúp các công ty gia đình trường tồn theo thời gian.

Ở phòng trưng bày sản phẩm của Berry Bros. & Rudd tại phố St James (London), người ta có thể thấy tất cả mọi thứ đều gợi lên vẻ truyền thống. Tất cả các bức tường được ốp gỗ sồi đen. Ở đây còn có những kỷ vật ghi lại lịch sử của hãng từ năm 1765 đến nay, kể cả thời cửa hàng này chỉ bán cà phê hay vì rượu như ngày nay.

Simon Berry là thế hệ thứ 7 của nhà Berry điều hành công ty này. Ngồi trong một văn phòng nhỏ xinh với những đốm lửa bập bùng và trên bàn là một chiếc điện thoại quay số theo kiểu cũ, ông nói về chai rượu whisky mang nhãn hiệu Cutty Sark đang được đặt trên bàn.

Tuy nhiên, Berry không dễ dàng “ngủ quên” trên vinh quang. Ông đang cố gắng hết sức để mở rộng di sản của gia đình, đặc biệt là tham vọng bành trướng ở thị trường Trung Quốc - nơi nhu cầu đang nở rộ.

Berry có hầm chứa rượu hiện đại nhất với sức chứa lên tới 2 triệu chai ở Basingstoke (gần London) và có tổng cộng 6,3 triệu chai ở các hầm chứa khác. Những nhân viên bán hàng ăn mặc chỉn chu được rèn giũa một cách cẩn thận để phục vụ khách hàng theo cách tốt nhất. Berry nói bố của ông thích nói rằng “tiền bạc là tất cả”. Tuy nhiên, ngày nay các công ty gia đình cần vượt qua những giới hạn khó khăn hơn.

Tầm nhìn dài hạn

Hỏi bất cứ ông chủ nào của các công ty gia đình rằng điều gì khiến công ty của họ khác biệt, bạn đều nghe thấy cụm từ “nhìn xa trông rộng”. Bí quyết này giúp họ chống lại cám dỗ của những lợi ích ngắn hạn, từ đó suy nghĩ cân nhắc mọi quyết định theo tầm nhìn dài hạn hàng thập kỷ chứ không phải vài năm ngắn ngủi. Berry nói đùa rằng một khi bạn có thể sống sót qua “Bong bóng biển Nam Ấn” (khủng hoảng tài chính năm 1720 khiến kinh tế Anh suy thoái 25%), bạn sẽ dễ dàng vượt qua khủng hoảng 2008.

Công ty tư vấn BCG đã so sánh danh sách gồm 149 công ty gia đình (có quy mô từ doanh nghiệp vừa đến DN niêm yết lớn) với một nhóm các công ty không phải là công ty gia đình. Các công ty này đến từ cùng đất nước và cùng hoạt động trong một số ngành. Kết quả so sánh cho thấy các công ty gia đình hoạt động kiên định hơn. Họ kiếm được ít tiền hơn trong những giai đoạn môi trường kinh doanh thuận lợi nhưng lại làm tốt hơn trong giai đoạn khủng hoảng.

John Coates và Reiner Kraakman, các chuyên gia đến từ ĐH Harvard, đã nghiên cứu về nhiệm kỳ của các CEO lãnh đạo những công ty trong chỉ số Standard & Poor’s 500 trong giai đoạn 1992-2004. Họ tìm ra rằng trung bình những người nắm hơn 1% cổ phần sẽ tại vị trong thời gian 13,4 năm, trong khi ở các công ty khác nhiệm kỳ chỉ kéo dài 5,5 năm.

Trung bình CEO của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (Mittelstand) ở Đức có nhiệm kỳ kéo dài tới 20 năm, thậm chí có đôi lúc còn lâu hơn. Horst Brandstätter, ông chủ của công ty sản xuất đồ chơi đến từ Đức có tên Playmobil, lãnh đạo công ty này tới 54 năm. Thậm chí ông từng đưa ra thời hạn 10 năm để một thợ thiết kế sáng tạo ra một sản phẩm mới. Hans Riegel, ông chủ của công ty sản xuất bánh kẹo Haribo, cũng nắm quyền trong 63 năm.

Lòng kiên nhẫn tỏ ra đặc biệt hữu hiệu trong hai ngành: báo chí và hàng xa xỉ. Hai trong số những tờ báo lớn nhất trên thế giới hiện đang được sở hữu bởi các gia đình: New York Times (nhà Sulzberger) và Wall Street Journal (nhà Murdoch đã mua lại tờ báo này từ nhà Bancroft). Nhà Pearson hiện sở hữu một lượng nhỏ cổ phần ở Pearson (nhà xuất bản sở hữu tờ Financial Times và 50% tờ The Economist). So với các công ty khác, công ty gia đình luôn sẵn sàng đầu tư dài hạn – yếu tố quan trọng đối với các tờ báo.

Nhãn hiệu thời trang xa xỉ LVMH, một công ty gia đình thành công thuộc sở hữu bởi Bernard Arnault, đã thâu tóm các công ty gia đình khác là Bulgari và Fendi. Một công ty gia đình khác là Hermès cũng là ví dụ cho sự kiên nhẫn. Trong những năm khó khăn 1970, hãng luôn giữ vững quan điểm đặt chất lượng lên hàng đầu với những sản phẩm được làm từ các chất liệu tốt nhất. Chính triết lý này giúp Hermès được định vị tốt ở thời điểm hiện tại.

Một trong những ví dụ xác đáng nhất về tầm nhìn dài hạn đến từ một ngành sẽ khiến bạn ngạc nhiên: quảng cáo ngoài trời. Jean-Charles Decaux, CEO của tập đoàn Decaux,  giải thcish rằng thuộc sở hữu của một gia đình giúp công ty tiến lên theo cách chậm mà chắc và giờ đây đã vươn lên vị trí số một trong ngành. Decaux đã giới thiệu một loạt các ý tưởng sáng tạo như cung cấp cho các thành phố những nhà chờ xe bus và đổi lại sẽ được quyền quảng cáo trên đó. Giống như Mayer Rothschild, người sáng lập Jean-Claude Decaux đã giao quyền quản lý các khu vực cho 3 cậu con trai. “Thế hệ thứ nhất tạo ra công ty và thế hệ thứ hai sẽ đem nó ra toàn cầu”, ông nói.

Tầm nhìn dài hạn thực sự trở thành lợi thế khi hầu hết các công ty đại chúng ngày càng chú trọng hơn vào ngắn hạn. Trung bình nhiệm kỳ của các CEO công ty đại chúng đã giảm từ 10 năm vào năm 2000 xuống chỉ còn 8 năm ở thời điểm hiện tại, thời gian họ nắm giữ cổ phiếu cũng sụt giảm đáng kể với sự nổi lên của giao dịch điện tử. Ngày càng có nhiều CEO ưa chuộng mô hình vốn cổ phần tư nhân.

Các công ty gia đình cũng rất thận trọng với tiền bạc, mặc dù có không ít công ty sản xuất các mặt hàng xa xỉ. Mars nổi tiếng với trụ sở đơn xơ ở McLean, Virginia trong khi Walmart yêu cầu các lãnh đạo cấp trung tiết kiệm bằng cách ở chung phòng khi đi công tác hay du lịch.

Nghiên cứu của BCG cũng chỉ ra rằng các công ty gia đình quản lý chi phí tốt hơn bởi những ông chủ quản lý sâu sát hơn. Kết quả là trong thời kỳ khủng hoảng 2008 họ đã cắt giảm ít nhân công hơn.

Văn hóa nội bộ và câu chuyện lòng tin

Văn hóa nội bộ là một thế mạnh khác của các công ty gia đình. Họ có cách làm của riêng mình và thường được duy trì từ khi công ty ra đời. Khi Heinz-Peter Elstrodt và các đồng nghiệp tại McKinsey đã nghiên cứu 114 công ty gia đình và 1.200 công ty lớn khác và tìm ra rằng các công ty gia đình được chấm điểm cao ở những điểm quan trọng như động lực làm việc của nhân viên hay lãnh đạo, mặc dù họ yếu hơn một chút ở khía cạnh cải tiến sáng tạo.

Các công ty gia đình cũng có thể đem đến cho nhân viên những câu chuyện truyền cảm hứng từ chính lịch sử lâu đời của công ty. Molson thích tự hào rằng gia đình đã sản xuất bia “kể từ khi đất nước này chưa được gọi là Canada”. Đôi lúc đó là những đức tính đáng quý của người sáng lập: Ingvar Kamprad, người sáng lập IKEA, thường đi lại bằng máy bay giá rẻ mặc dù ông là người giàu có.

Lợi thế thứ ba là niềm tin – yếu tố đặc biệt quan trọng trong thời điểm chủ nghĩa tư bản đứng trước nguy cơ mất đi triết lý sống như hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy các công ty gia đình được tin tưởng nhiều hơn so với tất cả các loại hình khác.

Những người ưa thích các công ty gia đình sẽ chỉ ra một lợi thế khác: xu hướng lãnh đạo dựa trên giá trị. Nói một cách công bằng, không phải công ty gia đình nào cũng có được điều này. Tuy nhiên, rất nhiều trong số các công ty gia đình trên thế giới được tạo nên bởi những bộ tộc thiểu số nhỏ bé. Có thể lấy người Do Thái làm ví dụ hay ở Anh là người Quakers.  Nhà Cadburys và  Rowntree lập nên các công ty socola nhằm tách người Anh khỏi rượu, trong khi ngân hàng Barclays ra đời với mục đích tài trợ cho người trong họ tộc. Ở Mỹ, người Mormon đứng sau nhiều công ty gia đình thành công như Marriott (khách sạn) và Huntsman (năng lượng).

Điều cuối cùng, các công ty gia đình ủng hộ phụ nữ. Đôi khi những người vợ hay con gái sẽ lên nắm quyền khi chồng hoặc cha của họ qua đời. Ngày 3/8/1963, Katharine Graham nghe thấy tiếng nổ lớn từ phòng tắm, chồng của bà vừa tự sát. Graham không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong kinh doanh nhưng bà không còn lựa chọn nào khác là trở thành nữ CEO đầu tiên của một công ty trong danh sách Fortune 500 vào năm 1972 và sau đó thành công rực rỡ.

Tương tự, Maria-Elisabeth Schaeffler đã thay chồng tiếp quản công ty vào năm 1996, trở thành CEO của INA-Schaeffler và thậm chí tỏ ra xuất sắc hơn.

Những công ty gia đình xuất sắc nhất có thể tạo nên rất nhiều giá trị, từ lượng vốn được tích lũy qua nhiều đời cho tới lòng tin xã hội và những góa phụ thông minh vượt bậc. Khó có thể tìm thấy những điều này ở các công ty đại chúng.

Thu Hương

Thu Hương

The Economist

Trở lên trên