MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình 5 năm của Uber

02-06-2015 - 15:51 PM | Tài chính quốc tế

Cách đây đúng 5 năm, một công ty khởi nghiệp có tên UberCab chính thức đi vào hoạt động tại San Francisco. Tua nhanh đến 5 năm sau, Uber đang là một trong những tên tuổi "hot" nhất ở thung lũng Silicon, dù ứng dụng của nó cũng gây nhiều tranh cãi không kém.

Tính đến thời điểm hiện tại, Uber đang hoạt động ở 311 thành phố thuộc 58 quốc gia, với giá trị được ước tính lên tới 50 tỷ USD. Tuy nhiên, thành công của Uber cũng có ít nhiều yếu tố may mắn. Hai dự án khởi nghiệp khác mà nhà sáng lập Travis Kalanick theo đuổi trước đó đều không dẫn tới đâu.

Trang Business Insider mới đây đã điểm lại những cột mốc đáng nhớ nhất trong hành trình đã qua của Uber.

Tổng giám đốc điều hành Travis Kalanick của Uber lớn lên tại Northridge, California, một vùng ngoại ô của Los Angeles. Khi còn nhỏ, Kalanick luôn ao ước được trở thành một điệp viên.

Tuy nhiên, khi trưởng thành, Kalanick lại đi theo con đường kinh doanh giống mẹ mình, một chuyên gia quảng cáo bán lẻ. Khi còn trẻ, Kalanick từng đi bán dao dạo cho Cutco và đến năm 18 tuổi thì bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên, mở một khóa luyện thi SAT có tên New Way Academy.

Uber

Bố mẹ của Travis (bên trái)

Sau đó, ông đến UCLA để học chuyên ngành kỹ sư máy tính. Nhưng đến năm 1998, Travis bỏ học.

Lý do bỏ học là để tập trung toàn thời gian phát triển Scour, một công cụ tìm kiếm đồng đẳng P2P, cùng với hai người bạn học là Michael Todd và Vince Busam. Thời gian này, Travis sống nhờ trợ cấp thất nghiệp, trong khi vốn cho Scour được người nhà và bạn bè của một trong những nhà đồng sáng lập dự án tài trợ.

Uber

Travis (giữa) và các đồng sáng lập của Scour

Sau khi bị một số hãng giải trí khởi kiện với số tiền lên đến 250 tỷ USD, Scour đệ đơn lên Tòa xin được phá sản.

Kalanick tìm cách trở lại với RedSwoosh, một hãng chuyên về phần mềm mạng nhưng nhanh chóng xung đột với nhà đồng sáng lập mới - Michael Todd (Todd cũng chính là một trong những người đồng sáng lập ra Scour). Trong giai đoạn hậu 11/9, khi thị trường chứng khoán chao đảo, do vướng phải nhiều rắc rối pháp lý và sự bất đồng sâu sắc trong ban lãnh đạo, RedSwoosh gần như đóng băng. Không rõ bằng cách nào, đến năm 2007, Kalanick lại bán được công ty này cho Akaamai với giá 23 triệu USD.

Uber

Travis năm 2006, khi còn là CEO của RedSwoosh

Năm đầu tiên làm triệu phú, Kalanick dành để đi du lịch vòng quanh thế giới. Ông đã đến Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hy Lạp, Iceland, Greenland, Hawaii (hai lần), Pháp (2 lần), Úc, Bồ Đào Nha và Senegal.

Đến cuối năm 2008, tại Hội thảo công nghệ LeWeb, lần đầu tiên Travis nghe được ý tưởng về Uber. Ông quan niệm đó là cách hạ thấp chi phí thuê xe chỉ thông qua một nút bấm.

Garret Camp, Oscar Salazar và Conrad Whelan là ba người phát triển nên phiên bản đầu tiên của Uber - một dịch vụ có tên UberCab. Kalanick khi đó có vai trò "cố vấn chính". Với UberCab, người dùng có thể yêu cầu xe ở San Francisco chỉ bằng cách nhắn 1 SMS hoặc nhấn một nút bấm, nhưng giá thành sẽ đắt hơn 1,5 lần so với taxi thông thường.

Uber

UberCab

Đến đầu năm 2010, Ryan Graves được mời về làm Giám đốc điều hành của UberCab. Không lâu sau đó, Graves được bổ nhiệm làm CEO. UberCab khai trương chính thức vào tháng 6 năm đó tại San Francisco. Dịch vụ thành công vang dội, dù các nhà đầu tư ban đầu không nhìn thấy cơ hội rót tiền vào đây nhiều lắm.

Mặc dù vậy, Uber vẫn quyên được 1,25 triệu USD đầu tư từ First Round Capital, một người bạn có tên Chris Sacca của Travis và nhà đồng sáng lập Napster Shawn Fanning.

Tháng 12 năm đó, Travis trở thành CEO còn Graves về lại chức giám đốc điều hành. Theo lời cả hai người, sự sắp xếp này hoàn toàn "tự nguyện và thân thiện".

Sau San Francisco, Uber nhanh chóng mở rộng dịch vụ sang các thành phố khác của Mỹ. Tháng 5/2011, dịch vụ đáp xuống New York và giờ đây, NYC chính là một trong những thị trường lớn nhất của Uber.

Tháng trước, Uber thông báo hãng đã phục vụ 30 triệu lượt đi riêng tại New York kể từ năm 2011 đến nay, tương đương 82.000 lượt xe mỗi ngày.

Tháng 12/2011, Uber trở thành dịch vụ quốc tế khi khai trương tại Paris.

Uber

Uber đến Paris

Để hỗ trợ cho mục tiêu mở rộng của mình, Uber đã mời nhiều chuyên gia lobby như David Plouffe, người chỉ đạo chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Uber

David Plouffe, người đã chỉ đạo chiến dịch tranh cử năm 2008 cho Tổng thống Mỹ Barack Obama

Uber liên tục nhận được tiền đầu tư từ các quỹ mạo hiểm và các nhóm đầu tư lớn. Tháng 12/2014, công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc rót tiền vào Uber.

Đồng thời, Uber cũng bắt đầu thử nghiệm các dịch vụ mới. Tại Santa Monica, Uber cho phép khách hàng đặt bữa thông qua dịch vụ UberFRESH (nay đã đổi tên thành UberEATS). Mùa xuân năm ngoái, các khách hàng Uber tại Manhattan có thể sử dụng hệ thống đưa thư của hãng với tên gọi Uber Rush.

Uber

UberFRESH

Tuy vậy, Uber cũng vấp phải vô số rào cản cũng như scandal truyền thông. Tháng 11 năm ngoái, trong một bữa tiệc tối với "các nhân vật giàu sức ảnh hưởng", một quan chức Uber có tên Emil Michael đã gợi ý rằng Uber nên đào bới thông tin cá nhân của những nhà báo chỉ trích hãng.

Cuối năm 2014, Thượng nghị sĩ Al Franken - Chủ tịch Tiểu ban Quyền riêng tư, công nghệ và Luật pháp bày tỏ sự lo ngại liên quan đến tính riêng tư cá nhân của Uber trong lá thư ngỏ gửi đến CEO Travis Kalanick.

Uber

Nhiều tài xế cũng phản đối dịch vụ của Uber, cho rằng tuyên bố của Uber về việc họ có thể kiếm 90.000 USD/năm lái xe cho hãng là "xạo". Một số đơn kiện thậm chí đã được nộp lên tòa, khi các tài xế cho rằng họ bị Uber coi là nhà thầu độc lập thay vì nhân viên chính thức.

Tháng 5 vừa qua, Uber đã tiếp cận một số nhà nghiên cứu của khoa Tự động hóa (Đại học Carnegie Mellon), mời họ về làm việc tại trung tâm Pittsburgh của hãng. Theo tin đồn, Uber đang muốn thử nghiệm xe tự hành.

Được định giá 41 tỷ USD xong Uber mới chỉ thu hút được 5,9 tỷ USD đầu tư. Đợt định giá gần đây nhất đã giúp Kalanick trở thành tỷ phú.

 

Theo T.C

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên