MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết "thuốc chữa" cho kinh tế Mỹ?

20-06-2011 - 10:22 AM | Tài chính quốc tế

Kinh tế Mỹ hiện chỉ có quy mô tương đương năm 2006. Tỷ lệ phần trăm người thuộc độ tuổi lao động có việc làm thấp hơn so với khi suy thoái kinh tế tồi tệ nhất.

Dù kinh tế Mỹ đang phục hồi với tốc độ đáng thất vọng từ thời kỳ kinh tế suy thoái, các nhà hoạch định chính sách kinh tế hoài nghi về giá trị của một chương trình kích thích tiền tệ hay ngân sách mới.

Tháng 6/2011, kinh tế Mỹ có 2 điểm mốc quan trọng. Fed sẽ công bố kết thúc chương trình nới lỏng định lượng lần 2 (QE2). Và quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ mà QE được đưa ra để hỗ trợ cũng sẽ đến bước ngoặt.

Trong buổi họp lần tới của Fed vào tuần sau, nơi các quan chức sẽ tuyên bố kết thúc chương trình mua trái phiếu trị giá 600 tỷ USD, chẳng ai vui mừng. Sau tất cả chương trình kích thích tài khóa và tiền tệ đã được dành cho nền kinh tế, quá trình phục hồi quả là một sự thất vọng.

Từ khi suy thoái kinh tế kết thúc vào tháng 6/2009, GDP Mỹ tăng trưởng trung bình 2,8%, gần tương đương xu thế dài hạn. Tuy nhiên thông thường sau thời kỳ suy thoái sâu, kinh tế Mỹ bật mạnh hơn nhiều. Khoảng cách giữa GDP thực tế và GDP tiềm năng duy trì quanh mức 5% từ cuối năm 2009.

Xét trên một số góc độ, bức tranh còn tồi tệ hơn. Nếu tính tổng thu nhập chứ không phải chi tiêu, kinh tế Mỹ không có quy mô lớn hơn so với năm 2006. Tỷ lệ phần trăm người thuộc độ tuổi lao động có việc làm thấp hơn so với thời kỳ kinh tế đang suy thoái đến đáy.

Trong tuần này, ông Larry Summers, người cho đến tháng 12/2011 vừa rồi vẫn đảm nhiệm chức vụ trưởng nhóm tư vấn kinh tế cho Tổng thống Obama, cảnh báo nước Mỹ đang đi một nửa đường để lâm vào một thế kỷ mất mát giống Nhật thập niên 1990.

Ở thời điểm đó, hẳn các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ muốn dậy cho người Nhật về cách làm sao để thoát ra khỏi khó khăn. Ông Tim Geithner, hiện đang làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ, sẽ gây sức ép buộc các nhà hoạch chính sách Nhật đưa ra thêm chính sách kích thích tài khóa. Ông Ben Bernanke, sau này là học giả nổi tiếng kiêm chủ tịch Fed, đã coi thất bại của các nhà hoạch chính sách Nhật trong việc không giải quyết nổi vấn đề giảm phát như một trường hợp tê liệt tự thân.

Trên thực tế, cách phản ứng ban đầu của nước Mỹ với chính cuộc khủng hoảng cũng như suy thoái kinh tế của nước này có được từ bài học của nước Nhật. Từ khi Tổng thống Obama lên nhậm chức, gói kích thích tài khóa quy mô 1,2 nghìn tỷ USD đã được tung ra. Fed hạ lãi suất xuống gần mức 0% và sau đó trong 2 chương trình nới lỏng định lượng mua 2,3 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ và đảm bảo bằng thế chấp.

Thế nhưng sau đó lãnh đạo tại Mỹ cũng chẳng thay đổi mấy so với những điều mà họ đã từng chê bai Nhật. Tổng thống Obama đã nói đến việc kéo dài chương trình an sinh xã hội được chấp thuận vào tháng 12/2010. Giới chính trị gia Mỹ hiện đang chú ý nhiều đến mục tiêu cắt giảm ngân sách. Quan chức thuộc Fed, kể cả người đã từng ủng hộ QE, cũng không còn muốn có thêm một chương trình nào tương tự như vậy nữa.

Từ thời Đại Khủng hoảng, lãnh đạo của kinh tế Mỹ đã coi họ cần phải dùng chính sách vĩ mô để giảm thất nghiệp. Nhiệm vụ này đã được ghi vào Luật Việc làm năm 1946. Từ đó đến nay, giáo sư sư học kinh tế Brad DeLong thuộc đại học University of California, chỉ trích: “Một chính quyền không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô là một chính quyền thất bại.”

Sau này, các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng họ không thể theo đuổi mục tiêu có được nhiều việc làm hơn nếu nó đồng nghĩa với lạm phát tăng cao, đi kèm với việc loại bỏ đầu tư tư nhân bằng tiền vay. Chẳng có điều gì đang xảy ra hiện nay. Nhiều chính trị gia Mỹ không muốn có thêm chính sách kích thích bởi họ tin những gì đang được thực hiện hiện nay không hiệu quả và nguy hiểm.

Ông John Boehner, phát ngôn viên Hạ viện Mỹ, nói: “Vấn đề của chúng ta bắt nguồn từ niềm tin sai lệch rằng có thể kiểm soát được kinh tế. Tổng thống Obama không tạo ra suy thoái kinh tế Mỹ nhưng ông đã khiến nó tồi tệ và kéo dài hơn.”

Quan điểm trên đã nhận được sự ủng hộ của chuyên gia kinh tế John Taylor tại đại học Stanford University. Ông Taylor chỉ ra nguyên nhân đằng sau vấn đề kinh tế hiện nay bắt nguồn từ việc bỏ đi chính sách tài khóa và tiền tệ dựa trên luật pháp. Chương trình giải cứu và kích cầu thời cựu Tổng thống Bush, Tổng thống Obama, chương trình cho vay khẩn cấp và nới lỏng định lượng của Fed đã “ươm mầm” cho những yếu tố bất ổn. Ông tin các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh tay sẽ đảo ngược lại tác động trên và sau đó giúp tiêu dùng cũng như tăng trưởng kinh tế đi lên.

Khủng hoảng nợ công tại châu Âu đã nhắc nhở chính phủ các nơi rằng rủi ro nợ công nguy hiểm hơn so với việc chỉ loại bỏ đi đầu tư tư nhân. Tồi tệ nhất, nó có thể gây ra tình trạng mất khả năng thanh toán.

Rủi ro Mỹ đương đầu với khủng hoảng Hy Lạp thấp, xét đến việc đồng USD là đồng tiền dự trữ, nhưng không phải bằng không. Theo xu thế hiện nay, nợ Mỹ đang tăng bất thường.

IMF ước tính đến năm 2016, thâm hụt ngân sách Mỹ sẽ lên mức 6% GDP, cao hơn mức ổn định nợ. Gần như chẳng có thâm hụt nào trong số này được coi như sản phẩm của chu kỳ kinh tế.

Nội bộ chính quyền Tổng thống Obama đã tranh cãi về việc có tiếp tục đưa ra thêm chính sách kích thích tài khóa. Bà Christina Romer, cựu chủ tịch hội đồng tư vấn kinh tế cho Tổng thống Obama, cho rằng gói kích thích tài khóa ngắn hạn, thông qua hỗ trợ việc làm và tăng thu nhập, làm giảm đi áp lực buộc các hộ gia đình giảm nợ còn biện pháp thắt chặt quá sớm sẽ có thể khiến chu kỳ tăng trưởng yếu trở nên tồi tệ hơn.

Từ khi bà Romer và ông Summers rời Nhà Trắng vào năm 2010, quan điểm đối lập đã thắng thế. Trong buổi họp gần đây, một quan chức đã nhắc lại với các phóng viên rằng trọng tâm tập trung vào giảm thâm hụt ngân sách thực sự cần thiết để đảm bảo được niềm tin. Nhà Trắng đang thỏa thuận giảm thâm hụt ngân sách khoảng từ 1 nghìn đến 4 nghìn tỷ USD trong từ 10 đến 12 năm tới để giành được sự đồng thuận của Đảng Cộng hòa về việc nâng trần nợ liên bang. Nếu không nâng được trần nợ, Bộ Tài chính sẽ không thể trả được một số khoản nợ đáo hạn ngày 02/08/2011.

Chuyên gia tư vấn kinh tế cho Tổng thống Obama muốn thực hiện kích thích tài khóa trong ngắn hạn với biện pháp thắt chặt trong dài hạn. Gần đây, các quan chức muốn kéo dài chương trình thuế đánh vào lương đã được thông qua vào tháng 12/20101, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2011. Ông Summers đã đề xuất giảm cả thuế cho các doanh nghiệp. Quan chức chính quyền đồng ý rằng một trong hai chương trình trên có thể giúp giảm thâm hụt ngân sách trong 10 năm tới và nâng mức trần nợ. Dù vậy hiện chưa rõ liệu Đảng Cộng hòa có đồng ý.

Khi chính sách tài khóa và tiền tệ đã lên đến mức giới hạn, cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ sẽ cùng tìm cách đỡ tốn kém và hiệu quả hơn để giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng. Họ đồng ý rằng việc giảm bớt đi các quy định sẽ phát huy tác dụng. Thế nhưng khi người ta quan tâm đến dòng chảy tín dụng, hoạt động điều tiết lại đi theo hướng ngược lại. Theo dự luật Dodd-Frank vào năm 2010, các ngân hàng đương đầu với quy định mới để ngăn hoạt động tín dụng mạo hiểm. Một quan chức thuộc Fed đã đề xuất các ngân hàng phải nắm lượng vốn tương đương khoảng 14% tài sản, cao hơn nhiều so với mức 7% theo Basel 3.

Ông Jamie Dimon, người đứng đầu JP Morgan Chase, đã đối đầu với chủ tịch Fed trong buổi họp ngày 07/06 khẳng định khủng hoảng đã đóng lại bộ phận nguy hiểm nhất của hệ thống tài chính, từ những người môi giới thế chấp vô lương tâm cho đến các công cụ đầu tư khác. Ông nói: “Và nay chúng tôi lại được thông báo chuẩn bị có tiêu chuẩn vốn khắt khe hơn, và dự kiến có khoảng 300 quy định được áp dụng. Đã ai quan tâm đến tác động tổng hợp của tất cả chính sách đó chưa?”

Chủ tịch Fed thừa nhận: “Chưa. Nó quá phức tạp” Ông chỉ ra các quy định được đưa ra với mục tiêu ngăn cuộc khủng hoảng khác.

Khi lựa chọn chính sách tài khóa và tiền tệ đã hết, các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể không còn nhiều lựa chọn. Nhưng hãy nhớ một khi hành trình đã bắt đầu, họ cũng chẳng còn đầu óc đâu mà nhìn lại những gì đã làm.

Ngọc Diệp
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên