Hiểu thêm về ELA - "phao cứu sinh" của các ngân hàng Hy Lạp
Điểm đặc biệt khiến ELA khác với các chương trình cứu trợ khác của ECB là nó được cung cấp bởi NHTW của chính quốc gia đó tới các ngân hàng thương mại, chứ không phải từ ECB, và đều yêu cầu các tài sản thế chấp đi kèm.
Hôm 7/7, NHTW châu Âu ECB đã thảo luận về khoản cứu trợ khẩn cấp đã cung cấp cho các ngân hàng Hy Lạp sau kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Không có bất kỳ sự gia tăng nào về kích cỡ cho gói Cứu trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) mà mức giới hạn hiện tại là 88,6 tỷ Euro (97,5 tỷ USD) và các ngân hàng Hy Lạp gần như vẫn duy trì việc đóng cửa trong một thời gian nữa.
Nhưng ELA là gì, và tại sao nó lại quan trọng đối với các ngân hàng tại Hy Lạp?
Đầu tiên, một chút nền tảng về ELA. NHTW châu Âu ECB, trong các biến cố thông thường, sẽ cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng thông qua hoạt động tái cấp vốn. Ngược lại những ngân hàng đó sẽ phải cung cấp cho ECB các tài sản chất lượng cao làm đảm bảo hoặc thế chấp. ECB có thể lấy những tài sản này làm khoản bồi thường trong trường hợp những ngân hàng được cấp thanh khoản/vay tiền không thể trả lại nợ.
Đã từng có nhiều vụ việc mà người vay không thể trả lại nợ trước đây, mà nổi tiếng nhất là năm 2008, khi Lehman Brother (tập đoàn môi giới chứng khoán - ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 ở Mỹ) phá sản với khoản nợ 613 tỷ USD, trong đó có khoản vay 8,5 tỷ Euro từ NHTW Đức. NHTW Đức Bundesbank đã phải giữ các tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay đó và trong thời gian một vài năm đã thu hồi thành công gần hết khoản tiền 8,5 tỷ Euro này.
ECB hiện tại đang thực hiện các hoạt động thanh khoản của mình trên nguyên tắc “phân bổ một cách tối đa”, vì vậy các ngân hàng sẽ được cung cấp đầy đủ tất cả thanh khoản khi họ cần, miễn là họ có đủ tài sản thế chấp chất lượng cao.
Trong khi đó ELA được cung cấp khi các ngân hàng không còn đủ tài sản thế chấp chất lượng cao để làm tài sản đảm bảo nữa, hoặc đang phải chịu một cuộc “khủng hoảng về thanh khoản”. Trong vài năm qua các nước Ireland, Síp và Hy Lạp đều phải viện đến khoản cứu trợ khẩn cấp này.
Điểm đặc biệt khiến ELA khác với các chương trình cứu trợ khác của ECB là nó được cung cấp bởi NHTW của chính quốc gia đó tới các ngân hàng thương mại, chứ không phải từ ECB, và đều yêu cầu các tài sản thế chấp đi kèm, đây được xem là hoạt động tái cấp vốn trong hệ thống ngân hàng. Về phần mình, ECB duy trì một vai trò giám sát đối với hoạt động này và có quyền giới hạn, can thiệp đối với bất kỳ hoạt động hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) nào.
Việc cung cấp các gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp được thực hiện bởi các NHTW độc lập. Tuy nhiên, tại Eurozone, chính sách tiền tệ các quốc gia thành viên chịu một sự kiểm soát chính sách chung từ ECB, và khi có bất kỳ khoản ELA nào được cấp ra thì đồng nghĩa với việc một lượng thanh khoản đã được bơm vào hệ thống ngân hàng châu Âu và do đó có thể ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của ECB đối với cả Eurozone. Do đó ECB có quyền đánh giá, xem xét, can thiệp vào hoạt động bơm thanh khoản này của từng quốc gia thành viên Eurozone. Cũng vì lý do trên, ELA sẽ đẩy rủi ro nằm trong tay NHTW các nước chứ không đẩy rủi ro lên hệ thống tài chính của Eurozone.
ELA thường được thế chấp bởi các công cụ, tài sản (gồm trái phiếu chính phủ và các chứng khoán có tài sản đảm bảo, là những tài sản dễ chuyển đổi sang tiền mặt) và trong trường hợp của Hy Lạp lượng tài sản mà các ngân hàng dùng thế chấp có một mối liên hệ đáng kể tới chính phủ Hy Lạp (các ngân hàng Hy Lạp sử dụng các tài sản thế chấp cho ELA gồm trái phiếu chính phủ Hy Lạp và nợ ngân hàng được chính phủ Hy Lạp bảo lãnh). Vì vậy đánh giá của ECB về giá trị của “các tài sản bảo lãnh, thế chấp đó sẽ trở nên rất quan trọng đối với quyết định của các chính phủ để xem xét có mở rộng ELA hay không.
Hy Lạp có giống Síp?
Năm 2013, ECB đã bày tỏ “lo ngại” về giá trị của tài sản đảm bảo mà NHTW Síp cung cấp trong chương trình ELA . Thông cáo báo chí của ECB nói rằng: “Hội đồng điều hành của ECB đã quyết định duy trì hạn mức hiện tại của ELA cho đến thứ 2 - 25/3/2013. Sau đó ELA chỉ có thể được xem xét nếu như Síp nhân được hỗ trợ tài chính từ chương trình hỗ trợ tài chính EU/IMF (gồm các khoản hỗ trợ/vay đến từ IMF, Quỹ ổn định tài chính châu Âu EFSF, Cơ chế bình ổn châu Âu EFSM và từ một số quốc gia khác trong EU). Số tiền này sẽ làm đảm bảo cho khả năng thanh toán của các ngân hàng đang gặp vấn đề thanh khoản muốn nhận được ELA”.
Nếu như Síp không nhận thêm được các chương trình hỗ trợ tài chính nào để có tiền chi trả cho các tài sản đảm bảo của ELA, thì ECB sẽ định giá các tài sản đảm bảo do các ngân hàng Síp cung cấp là không đủ tiêu chuẩn để tiếp tục được cấp ELA. Và sau đó Síp đã phải ký để tham gia chương trình Troika (gọi tắt của bộ 3 thể chế IMF, ECB, EC) trong vòng vài ngày sau khi thông báo của ECB phát đi, và tiếp tục nhận ELA. Các ngân hàng của Síp cũng lâm vào cảnh cạn kiệt tiền mặt.
Hy Lạp đang ở trong tình trạng tương tự với Síp tháng 3/2013 (khi ELA hết hạn và tài sản đảm bảo gần như là không còn gì vì Hy Lạp đang cạn tiền và họ cũng không còn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ chương trình hay một nhóm thể chế nào đó). Điều này có nghĩa là việc mở rộng hay thậm chí có tiền để thực hiện cung cấp ELA tới hệ thống NHTM nước này hiện tại là gần như chắc chắn không thể.
Và nếu ECB không mở ra một khả năng nào đó cho Hy Lạp tham gia vào một chương trình hỗ trợ tài chính mới để có thêm tiền trong tương lai gần thì việc gia hạn ELA cũng không còn nghĩa lý. Đây cũng chính là những gì từng đe dọa đối với hệ thống ngân hàng Síp năm 2013. Mới đây dường như IMF đã để ngỏ khả năng cung cấp một gói hỗ trợ mới cho Hy Lạp khi chủ tịch IMF bà Christine Lagarde cho biết quỹ này “sẵn sàng hỗ trợ Hy Lạp nếu được yêu cầu”.
Việc loại bỏ hẳn ELA ngay lập tức đang khiến hệ thống ngân hàng Hy Lạp mất khả năng thanh toán tới người gửi tiền và các khoản ELA trước đã nhận trước đó từ NHTW Hy Lạp. Hơn nữa, sự đảm bảo của chính phủ Hy Lạp đối với các khoản ELA hay những lần bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng trước đó cũng không còn nữa khi mà chính phủ cũng đang cạn tiền. Như vậy, để ổn định hệ thống tài chính, Chính phủ Hy Lạp phải tìm ra cách giải quyết các khoản lỗ (trên bảng cân đối ngân sách). Cách duy nhất là tiếp tục tái cấp vốn từ bên ngoài để ổn định hệ thống tài chính ngân hàng.
Cuối cùng, ELA, mặc dù là một hoạt động của NHTW mỗi nước, nhưng lại xuất hiện trên bảng cân đối tài sản của ECB khi mà chính sách tiền tệ các nước đều chịu ràng buộc vào hệ thống chung. Điều này có nghĩa là nếu không có hy vọng nào về sự hồi phục của Hy Lạp, ECB sẽ phải tìm ra cách giải quyết các khoản thua lỗ này, hoặc phải khôi phục lại số tài sản đảm bảo đó để cứu vớt các khoản đã cho vay theo gói cứu trợ này.
Rõ ràng, ELA không nằm trong lợi ích của bất kỳ ai và cũng không có bất kỳ hy vọng gì khi mà quả bóng được đẩy qua đẩy lại do các nước thành viên không còn tự chủ nhiều trong chính sách tiền tệ của mình. Tuy nhiên, vấn đề kế toán ngân sách, tài sản cũng đủ đau đầu với ECB trong bối cảnh cơ quan này phải tìm ra cách giải quyết khoản tiền đã cho vay trong khi tài sản đảm bảo là gần như chắc chắn không còn nhiều giá trị.
Vậy phải chăng ECB sẽ phải tiếp tục cứu, tạo thêm cơ hội cho Hy Lạp – đồng nghĩa với nhượng bộ các đề xuất của Althens (giảm bớt thắt lưng buộc bụng) – đồng nghĩa với việc bảo vệ lợi ích của mình?