MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiểu thêm về nhân dân tệ ở hải ngoại

24-02-2014 - 19:46 PM | Tài chính quốc tế

Tại sao thị trường nhân dân tệ ở hải ngoại lại tồn tại và sự khác biệt quan trọng nhất giữa thị trường hải ngoại và thị trường nội địa?

Tuần trước, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm giá mạnh. So với USD, đồng nhân dân tệ được giao dịch trên các thị trường hải ngoại (CNH) giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 9/2011. Cũng trong tuần trước, đồng nhân dân tệ được giao dịch trong nội địa (CNY) giảm 0,5% so với đồng USD, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong gần 3 năm.

Xu hướng này có một phần nguyên nhân là do nỗ lực của NHTW Trung Quốc (PBOC) nhằm hạn chế đà tăng của đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, có một xu hướng khác cũng thu hút được sự chú ý của giới phân tích. Theo Robert Savage – chuyên gia đến từ Track Research, khoảng cách giữa tỷ giá giao ngay của CNH và CNY đang được thu hẹp một cách nhanh chóng. 

Nhân dân tệ ở hải ngoại là gì và hoạt động như thế nào? Dưới đây là một số ý chính cần ghi nhớ để hiểu được tại sao thị trường nhân dân tệ ở hải ngoại lại tồn tại và sự khác biệt quan trọng nhất giữa thị trường hải ngoại và thị trường nội địa.

Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế, nước này cũng muốn đồng nhân dân tệ được sử dụng làm đồng tiền thanh toán trong các giao dịch thương mại và tài chính. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không muốn hoàn toàn mở cửa cán cân vốn.

Do đó, Hồng Kông – nơi vốn đóng vai trò là trung tâm của các hoạt động trao đổi giữa Trung Quốc và quốc tế - nhanh chóng trở thành địa điểm lý tưởng nhất cho thị trường nhân dân tệ hải ngoại. Ngoài ra, Singapore, Đài Loan và London cũng tự mình phát triển các thị trường nhân dân tệ hải ngoại. 
 
Khái niệm này bắt nguồn từ năm 2004, khi các tài khoản tiền gửi bằng nhân dân tệ được hợp pháp hóa ở Hồng Kông. Chi nhánh Hồng Kông của Bank of China được chọn lựa làm ngân hàng thanh toán bù trừ duy nhất. Sau đó, số lượng tài khoản tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là sau khi thị trường trái phiếu được thành lập năm 2007. 

Trái phiếu phát hành bằng đồng nhân dân tệ ở bên ngoài đại lục được gọi là dim sum bonds. Năm 2010, McDonald's trở thành công ty phi tài chính nước ngoài đầu tiên phát hành loại trái phiếu này. 
Khối lượng tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ sau khi các hiệp định thương mại được triển khai trong giai đoạn 2009 – 2010. 

Điều quan trọng cần nhớ để hiểu về thị trường hải ngoại là ở đây đồng nhân dân tệ được biến động một cách hoàn toàn tự do và không bị tác động bởi chính sách của chính phủ như thị trường nội địa. Do đó, điều này đem đến những cơ hội ăn chênh lệch – điều mà PBOC đang cố gắng hạn chế. 

Theo lý giải của Kewei Yang – chuyên gia đến từ Morgan Stanley, các định chế tài chính, doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế và các nhà giao dịch kiếm lời bằng chênh lệch giá (arbitragers) luôn luôn có ảnh hưởng lớn đến chênh lệch giữa CNY và CNH. Một mặt, dòng vốn từ các định chế tài chính là lực đẩy lớn điều khiển thị trường và gây nên sự chênh lệch giữa tỷ giá giao ngay CNY và CNH. Mặt khác, các doanh nghiệp và arbitragers dễ dàng khiến chênh lệch biến mất khi dòng chảy vốn từ các định chế tài chính yếu đi. Còn nhà đầu tư quốc tế góp phần khuếch đại cả hai xu hướng dựa trên những đánh giá về tình hình kinh tế Trung Quốc.

Bên cạnh đó, PBOC đã thành lập những hợp đồng hoán đổi giữa các trung tâm hải ngoại. Đây là một biện pháp khá thận trọng nhằm đối phó với tình trạng căng thẳng thanh khoản. PBOC có thỏa thuận hoán đổi song phương trị giá 400 tỷ nhân dân tệ với Hồng Kông, 150 tỷ nhân dân tệ với Singapore và 200 tỷ nhân dân tệ với NHTW Anh. 

Đồng nhân dân tệ ở hải ngoại không chỉ giúp tạo nên vị thế của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu mà còn đem đến một lợi ích lớn hơn nhiều: cho phép Bắc Kinh thử nghiệm thả nổi đồng nhân dân tệ mà không cần phải “mở toang” cán cân thanh toán. 

Thu Hương

huongnt

Business Insider

Trở lên trên