MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hồ sơ Panama: Sau Iceland, đến lượt chính phủ Anh “lung lay”?

06-04-2016 - 19:33 PM | Tài chính quốc tế

Thủ tướng Anh David Cameron đang lâm vào tình thế khó xử sau khi không tiết lộ đầy đủ về một quỹ đen ở nước ngoài do cha của ông lập nên, trong bối cảnh Hồ sơ Panama tiếp tục gây sóng gió ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Thủ tướng Anh và văn phòng của ông mới đưa ra những phản hồi khá ít ỏi về quỹ đầu tư Blairmore ở Bahamas do cha của ông Cameron lập nên, giúp ông này trốn thuế ở Anh. Một trong những câu hỏi vẫn chưa được trả lời đó là liệu gia đình Thủ tướng Cameron trong tương lai sẽ được lợi từ quỹ đen này hay không.

Phía văn phòng Thủ tướng Anh vào ngày 4/4 trả lời rằng quỹ đầu tư này “là vấn đề riêng tư của Thủ tướng”. Ngày hôm sau khi được hỏi về vấn đề này trong chuyến thăm thành phố Birmingham, ông Cameron cho biết: “Tôi không sở hữu cổ phiếu hay quỹ đầu tư nào ở nước ngoài cả. Đó là câu trả lời rất rõ ràng mà tôi có thể đưa ra vào lúc này”. Ông Cameron không bình luận về việc liệu ông hay gia đình của mình sẽ được lợi từ quỹ đầu tư trên hay không.

Văn phòng Thủ tướng Anh sau đó lại nhắc đến vấn đề này trong ngày 6/4. Một phát ngôn viên cho biết: “Thủ tướng, phu nhân và các con của họ không nhận được bất kỳ lợi nhuận nào từ các quỹ đen ở nước ngoài. Thủ tướng không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào. Trước đó, chúng tôi thông báo rằng bà Cameron có sở hữu một số cổ phiếu đất đai của cha mình, song tất cả đều đã được kê khai”.

Lãnh đạo Công đảng Anh là ông Jeremy Corbyn trả lời báo Guardian rằng: “Đã ba lần Văn phòng Thủ tướng không đưa ra được một câu trả lời rõ ràng và đầy đủ. Người dân có quyền được biết sự thật. Chúng ta cần phải biết được những hoạt động trốn thuế mà Hồ sơ Panama nêu ra đã phát triển sâu rộng đến mức nào”.

Bên cạnh việc gây sức ép đối với Thủ tướng Cameron, ông Corbyn cũng kêu gọi điều tra triệt để các vùng lãnh thổ thuộc Anh như đảo Virgin ở vùng biển Caribê (nơi có một nửa số công ty ma được nêu trong Hồ sơ Panama), quần đảo Cayman và đảo Anguilla. Ông nói chính phủ cần phải áp dụng trực tiếp hiến pháp Anh đối với những vùng lãnh thổ này.

Hồ sơ Panama là 11,5 triệu tài liệu mật bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca tại Panama, đến nay vẫn tiếp tục gây chấn động đối với nhiều nước trên thế giới. Các tài liệu trên được gửi đến báo Suddeutsche Zeitung của Đức, sau đó được luân phiên chuyển sang cho Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cùng nhiều hãng thông tấn lớn khác.

Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.

Theo Anh Tuấn

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên