Hội nghị G20 đối mặt bức tranh kinh tế toàn cầu u ám
Tăng trưởng của các nước mới nổi đang bị chậm lại, đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ có thể bị mất đi trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa khắc phục được những lỗ hổng trong liên minh tiền tệ.
Tình hình hiện nay thôi thúc các nhà lãnh đạo tài chính từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới tụ họp ở Washington với sự tham gia của nhóm G20, IMF và WB. Mới đây, hãng phân tích Brown Brothers Harriman vừa thẳng thắn mô tả tình hình kinh tế thế giới hiện nay là “mong manh dễ vỡ với rủi ro cao”.
Thị trường chứng khoán đã tăng điểm trong những tháng gần đây với niềm tin châu Âu sẽ ngăn chặn được cuộc khủng hoảng tài chính qui mô lớn trong năm nay. Dòng tiền chảy vào ECB để bơm tiền vào thị trường nợ với Hy Lạp cố gắng tiến hành cơ cấu nợ sau những vòng đàm phán kéo dài; Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong nỗ lực cải cách ngân sách. Tuy nhiên, những hành động này mới chỉ dừng lại ở mức thăm dò.
Trái phiếu Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm tuần trước đã vượt qua mức kỷ lục 6% của năm 2011. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang đòi hỏi lợi tức cao hơn để bù trừ cho những rủi ro ngày càng lớn mà họ gặp phải trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Phiên đấu giá trái phiếu chính phủ vào thứ 5 tới (19/4) của Tây Ban Nha sẽ là liều thuốc thử về niềm tin vào nền kinh tế nước này.
Lo ngại ở đây là các nhà lãnh đạo EU đã áp đặt các biện pháp cắt giảm ngân sách quá nhanh đối với các nước thành viên đang dấn sâu vào nợ nần khiến tăng trưởng bị ảnh hưởng trong khi họ thực hiện quá ít hành động để có thể đảm bảo tăng trưởng trong tương lai. Điều này khiến khu vực đồng euro dễ bị đổ vỡ trước các cuộc tấn công sắp tới.
Charles Dallara, Giám đốc điều hành Viện tài chính quốc tế (IIC) cho rằng điều quan trọng là phải ngăn chặn được vòng luẩn quẩn tồi tệ giữa thu hẹp kinh tế và cắt giảm ngân sách.
Các nhà lãnh đạo EU đã thực hiện được hai bước quan trọng bao gồm thông qua khung ngân sách mới cho các thành viên và lập ra gói cứu trợ trị giá 930 tỷ USD nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Tuy nhiên, giới ngân hàng và IMF cho rằng điều cần thiết tiếp theo mà châu Âu cần làm nếu muốn phá vỡ sự lây lan khủng hoảng tài chính là các nhà lãnh đạo phải vạch ra một kế hoạch rõ ràng nhằm đạt được sự nhất quán về tài khóa trong khu vực đồng euro trong trung hạn, và ECB phải đảm bảo sẽ giữ lãi suất ở mức thấp trong ngắn hạn.
Đức đã phản đối những động thái này, và thậm chí kế hoạch thực hiện biện pháp đơn giản hơn như phát hành trái phiếu đồng euro rất có thể sẽ được thực hiện trước khi bầu cử Pháp và cuộc trưng cầu dân ý ở Ireland về thỏa thuận tài khóa mới ở EU diễn ra vào mùa xuân này.
Trong khi đó, tăng trưởng đang bị chậm lại ở Pháp và các nước mổi nổi Đông Âu vốn có xuất khẩu gắn chặt vào khu vực đồng euro đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Các ngân hàng Đông Âu phần lớn thuộc sở hữu của các định chế Tây Âu đang phải cắt giảm mạnh cung tín dụng khiến tình hình càng trở nên khó khăn.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang gặp phải khó khăn. Xuất khẩu của nước này sang EU - thị trường lớn nhất, đã giảm 1% trong quý I, khiến tốc độ tăng trưởng GDP quý I gây thất vọng. Nước này đã tăng trưởng 8,1%, mức thấp nhất 3 năm và giảm so với mức 8,9% của quý IV năm ngoái.
Tốc độ tăng trưởng của Brazil, nước đã từng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới cũng đang sụt giảm nhanh chóng. Tỷ lệ tăng trưởng năm ngoái là 2,7%, chưa bằng một nửa năm 2010, chính phủ đã phải cắt giảm thuế, sử dụng các biện pháp phá giá tiền tệ, đồng thời ngân hàng trung ương đang cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.
Triển vọng cho Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng trở nên u ám sau khi lượng việc làm mới được tạo ra trong tháng 3 chỉ bằng một nửa tháng 2, làm giảm sự lạc quan khi cho rằng kinh tế Mỹ đang tăng tốc trở lại. Doanh số bán lẻ tháng 3 và sản lượng công nghiệp cùng với dữ liệu về thị trường bất động sản được dự báo sẽ thể hiện tăng trưởng tiếp tục ở mức vừa khiêm tốn.
Phán quyết của IMF về nền kinh tế toàn cầu sẽ được công bố vào thứ 3 tới. Hội nghị G7 có thể sẽ được tổ chức vào thứ 5. Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các nước G20 sẽ diễn ra vào thứ 6.
Cùng lúc này, những tranh luận lại đang nổ ra về vấn đề tìm kiếm nguồn tài trợ cho IMF. Lo ngại rằng châu Âu sẽ không hành động đủ nhanh để có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ khác, IMF muốn có nhiều tiền hơn để giúp đỡ các nước này chống lại khủng hoảng tài chính. IMF đang huy động 600 tỷ USD từ các nước thành viên. Tuy nhiên, dường như con số sẽ không đạt được như ý muốn và khiến nước mới nổi đẩy mạnh đòi hỏi có nhiều quyền biểu quyết hơn tại IMF cho xứng đáng với tốc độ phát triển kinh tế của họ.
Sức ép này ngày càng lớn hơn khi trước đó World Bank đã từ chối một ứng viên người Nigeria tranh cử vào chức chủ tịch. Ứng viên đến từ Mỹ, Jim Yong Kim, chuyên gia kinh tế gốc Hàn Quốc gần như chắc chắn sẽ đắc cử khi WB đưa ra quyết định vào thứ Hai, tiếp nối truyền thống nhiều năm nay là người Mỹ sẽ trở thành chủ tịch WB và người châu Âu là chủ tịch IMF.
Các xung đột này khiến khả năng các nhà lãnh đạo thế giới có thể đưa ra các biện pháp chắc chắn khắc phục được khủng hoảng kinh tế thế giới trở nên mong manh. Marc Chandler, chiến lược gia tiền tệ toàn cầu của Brown Brothers Harriman nhận định chính trị sẽ ngăn cản các bước phát triển trong những tháng tới.
Anh Thư