Hơn 150 triệu công nhân Ấn Độ đình công
Ngày 2-9, hơn 150 triệu công nhân Ấn Độ đã tham gia cuộc đình công trên khắp cả nước để phản đối kế hoạch cải cách luật lao động của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi.
- 23-08-2015Ấn Độ: Đồng rupee tiếp tục mất giá có là điều đáng lo ngại?
- 21-08-2015Ấn Độ mở sân bay năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới
- 20-08-2015Ấn Độ xem xét đầu tư hơn 76 triệu USD vào Đông Nam Á
- 14-08-2015Ấn Độ đòi Nestle đền 100 triệu USD
- 11-08-2015Vì sao ngày càng có nhiều người Ấn Độ làm CEO các Tập đoàn đa quốc gia?
Theo AFP, đây là cuộc đình công lớn nhất tại Ấn Độ trong hơn hai năm qua, thu hút lực lượng công nhân nhà máy, xây dựng, hầm mỏ, giao thông… cùng giới nhân viên các ngân hàng. Các công đoàn Ấn Độ cáo buộc kế hoạch cải tổ luật lao động của Thủ tướng Modi đe dọa cuộc sống của người công nhân.
Các công đoàn đòi chính phủ phải hủy bỏ các điều khoản giúp dễ dàng sa thải công nhân và đóng cửa những nhà máy không đạt năng suất cao. Đại hội Công đoàn thương mại Ấn Độ (AITUC) mô tả sự hưởng ứng của giới công nhân là “phi thường”.
“Đây là lời cảnh báo tới chính phủ rằng họ phải tham vấn hàng triệu công nhân trước khi thay đổi luật lao động” - AFP dẫn lời ông Amit Khanna, một nhân viên ngân hàng ở thủ đô New Delhi. Các cuộc đình công và biểu tình ở hầu hết thành phố đều diễn ra hòa bình.
Dù vậy, các công nhân biểu tình và cảnh sát đụng độ ở bang Tây Bengal. Truyền hình chiếu cảnh các sĩ quan cảnh sát dùng dùi cui trấn áp người biểu tình ở thành phố Kolkata, thủ phủ Tây Bengal. Phản ứng lại, người biểu tình ném đá vào cảnh sát và đập phá xe.
Nhà chức trách bang Tây Bengal bắt giữ gần 200 người gây rối. Tại Kolkata, các ngân hàng, cửa hiệu đều đóng cửa, nhiều chuyến tàu bị đình hoãn. Tổ chức công nghiệp ASSOCHAM ước tính nền kinh tế Ấn Độ thiệt hại khoảng 3,7 tỉ USD vì cuộc đình công.
Theo đề xuất của chính quyền Thủ tướng Modi, các công ty có trên 300 nhân công được phép sa thải nhân viên mà không cần xin phép nhà nước. Việc thành lập công đoàn cũng trở nên khó khăn hơn.
Lực lượng công nhân biểu tình còn đòi chính phủ phải nâng lương cơ bản lên 15.000 rupee (250 USD) so với mức 5.000 - 9.000 rupee hiện nay, đồng thời cải thiện các biện pháp an sinh xã hội.
Tuổi trẻ