MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hồng Kông không còn miễn nhiễm với bong bóng ở Trung Quốc

24-05-2015 - 18:24 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều người từng hi vọng rằng sự kiện Hồng Kông được trao trả về chính quyền Trung Quốc năm 1997 sẽ không thể tác động đến hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp nhất thế giới, thái độ cởi mở cũng như nhà nước pháp quyền ở thành phố này. Tuy nhiên, 18 năm sau, một số người lo ngại điều ngược lại đang xảy ra.

Nội dung nổi bật:

- Tuần qua, cổ phiếu của ba công ty đến từ Trung Quốc niêm yết trên sàn Hồng Kông đã lao dốc, khiến tổng cộng 40 tỷ USD giá trị vốn hóa bốc hơi

- Những bong bóng của nền kinh tế Trung Quốc đang trở thành vấn đề của Hồng Kông.


Từ lâu nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn bị đánh giá là một thị trường bị bóp méo, không minh bạch và chắc chắn đây là một vấn đề cản trở dòng vốn chảy vào Bắc Kinh. Tuy nhiên, giờ đây vấn đề ấy còn ảnh hưởng đến cả Hồng Kông – nơi từng được coi là “tiêu chuẩn vàng” cho các trung tâm tài chính mang tầm cỡ toàn cầu.

Nhiều người từng hi vọng rằng sự kiện Hồng Kông được trao trả về chính quyền Trung Quốc năm 1997 sẽ không thể tác động đến hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp nhất thế giới, thái độ cởi mở cũng như nhà nước pháp quyền ở thành phố này. Tuy nhiên, 18 năm sau, một số người lo ngại điều ngược lại đang xảy ra sau khi hai tỷ phú Trung Quốc “đánh rơi” hàng tỷ USD trên TTCK Hồng Kông.

Ngày 20/5, cổ phiếu của tập đoàn năng lượng mặt trời  Hanergy Thin Film Power Group “lao dốc không phanh”, xóa sạch 19 tỷ USD vốn hóa chỉ trong 24 phút. Một ngày sau, “ác mộng” xảy đến với hai công ty con của tập đoàn Goldin - Goldin Financial (hoạt động trong ngành tài chính) và Goldin Properties (hoạt động trong lĩnh vực bất động sản), khiến 21 tỷ USD vốn hóa (tương đương một nửa giá trị thị trường của hai cổ phiếu này) biến mất không rõ lý do. Cả ba đều là những cổ phiếu có diễn biến tốt nhất trên sàn Hồng Kông kể từ đầu năm đến nay.

Dẫu vậy, có ba điều chắc chắn mà các nhà đầu tư có thể suy ra từ sự kiện này.

Đầu tiên, những bong bóng của nền kinh tế Trung Quốc đang trở thành vấn đề của Hồng Kông. Dòng vốn từ Trung Quốc đã chảy mạnh vào thành phố này trong thời gian vừa qua. Từ lâu nay các thị trường đại lục vẫn thiếu vắng những nhà đầu tư đi theo trường phái giá trị như Warren Buffett. Người chơi chứng ở Trung Quốc ít quan tâm đến những thứ như các bảng cân đối kế toán, các chỉ số tài chính hay chiến lược của doanh nghiệp. Điều mà họ quan tâm là mối quan hệ của doanh nghiệp với các quan chức chính phủ. Con cháu của họ nằm trong hội đồng quản trị của các công ty và số điện thoại của họ luôn đứng đầu trong danh bạ của các CEO.

Guanxi – từ để chỉ các mối quan hệ - có giá trị cao hơn tỷ lệ P/E. Thay vì “soi” các tài liệu mà công ty nộp lên cơ quan giám sát, nhà đầu tư sẽ theo dõi những câu chuyện phiếm hay thông tin đồn đại trên Internet để tìm thấy những doanh nghiệp “có ô dù”. Trước đó, cổ phiếu của Hanergy đã tăng gấp 6 lần kể từ đầu năm trong khi hai công ty của tập đoàn Goldin đã tăng hơn 300%. Nhà đầu tư tin vào những ông chủ như Li Hejun và Pan Sutong hơn là tin vào tình hình kinh doanh của Hanergy  và Goldin. Khi Li không xuất hiện tại đại hội cổ đông thường niên, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu.

Điều mà Hồng Kông cần làm là tăng cường tính minh bạch, giám sát chặt chẽ hơn các giao dịch bất thường và can thiệp khi cần thiết. Có lẽ cần phải giảm tốc dòng vốn chảy từ đại lục cho tới khi dữ liệu về các lệnh mua bán có thể đuổi kịp tốc độ giao dịch.

Thứ hai, triển vọng của ngành năng lượng mặt trời đang trở nên u tối. Đà lao dốc của Hanergy sẽ phủ bóng đen lên lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cùng trong tuần vừa qua, cổ phiếu của một công ty năng lượng khác là Yingli Green Energy cũng giảm tới 37% trên TTCK Mỹ. Yingli thừa nhận sự hoài nghi đang bao trùm tương lai của hãng.

Lâu nay giới truyền thông và các nhà đầu tư bán khống đã đặt ra câu hỏi về công nghệ chưa được kiểm chứng, hệ thống kế toán không đúng chuẩn mực và sự phụ thuộc vào công ty mẹ của Hanergy. Trung Quốc là nơi công nghệ sản xuất năng lượng mặt trời phát triển mạnh mẽ nhất, nhưng lãnh đạo của các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực này ở Nhật Bản và Mỹ sẽ đối mặt với sự hoài nghi của thị trường. Kể cả nếu như các vấn đề của Hanergy và Yingli chỉ mang tính chất cục bộ, các cổ phiếu năng lượng trên toàn thế giới đang đối mặt với tương lai bất ổn vì sự biến động quá mạnh của thị trường năng lượng.

Thứ ba, nhà đầu tư trên toàn thế giới nên chuẩn bị cho những “con sóng lớn”. Các NHTW bơm tiền mạnh nhất từ trước đến nay, khiến giá tài sản liên tục lập kỷ lục dù lực cầu còn yếu trên toàn cầu. Thị trường Trung Quốc đặc biệt rủi ro khi liên tục lập đỉnh cao nhất trong hơn 1 thập kỷ trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng yếu nhất kể từ 2009. Dẫu vậy, dường như Bắc Kinh sẽ tiếp tục để thị trường diễn biến theo hướng hiện tại vì đây là cách duy nhất để các công ty huy động tiền mặt trong bối cảnh hiện nay.

Nếu các yếu tố cơ bản của nền kinh tế dẫn dắt thị trường, chỉ số Shanghai Composite sẽ giảm điểm thay vì tăng khoảng 42% kể từ đầu năm đến nay. Thị trường Thâm Quyến thậm chí còn tăng mạnh hơn (92% trong tháng 5). Thâm Quyến sẽ sớm được kết nối với thị trường Hồng Kông và một cửa mới lại được mở ra để dòng vốn chảy từ đại lục vào Hồng Kông. Hơn 100 cổ phiếu trên thị trường Hồng Kông đã tăng gấp hơn 6 lần kể từ năm ngoái.

"Bong bóng" sẽ sớm vỡ trên TTCK châu Á?

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên