Hy Lạp chỉ là quân tốt trong bàn cờ lớn giữa IMF với Đức
Từ nay đến thời hạn Hy Lạp phải thanh toán các khoản vay tín dụng cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không còn nhiều thời gian. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Đức với IMF về vấn đề này cũng đang ngày càng gia tăng.
- 14-02-2016Hy Lạp: Tiếp tục biểu tình phản đối cải cách hệ thống lương hưu
- 14-01-2016Hy Lạp chính thức thoát khỏi 33 tháng giảm phát kéo dài
- 08-12-2015Thủ tướng Hy Lạp tuyên bố không cần tới khoản cứu trợ của IMF
- 30-11-2015Hy Lạp cần sự đồng thuận chính trị để chấm dứt khủng hoảng nợ
Theo các điều khoản ràng buộc, Athens sẽ phải thanh toán các khoản tín dụng trị giá 10 tỷ Euro cho Ngân hàng Trung ương EU trong tháng 6 và tháng 7 tới đây.
Tuy nhiên, xét thực trạng ngân sách Hy Lạp hiện nay, nước này sẽ không có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ sắp phải trả. Cũng như trước đây, Hy Lạp hy vọng vào nguồn tín dụng của IMF để thanh toán khoản nợ này.
Các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với IMF đang được tiến hành nhưng dự báo hai bên sẽ phải vượt qua nhiều cản trở để có thể đạt được thỏa thuận chung nào đó.
Quá trình đàm phán căng thẳng càng bị “đổ dầu vào lửa” khi tạp chí Wikileaks công bố đoạn ghi âm cuộc nói chuyện qua điện thoại về Hy Lạp giữa các quan chức cấp cao của IMF là Giám đốc mảng châu Âu của IMF Paul Tomsen và người phụ trách mảng Hy Lạp Delia Velkuleksu.
Cuộc đàm thoại bị giải mật này cho thấy giữa IMF và Đức đang tồn tại những mâu thuẫn lớn về vấn đề Hy Lạp. IMF cũng dự định sẽ “hất cẳng” Đức khỏi chương trình trợ giúp cho Hy Lạp.
Sau khi đoạn ghi âm trên được công bố, Thủ tướng Hy Lạp Aleksis Tripras đã yêu cầu Giám đốc IMF Christine Lagard phải giải thích về vấn đề này. Bà Christine Lagard đã phải lên tiếng trấn an Hy Lạp rằng tất cả các thỏa thuận liên quan đến các khoản tín dụng cho Hy Lạp vẫn có hiệu lực.t
Theo cựu Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varufakis, tình hình hiện nay giống như những gì đã xảy ra cách đây một năm khi Hy Lạp tiến hành các cuộc đàm phán về các khoản tín dụng với IMF, Ủy ban châu Âu và các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Xét về thực chất, mâu thuẫn giữa IMF với các quốc gia châu Âu cung cấp tín dụng cho Hy Lạp vẫn như cũ. Mâu thuẫn này đã tồn tại từ khá lâu nhưng tài liệu ghi âm bị giải mật của Wikileaks vẫn cho thấy rằng mâu thuẫn tưởng như đã đến hồi kết này vẫn đang diễn tiến ngày càng phức tạp hơn.
Trong năm 2010, IMF đã ký thỏa thuận về chương trình đầu tiên trợ giúp Hy Lạp. Đây là hành động phi phạm nguyên tắc của IMF trong việc không cấp tín dụng cho các quốc gia không đủ khả năng thanh toán.
Điều này đã dẫn đến sự bất bình của các quốc gia thành viên IMF không thuộc châu Âu và các quốc gia này đã lên tiếng đòi hỏi IMF cắt giảm bớt trợ giúp cho Hy Lạp.
Từ thời điểm trên cho đến nay không có nhiều thay đổi đối với nền kinh tế Hy Lạp. GDP của Hy Lạp đã giảm đi 1/3 so với giai đoạn trước khủng hoảng nên việc tiến hành các cuộc cải cách đã trở nên khó khăn hơn nhiều.
Ủy ban châu Âu hiện mong muốn rằng trong cuộc họp thường niên của IMF vào tháng 4 này, cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, IMF lại không muốn đưa ra những tuyên bố này.
Về phía Hy Lạp, quốc gia này tiếp tục rơi vào những tình cảnh hết sức khó khăn. Ngoài các vấn đề về kinh tế-tài chính, Hy Lạp lại phải đau đầu giải quyết vấn đề khủng hoảng nhập cư khi phần lớn người nhập cư muốn vào châu Âu đều phải đi qua Hy Lạp, biến Hy Lạp thành “trạm trung chuyển” người nhập cư.
Thực trạng này khiến Thủ tướng Hy Lạp Aleksis Tripras dường như sẽ phải đồng ý với yêu cầu của IMF trong việc cắt giảm chi tiêu từ ngân sách xuống còn 2,5-3% GDP.
Điều này sẽ khiến Hy Lạp phải cắt giảm tiền lương hưu, giảm ưu đãi thuế với người nghèo, tăng thuế đối với các sản phẩm lương thực thiết yếu từ 11% lên 23% và cắt giảm lương đối với phần lớn công chức nhà nước.
Mâu thuẫn giữa IMF với Ủy ban châu Âu tiếp tục gia tăng khi IMF tỏ ra không hài lòng với việc Ủy ban châu Âu cam kết sẽ có những nhượng bộ đối với Hy Lạp. Ủy ban châu Âu vẫn đang tìm cách để giúp Hy Lạp vì những yêu cầu của các quốc gia châu Âu cung cấp tín dụng còn khắt khe hơn cả những yêu cầu của IMF.
Về phần mình, Giám đốc IMF Christine Lagard dường như đang tính đến các bước đi để khiến châu Âu “ngừng diễn trò” và để thực hiện được kịch bản này, IMF cần đến một “sự kiện đặc biệt” nào đó. Kịch bản này có thể là đưa ra tuyên bố về việc chính phủ Hy Lạp “vỡ nợ” trước các quốc gia cung cấp tín dụng.
Ngoài ra, IMF cũng đang tính đến khả năng Ủy ban châu Âu sẽ thực hiện nguyên tắc “im lặng là vàng” về vấn đề Hy Lạp trước khi cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại Anh ngày 23/6 tới đây về quy chế thành viên của Anh trong EU.
Trong tháng 7 tới, sau khi người Anh đã giải quyết xong vấn đề về quy chế thành viên của mình trong EU, Giám đốc IMF Christine Lagard dự định sẽ “đối thoại trực tiếp” với Thủ tướng Đức A.Merkel - người được coi là đặt những viên gạch đầu tiên cho một EU thống nhất.
Thủ tướng Đức sẽ phải lựa chọn phương án nào đem lại những tổn thất chính trị thấp nhất: Tiếp tục trợ giúp cho Hy Lạp không thông qua IMF; Sẵn sàng rút khỏi chương trình trợ giúp cho Hy Lạp nếu như các yêu cầu của mình không được đáp ứng; Đảm bảo sẽ xóa nợ cho Chính phủ của Thủ tướng Tripras như những gì IMF yêu cầu, dù chính phủ Đức trước đó đã kịch liệt phản đối phương án này.
Bà Christine Lagard đã yêu cầu xóa 60 tỷ Euro nợ cho Hy Lạp vì điều này sẽ giúp IMF không phạm vào nguyên tắc không cấp tín dụng cho các quốc gia không đủ khả năng thanh toán.
Thoạt nhìn, có vẻ như mâu thuẫn giữa châu Âu nói chung và Đức nói riêng với IMF chỉ liên quan đến vấn đề tiền bạc. Tuy nhiên, thực tế mâu thuẫn này nghiêm trọng hơn nhiều, nó không chỉ dừng lại ở các con số mà còn liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có cả Hy Lạp vì mâu thuẫn này cũng mang tính chất chính trị.
Vấn đề là ở chỗ, trong năm 2010, để nhận được sự đồng ý của Quốc hội Đức về việc thực hiện chương trình hỗ trợ tài chính đầu tiên cho Hy Lạp, trong đó Đức sẽ gánh vác phần lớn trách nhiệm tài chính để trợ giúp Hy Lạp, Chính phủ của bà Merkel đã đưa ra lời hứa gần như khó có thể thực hiện được.
Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Bà Merkel khi đó đã hứa rằng Hy Lạp sẽ thanh toán toàn bộ nợ nần và sẽ trả lãi.
Thực tế, bà Merkel dù đưa ra lời hứa trên cũng hiểu rằng khả năng này hầu như khó có thể xảy ra. Hiện phần lớn khoản tiền trợ giúp cho Hy Lạp đã nằm trong các ngân hàng ở Đức và Pháp.
Nếu như Ủy ban châu Âu xóa nợ cho Hy Lạp thì khi đó bà Merkel sẽ phải thừa nhận rằng bà đã lừa cử tri và Quốc hội Đức ngay từ những ngày đầu tiên. Điều này sẽ thực sự là đòn giáng mạnh vào uy tín chính trị của bà Merkel trong bối cảnh đang giảm mạnh.
Tất nhiên, Hy Lạp không coi IMF là người cứu trợ hay người bảo vệ cho nhân dân Hy Lạp. Athens chỉ đơn giản coi IMF “ôn hòa” hơn so với Đức và bà Merkel. Thủ tướng Tripras cũng hiểu rõ rằng trong tháng 7 tới, IMF sẽ ra “tối hậu thư” cho Ủy ban châu Âu không phải với mục đích trợ giúp Hy Lạp mà là buộc bà Merkel phải có những nhượng bộ trước IMF.
Như vậy, Hy Lạp sẽ mãi chỉ là quân cờ trong bàn cờ lớn giữa IMF với Đức.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.
Infonet