Jack Ma tới Mỹ tìm đường cho Alibaba
Trong tuần này, Chủ tịch Jack Ma của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba sẽ tới thăm New York và Chicago với nỗ lực quảng bá hình ảnh Trung Quốc nói chung và Alibaba nói riêng trong con mắt nhà đầu tư Mỹ.
- 01-06-2015Nhận vốn từ Alibaba, cổ phiếu của tập đoàn tài chính Hồng Kông tăng gấp rưỡi
- 15-05-2015Alibaba “tấn công” thị trường quốc tế
- 08-05-2015Alibaba có CEO mới, giá cổ phiếu tăng vọt
Vị Chủ tịch của Alibaba đang nỗ lực tìm kiếm doanh thu từ các thị trường ở bên ngoài Trung Quốc trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất kể từ năm 1990. Một trong những chiến lược mà tập đoàn này hướng đến là định vị Alibaba như một giải pháp thương mại điện tử xuyên biên giới, cho phép 557 triệu người dùng Internet của Trung Quốc mua hàng hóa từ bất cứ nơi nào trên thế giới.
Alibaba cho biết Jack Ma sẽ có bữa tối với lãnh đạo của một số thương hiệu tầm cỡ toàn cầu. Ngày hôm sau, ông sẽ ăn trưa với các thành viên của Câu lạc bộ Kinh tế New York. Tiếp theo, Ma sẽ gặp gỡ 300 chủ doanh nghiệp và CEO Ken Chenault của tập đoàn American Express. Ông cũng có cuộc gặp với Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel, người luôn nhấn mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ là giải pháp tạo ra tăng trưởng cho thị trường lao động Mỹ.
Hiện tại, các chuỗi siêu thị Costco và Macy’s là hai trong số các công ty Mỹ đang tiếp cận với các khách hàng Trung Quốc thông qua Alibaba. Ma đặt mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài từ mức 4% hiện nay lên 50%.
Chuyến thăm của Jack Ma trùng khớp với thời điểm Alibaba tung ra các chính sách mới giúp người dân Trung Quốc có thể mua hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn. Alibaba cũng vừa chạy thử thành công các chương trình bán táo và cherry nhập khẩu từ Washington, hải sản từ Alaska và kem của Ben & Jerry’s trên chợ điện tử Tmall.
Alibaba đang quyết liệt cạnh tranh với Amazon và JD.com Inc. (công ty được hỗ trợ bởi tập đoàn Tencent) để giới thiệu các thương hiệu phương Tây đến với người tiêu dùng Trung Quốc.
“Với lượng khách hàng giao dịch đông đảo trên Tmall mỗi ngày, chúng tôi sẽ có được độ phủ sóng rộng lớn – điều mà nếu thực hiện theo phương pháp marketing truyền thống sẽ tốn rất nhiều chi phí. Thị trường thương mại điện tử Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng cho các sản phẩm của Alaska”, Alexa Tonkovich, giám đốc phụ trách các chương trình quốc tế của Viện quảng cáo thủy sản Alaska, chia sẻ.
Theo số liệu của EMarketer, giá trị hàng hóa nước ngoài mà người tiêu dùng Trung Quốc đặt mua trực tuyến đã tăng từ mức chưa đến 2 tỷ USD trong năm 2010 lên hơn 20 tỷ USD trong năm 2014. Hàng hóa Mỹ là lựa chọn hàng đầu cho các mặt hàng quần áo và các sản phẩm chăm sóc trẻ sơ sinh. EMarketer cũng dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới.
Tháng trước, Alibaba vừa bổ nhiệm Daniel Zhang làm CEO mới. Zhang là người luôn nhấn mạnh với các nhân viên rằng mở rộng hoạt động ra toàn cầu là ưu tiên hàng đầu của tập đoàn. Alibaba cũng thành lập văn phòng quốc tế ở Washington với người dẫn đầu là Eric Pelletier, cựu CEO của General Electric và từng phục vụ cựu Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng.