MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Jacob Fugger - Người đàn ông giàu nhất trong lịch sử nhân loại?

09-08-2015 - 23:52 PM | Tài chính quốc tế

Greg Steinmetz, người từng làm phóng viên của tờ Wall Street Journal và giờ là chuyên gia phân tích chứng khoán ở New York, cho rằng Fugger là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới.

Bức họa của tác giả Albrecht Durer miêu tả Jacob Fugger là một người đàn ông có đôi môi mỏng và ánh mắt khó tha thứ. Ông quàng một chiếc khăn lông trên vai và đội chiếc mũ màu nâu. Ở thời đó, cách ăn mặc này được coi là giản dị. Greg Steinmetz, người từng làm phóng viên của tờ Wall Street Journal và giờ là chuyên gia phân tích chứng khoán ở New York, cho rằng Fugger là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới. Thậm chí Fugger còn được cho là người giàu nhất trong lịch sử loài người.

Năm 1459, Fugger chào đời trong một gia đình khá giả làm nghề buôn sợi và hoạt động trong cả ngành ngân hàng ở Augsburg, một vùng thuộc miền Nam nước Đức. Ông trở nên giàu có và quyền lực bằng cách sử dụng vốn liếng một cách khá liều lĩnh và nhờ danh tiếng có được từ việc tài trợ cho những tham vọng bành trướng của Habsburgs.

Jacob đã tận dụng xuất sắc mối quan hệ với đế chế La Mã Thần thánh. Hoàng đế Frederick III đã nhận một khoản vay từ anh trai của Fugger để tránh bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Jacob trở thành nhân viên ngân hàng đầu tiên mà con trai của Hoàng đế Frederick III - Vua Maximilian I, người đã thành lập đế quốc Áo Hung – tìm tới. Ông cũng có mối quan hệ thân thiết với vua Charles V của Tây Ban Nha. Các khoản vay khổng lồ của ông được đảm bảo bằng tài sản thế chấp, và các khách hàng Habsburg thường trả bằng những đặc quyền thay vì tiền mặt.

Fugger giành được quyền kiểm soát toàn bộ các loại hàng hóa như bạc từ Áo và đồng từ Hungary. Ông cho xây dựng một lò nấu kim loại để tinh chế đồng và bán với giá rất đắt. Khi ông gia nhập một cartel gồm các nhà sản xuất đồng ở Venice, họ đồng ý đẩy tăng giá bằng cách giảm nguồn cung, nhưng thay vào đó Fugger gây áp lực lên các đối thủ cạnh tranh và những người có cùng âm mưu. Ông khiến giá sụp đổ bằng cách khiến nguồn cung trên thị trường tăng vọt và những đối thủ cạnh tranh bị suy yếu.

Sau đó Fugger tài trợ vốn cho một chương trình của người Bồ Đào Nha với mục đích phân bổ lại hoạt động giao dịch tiêu và các loại gia vị khác ở Lisbon. Kế hoạch thành công đến nỗi vị thế thương mại của Venice bị giáng một đòn mạnh.

Khao khát thông tin về giao dịch và thương mại, Fugger lập nên một mạng lưới người đưa tin viết ra các bản báo cáo được in và phát cho các khách hàng dưới dạng một tờ báo. Có thể nói Fugger là người “phát minh” ra dịch vụ cung cấp tin tức đầu tiên trên thế giới.

Nhà kinh doanh tài ba đã huy động nguồn vốn mới cho các ngân hàng bằng cách khai thác các tài khoản tiết kiệm xuất hiện lần đầu tiên ở Augsburg với lãi suất 5%/năm, mặc dù loại hình này trái với lệnh cấm cho vay nặng lãi của nhà thờ Công giáo. Fugger đã trực tiếp tranh luận với Giáo hoang Leo X về điều này. Đến năm 1515 lệnh cấm đã được viết lại, với định nghĩa cho vay nặng lãi là một quá trình trong đó lợi nhuận được tạo ra mà không cần đến lao động, chi phí hay rủi ro.

Càng già, Fugger càng có nhiều kẻ thù muốn ông phải chết. Đầu tiên là các hiệp sĩ Teuton và sau đó là những người nông dân Đức đã vùng lên đấu tranh chống bị tầng lớp thương nhân bóc lột, trong đó Fugger là kẻ bị liệt kê đầu tiên. Một lãnh đạo của cuộc kháng chiến của người nông dân Đức năm 1520 nói rằng Chúa sẽ giết chết Fugger. Tuy nhiên, ông chết trên giường bệnh vào năm 1525.

Khi còn trẻ, Fugger từng thề rằng ông sẽ làm ra lợi nhuận chừng nào có thể. Khi qua đời, ông là một triệu phú với cuộc sống xa hoa trong cung điện ở Augsburg. Dù cho những thông tin về ông chính xác đến đâu, Jacob Fugger chắc chắn sẽ mỉm cười tự hào khi nghĩ rằng ông là người đàn ông giàu nhất thế giới.

Bài viết được dựa trên cuốn sách "The Richest Man Who Ever Lived: The Life and Times of Jacob Fugger" (tạm dịch: Người đàn ông giàu nhất thế giới từ trước đến nay: Cuộc đời và thời đại của Jacob Fugger) viết bởi Greg Steinmetz).

Thu Hương

Economist

Trở lên trên