MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi người già ... cướp ngân hàng

03-06-2015 - 10:31 AM | Tài chính quốc tế

Thay vì chơi golf, người cao tuổi trên thế giới đang dựng cảnh trộm cướp ngân hàng. Sự cô độc và nghèo khó là hai yếu tố khiến các hoạt động tội phạm trong các công dân cao niên gia tăng.

Những tờ báo khổ nhỏ ở nước Anh đang xôn xao về vụ trộm mới nhất ở quận Hatton Garden ở London , khi những tên trộm cuỗm đi hơn 10 triệu bảng Anh (tương đương 15,5 triệu USD) tiền mặt và đá quí từ một kho tiền được bảo mật nghiêm ngặt. Có giả thuyết cho rằng, băng nhóm sử dụng một người có khả năng uốn dẻo trườn vào kho, trong khi các giả thuyết khác cho rằng tên tội phạm chuyên nghiệp có biệt danh “ông hoàng kim cương” đã bày ra trò này.

Nhưng khi cảnh sát bắt giữ 9 nghi phạm, điều đáng ngạc nhiên nhất không phải là sự khéo léo về thể chất hay tính chuyên nghiệp, mà là tuổi tác. Nghi phạm trẻ nhất 42 tuổi và hầu hết những người còn lại lớn tuổi hơn rất nhiều - có 2 người đàn ông hơn 70 tuổi. Theo báo cáo sơ bộ ngày 21/5, nghi phạm 74 tuổi nói rằng ông thậm chí không hiểu câu hỏi của thư kí bởi ông bị lãng tai. Nghi phạm thứ 2, 59 tuổi, rõ ràng là đi khập khiễng.

Ở hầu hết các nước, nam thanh niên vẫn chiếm tỉ lệ tội phạm cao nhất. Tuy nhiên tỉ lệ tội phạm là người cao tuổi đang gia tăng ở Anh và những nước Âu - Á. Đây là xu hướng mới đáng lo ngại về vấn đề dân số già.

Hàn Quốc thống kê từ năm 2011 đến 2013, tỷ lệ phạm tội của những người từ 65 tuổi trở lên đã tăng 12,2%. Trong đó các hành vi phạm tội bao lực tăng tới 40%, vượt xa mức tăng 9,6% của tỷ lệ dân số già trong cùng thời kì. Ở Nhật Bản, tỉ lệ tội phạm của những người trên 65 tuổi tăng gấp hơn 2 lần từ năm 2003 đến năm 2013, những người cao tuổi thậm chí trộm cắp nhiều hơn thanh thiếu niên. Ở Hà Lan, một nghiên cứu trong năm 2010 cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong các vụ bắt bớ và giam giữ có liên quan đến người cao tuổi. Ở London, cảnh sát cho hay số người trên 65 tuổi bị bắt giữ đã tăng 10% trong giai đoạn từ tháng 3/2009 đến tháng 3/2014. Ngược lại, tỉ lệ này với người dưới 65 tuổi giảm 24%.

Riêng Mỹ dường như thoát khỏi xu hướng này: theo cơ quan thống kê của Bộ Tư pháp Mỹ, tỉ lệ tội phạm cao tuổi trong khoảng từ 55 đến 65 đã giảm so với những năm 1980 trong khi số tù nhân cao tuổi tăng lên, đặc biệt là tội phạm ma túy.

Bas van Alphen, giáo sư tâm lý học nghiên cứu hành vi tội phạm ở người cao tuổi tại trường Đại học Free ở Brussels cho hay: “Người cao tuổi ở các nước phát triển thường quyết đoán hơn, ít phục tùng và tập trung vào nhu cầu kinh tế xã hội của cá nhân họ hơn thế hệ trẻ”. Những người già có thể phạm pháp bởi họ cảm thấy bị cô lập. Alphen nói ông có một bệnh nhân chuyên ăn cắp kẹo để giết thời gian rảnh hàng ngày. Ông mô tả hành vi đó như là “tìm của lạ”.

Một số quốc gia đổ lỗi cho sự gia tăng tỉ lệ nghèo đói trong người cao tuổi. Đó là trường hợp ở Hàn Quốc, nơi mà 45% những người trên 65 tuổi phải sống cảnh nghèo khó. Đây là tỉ lệ cao nhất trong số 30 quốc gia phát triển thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD). Tờ Korea Times vừa có bài xã luận cảnh báo rằng: đến năm 2026, hơn 20% dân số Hàn Quốc sẽ có số tuổi lớn hơn 65. “Chính phủ nên có nỗ lực toàn diện để mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, tạo việc làm và nhà ở cho người già”, bài báo cảnh báo.

"Toán cướp"“Opa Bande” bao gồm 3 người đàn ông Đức tuổi 60 và 70, bị bắt năm 2005 vì tội cướp hơn 1 triệu bảng Anh (tương đương 1,09 triệu USD) từ 12 ngân hàng. Họ biện hộ ở phiên tòa xét xử rằng họ chỉ nỗ lực để cải thiện quĩ lương hưu trí của mình. Một bị cáo tên là Wilfried Ackermann nói rằng ông sử dụng phần tiền của mình để mua một nông trại để sống ở đó thay vì bị đưa đến trại dưỡng lão.

Tuy nhiên, những thủ phạm của vụ cướp đá quí ở London không hề cô đơn hay nghèo khó. Các công tố viên mô tả những tên trộm đã vô hiệu hóa một thang máy và trèo xuống đường thông gió, sau đó sử dụng một khoan cường lực xuyên vào hầm. Khi vào được bên trong, chúng lấy những đồ quí giá từ 72 hộp kí gửi an toàn, bỏ vào túi và thùng rồi chất lên một chiếc xe tải đang chờ sẵn. Mặc dù mặt chúng được che bởi mũ bảo hộ và khăn chùm, các tờ báo lá cải đã đặt cho mỗi tên trộm một biệt danh dựa trên các đặc điểm khác biệt nhìn thấy trên máy quay. Hai trong số đó, có tên “lão cao” và “lão già” “cố gắng di chuyển một thùng đồ trước khi kéo nó ra ngoài”.

Tờ Mirror viết trong phân tích cảnh quay an ninh rằng “Lão già dựa vào thùng, thở khó nhọc.”

Hầu hết 9 người đàn ông bị bắt trong vụ đó đều là những người bình thường. Ông già 74 tuổi lãng tai được những người hàng xóm London miêu tả như một cán bộ hưu trí niềm nở yêu chó; người đàn ông 59 tuổi với một chân khập khiễng được biết đã từng là người lái xe tải cũ. Một bị cáo khác mở cửa hàng đường ống dẫn nước ở ngoại ô London. Tất cả 9 người đều bị tạm giam vì âm mưu trộm cắp, và chưa được đưa ra lời bào chữa.

Richard Hobbs, một nhà xã hội học ở Đại học Essex chuyên nghiên cứu tội phạm ở nước Anh, nói rằng thế giới tội phạm ngầm đã thay đổi sâu sắc trong những năm gần đây. Thay vì tụ tập ở các quán bar hay các góc phố, rất nhiều tội phạm giờ đây có cuộc sống như người bình thường, xây dựng gia đình và hoạt động kinh doanh hợp pháp. Hobbs nói: “Họ không tự cho mình là tội phạm, họ nghĩ mình là những doanh nhân. Điều đó khiến cho các tội phạm lão thành dễ dàng thực hiện các phi vụ hơn. Thông thường, họ có mạng lưới rộng lớn cho các chuyên môn và kĩ năng cần thiết như rửa tiền, những kĩ năng không đòi hỏi sức mạnh thể chất.”

Tuy vậy, tuổi tác cao đặt ra những thách thức không nhỏ. Trong suốt vụ án “toán cướp các ông”, băng nhóm mô tả việc đồng phạm 74 tuổi, Rudolf Richer, suýt làm hỏng một vụ cướp trong năm 2003 bằng việc bị trượt ngã và khiến cả hội mất thêm thời gian giúp lão lên xe chạy trốn như thế nào.

 

Phương Anh

Bloomberg

Trở lên trên