MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi những cường quốc kinh tế cùng chung cảnh ngộ

25-08-2008 - 07:10 AM | Tài chính quốc tế

Nền kinh tế của những nước giàu trên thế giới đang đứng bên bờ vực suy thoái, tuy nhiên đây là một tin tốt lành đối với USD.

Chuyên gia quản lý quỹ và nhà điều hành ngân hàng biết rằng nhà đầu tư sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn nếu nhìn chung mọi người đều thua lỗ. Bài học này cũng áp dụng tương tự đối với nền kinh tế và tiền tệ.

 

Rắc rối trên thị trường tài chính hiện nay có nguyên nhân từ cuộc khủng hoảng nhà đất tại Mỹ, những nước giàu phải chịu nhiều tác động nhất.

 

Số liệu mới nhất về kinh tế châu Âu cho thấy kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đi xuống trong quý 2, GDP của Nhật Bản cũng sụt giảm. Thống đốc ngân hàng Anh Quốc, ông  Mervyn King cho biết kinh tế Anh sẽ còn trì trệ trong thời gian tới.

 

Gần đây, tình hình kinh tế Mỹ đột ngột đón tin tốt đẹp. Trên thực tế, doanh số xuất khẩu tăng đột biến vào tháng 6 đồng nghĩa với GDP sẽ điều chỉnh tăng. Thị trường ngoại hối cũng đã có những biến chuyển tích cực nhất định.

 

Gần đây, USD đột ngột tăng giá so với Euro và đồng Bảng Anh. Những đồng tiền lớn khác trên thế giới không thể tiếp tục tăng giá so với USD nếu nền kinh tế nước họ tăng trưởng kém.

 

Sự lo ngại về USD yếu đã khiến những nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu thế giới trong đó có cả chủ tịch FED phải tiến hành hàng loạt những buổi họp để thảo luận về vấn đề này.

 

Một lý do khác đủ để khiến người ta tin tưởng USD sẽ không suy yếu trở lại là những yếu tố hỗ trợ cho đồng bạc lưng xanh ở thời điểm hiện nay. Yếu tố thứ nhất là giá dầu hạ do kinh tế Mỹ suy yếu làm giảm nhu cầu dầu.

 

Khác với kinh tế châu Âu vốn tiêu thụ năng lượng hết sức hiệu quả, kinh tế Mỹ sử dụng rất nhiều dầu mỏ, vì thế khi giá dầu cao, USD chính là loại tiền chủ chốt chảy vào túi các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn.

 

Nền kinh tế các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu lại thu được về khá nhiều tiền thông qua xuất khẩu. Cùng một thị trường là các nước xuất khẩu dầu mỏ, lượng hàng xuất khẩu vào đây của châu Âu gấp 3 lần của Mỹ.

 

Người ta không thể chắc rằng tình hình giá dầu hạ sẽ kéo dài lâu. Tuy nhiên thị trường cũng hiểu rằng kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi nhanh hơn nhiều nền kinh tế giàu có khác trên thế giới.

 

Nguyên nhân ban đầu khiến USD tăng giá so với Euro là chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu thể hiện lo ngại rằng tình hình khó khăn của châu Âu có thật.
 

Hiện nay khả năng ECB cắt giảm lãi suất rất thấp. Tình hình lạm phát đang ở mức đáng báo động và không có khả năng sẽ hạ cho đến năm 2009. Tuy nhiên từ lời phát biểu của chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, thị trường tin rằng động thái tiếp theo của nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu có thể sẽ là hạ lãi suất, lần hạ lãi suất đầu tiên có thể sẽ vào năm sau.

 

Đến lúc đó, lãi suất của Mỹ sẽ biến chuyển theo hướng ngược lại. Khả năng lãi suất thu hẹp cũng là một nguyên nhân khiến USD tăng giá. Nhiều người chỉ trích FED đã duy trì mức lãi suất quá thấp quá lâu sau cuộc khủng hoảng dot com đầu thập kỷ này.

 

Nếu giá dầu tiếp tục hạ và thị trường nhà đất Mỹ suy giảm đến đáy, hai điều này nhiều khả năng sắp xảy ra, USD sẽ tăng giá cho đến đâu? Tính theo phương pháp cân bằng sức mua, USD vẫn còn rẻ so với Euro.

 

Du khách Mỹ đến châu Âu luôn than phiền về việc giá cả hết sức đắt đỏ, còn du khách châu Âu đến Mỹ lại thỏa thích mua sắm vì thấy giá cả nơi đây quá rẻ. Tuy nhiên USD yếu có tác động tích cực đối với việc duy trì thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức độ hợp lý.

 

Ngọc Diệp
Theo Economist

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên