MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không nên kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ cứu được thế giới

24-08-2011 - 17:33 PM | Tài chính quốc tế

Đáng tiếc, Trung Quốc và nhóm nền kinh tế mới nổi không thể mang đến động lực tăng trưởng cho kinh tế thế giới như kỳ vọng.

Tóm tắt:

- Kinh tế nhóm nước đang phát triển và mới nổi sẽ không thể tăng trưởng ấn tượng như dự báo của giới chuyên gia.

- Bối cảnh kinh tế thế giới ngày một u ám và việc các nhà hoạch định chính sách phương Tây phản đối chính sách trợ cấp, hạ tỷ giá đồng tiền của nhóm nước mới nổi sẽ khiến nhà hoạch định chính sách nền kinh tế mới nổi ngày một khó khăn hơn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang quá thiếu điểm sáng, nhiều người đặt hy vọng vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Nhiều nền kinh tế tăng trưởng chóng mặt trong thập kỷ qua và từ khủng hoảng năm 2008 – 2009 đến nay đã hồi phục nhanh.

Sự lạc quan lên cao. Citigroup dự báo GDP của Nigeria và Ấn Độ sẽ tăng trưởng khoảng hơn 9%/năm, GDP của Bangladesh, Indonexia và Ai Cập tăng trưởng khoảng hơn 7%/năm trong 2 thập kỷ tới.

Trong nghiên cứu mới của Viện kinh tế quốc tế Peterson, các chuyên gia ước tính tổng sản lượng của nhóm nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ tăng trưởng trung bình 5,6%/năm trong cùng khoảng thời gian trên.

Nếu dự báo trên thành sự thật, nhóm nền kinh tế đang phát triển sẽ đóng góp quan trọng mang lại nhu cầu trong khi nhóm nước giàu khó khăn và đảm bảo kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định. Chúng ta sẽ chứng kiến việc khoảng cách giàu nghèo thu hẹp nhanh chưa từng có trong lịch sử.

Thật không may, dự báo trên chẳng qua được suy ra từ quá khứ gần đây và đã bỏ qua vấn đề cấu trúc nghiêm trọng. Có thể dễ dàng nhận thấy vấn đề của Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc chủ yếu tăng trưởng nhờ việc thặng dư thương mại tăng cao đến mức khó bền vững.

Lãnh đạo Trung Quốc cần định hướng lại nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào ngành sản xuất phát triển theo định hướng xuất khẩu và chú ý kích thích nhu cầu nội địa tăng trưởng, cùng lúc đó kiểm soát tốt tình trạng thất nghiệp và bất ổn xã hội, hậu quả trực tiếp của quá trình tái cơ cấu.

Ít nhất Trung Quốc đã phát triển thành công một số ngành hiện đại, nhiệm vụ vẫn được coi như “bất khả thi” đối với nhiều nước khác. Ấn Độ đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ kinh doanh, tuy nhiên cần phải mở rộng ngành sản xuất để tạo việc làm cho lực lượng lao động đông đảo, kỹ năng thấp và duy trì tăng trưởng ổn định.

Ở Nigeria, tỷ lệ có việc làm thực tế đã giảm do lĩnh vực công thu hẹp, hoạt động tư hữu hóa, tự do hóa thương mại và một số ngành mới không tạo ra được việc làm. Nhiều người lao động Nigeria lại trở về làm nông dân.

Tại châu Mỹ - Latinh, sự cạnh tranh toàn cầu đã giúp năng suất lao động của ngành sản xuất và các ngành phi nông nghiệp tăng. Tuy nhiên mức tăng trưởng chỉ hạn chế ở một số lĩnh vực của nền kinh tế. Nhân lực đã chuyển sang lĩnh vực dịch vụ và nhiều lĩnh vực không chính thức khác.

Kinh tế Braxin dù tăng trưởng ấn tượng trong năm 2010 nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình của kinh tế Braxin trong thập kỷ qua chỉ bằng một phần so với những gì mà nước này đã làm được trong nhiều thập niên trước năm 1980.

Chính phủ nhiều nước khác đang vay nợ nhiều đến mức nguy hiểm. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng chóng mặt, tuy nhiên tỷ lệ tiết kiệm nội địa rất thấp, thâm hụt tài khoản vãng lai lên cao chưa từng có.

Kinh tế nước Thổ Nhĩ Kỳ vì vậy dễ chịu nhiều biến động trên thị trường thế giới, diễn biến tỷ giá đồng lira những tuần gần đây cho thấy điều đó. Tăng trưởng kinh tế nhờ vào hoạt động đầu tư hay giá hàng hóa tăng trưởng mạnh thường không bền vững.

Nhóm chuyên gia kinh tế lạc quan tin rằng lần này, mọi chuyện sẽ khác bởi chính sách của chính phủ các nước đang phát triển đã tốt hơn trước rất nhiều. Họ nói đến cam kết của chính phủ các nước đang phát triển và mới nổi trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, mở cửa với kinh tế toàn cầu, quản trị tốt. Những thay đổi sẽ mang đến kết quả tích cực, tuy nhiên chủ yếu nó làm giảm đi rủi ro khủng hoảng chứ không mang đến động lực tăng trưởng.

Để tăng trưởng bền vững, chính phủ nhiều nước châu Á cần làm nhiều hơn việc thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô và cởi mở chính sách. Các nhà hoạch định chính sách cần phải khuyến khích đa dạng hóa hoạt động kinh tế và thay đổi về cấu trúc, chuyển lực lượng lao động từ lĩnh vực có năng suất lao động thấp sang lĩnh vực có năng suất lao động cao hơn.

Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ và châu Âu đã không còn coi chính sách trợ cấp và hạ giá đồng nội tệ như điều bình thường tại nhóm nền kinh tế đang phát triển. Khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và nền kinh tế nước họ tăng trường trì trệ, họ sẽ phản đối chính sách kiểu như vậy.

Vì vậy chính sách mà nhóm chuyên gia lạc quan hy vọng sẽ đảm bảo được tăng trưởng sẽ không phát huy được tác dụng; chính sách có thể mang lại tăng trưởng sẽ không được chính phủ nhóm nước công nghiệp phát triển chấp nhận. Tăng trưởng của nhóm nền kinh tế đang phát triển sẽ không thể duy trì được và thậm chí quá yếu để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thế giới.

Tác giả bài viết là giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại trường Harvard’s Kennedy School of Government kiêm tác giả cuốn sách The Globalization Paradox (Nghịch lý của toàn cầu hóa).

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên