Khủng bố đe dọa kinh tế Pháp và toàn cầu
Du lịch Pháp, Mỹ và một số nước châu Âu bị ảnh hưởng sau vụ tấn công đẫm máu ở Paris đêm 13-11. Các chuyên gia lo ngại nguy cơ khủng bố khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao.
- 23-11-2015Những tác động từ vụ tấn công khủng bố lên nền kinh tế Pháp
- 17-11-2015Chứng khoán Mỹ tăng vọt bất chấp khủng bố
- 16-11-2015Chứng khoán phản ứng như thế nào sau các vụ khủng bố?
Theo Eturbonews, sau vụ tấn công 13-11 tỷ lệ đặt phòng khách sạn và tour du lịch đến Paris sụt giảm tới 101% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng du khách hủy đi Paris chủ yếu đến từ các nước Mỹ, Tây Ban Nha và đặc biệt là Trung Quốc.
Ước tính doanh số của các khách sạn tại Paris sụt 50% trong tuần lễ sau vụ khủng bố 13-11. Phòng Thương mại và công nghiệp Paris cho biết các khách sạn hạng sang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cuộc sống về đêm của Paris cũng trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.
Thiệt hại hàng trăm tỷ USD
Doanh số bán vé của 20 điểm du lịch lớn nhất trong thành phố giảm tới 80%, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất Pháp Prodiss. Doanh số bán lẻ cũng sa sút trầm trọng. Tập đoàn siêu thị Galaries Lafayette cho biết số khách hàn đến cửa hàng trung tâm của hãng ở Paris giảm 50%.
Lượng khách đến các siêu thị ở ngoại ô Paris cũng giảm 10-15%. Tình trạng ảm đạm tương tự cũng xảy ra ở các nhà hàng khắp Paris. “Nền kinh tế Pháp trước đó đã lao đao rồi. Và các vụ tấn công khủng bố đang đánh mạnh vào ngành dịch vụ” - báo Wall Street Journal dẫn lời nhà kinh tế Jack Kennedy của hãng nghiên cứu Markit.
Du lịch chiếm tới 7% GDP Pháp. Mỗi năm nước Pháp thu hút 83 triệu du khách, và các du khách này tiêu 45,3 tỷ USD tại Pháp năm 2013, theo ước tính của Bộ Ngoại giao Pháp. Các nhà phân tích dự báo ảnh hưởng từ vụ 13-11 có thể khiến nền kinh tế Pháp thiệt hại hàng trăm tỷ USD.
Không chỉ có ngành du lịch Pháp lao đao. Ở Brussels lượng du khách cũng giảm đi đáng kể do nhà chức trách ban bố tình trạng báo động an ninh cấp cao nhất. Ngành du lịch ở London, thủ đô Anh, cũng bị ảnh hưởng mạnh.
Tuy nhiên các chuyên gia cho biết việc Bộ Ngoại giao Mỹ ra cảnh báo đi lại toàn cầu vì nguy cơ tấn công khủng bố là cú đòn mạnh nhất giáng vào ngành du lịch toàn cầu.
CNN cho biết việc Bộ Ngoại giao Mỹ ra quyết định này đúng vào thời điểm hàng triệu người dân Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch du lịch dịp lễ Tạ ơn và sắp tới là lễ Giáng sinh đã khiến nhiều người quyết định ở nhà.
Mối nguy cơ toàn cầu
Mới đây Citibank cũng cảnh báo niềm tin tiêu dùng ở châu Âu có thể suy giảm mạnh sau vụ tấn công khủng bố 13-11. “Tác động có thể lớn hơn cả vụ 11-9 nếu các cuộc tấn công tiếp tục xảy ra, khiến châu Âu xiết chặt kiểm soát biên giới, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh” - Citibank nhấn mạnh.
CNBC dẫn lời chuyên gia Ian Bremmer thuộc hãng tư vấn Eurasia Group cho biết nền kinh tế toàn cầu có thể lao đao nếu hậu quả của vụ khủng bố Paris tiếp tục kéo dài. Ông Bremmer cho biết khi vụ 11-9 xảy ra, ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu là hạn chế bởi khi đó nền kinh tế Mỹ đang ổn định.
Ngược lại hiện tại nền kinh tế châu Âu đang yếu ớt vì khủng hoảng nợ Hi Lạp và cuộc khủng hoảng tị nạn. Doanh nhân Steve Forbes, chủ tịch hãng Forbes Media, phân tích rằng ở thời điểm này nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu, nhiều quốc gia đã rơi vào suy thoái. Còn Mỹ bị mắc kẹt với tỷ lệ tăng trưởng yếu là 2 - 2,5%.
Do đó, hội nghị G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi giữa tháng 11 cũng cảnh báo nguy cơ các thách thức an ninh như khủng bố có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu đang lao đao.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kêu gọi phải “làm tất cả” để kéo nền kinh tế châu Âu phục hồi, đẩy tỷ lệ lạm phát tăng lên (hiện lạm phát châu Âu đang ở mức yếu dưới 2%).
Tuổi trẻ