MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng sẽ gọi tên nước nào?

25-08-2015 - 11:56 AM | Tài chính quốc tế

Chính phủ của nhiều quốc gia đang ngập trong nợ nần. Những món nợ này không chỉ khó trả hết trong một sớm một chiều mà còn kéo lùi tăng trưởng kinh tế. Nhiều chính phủ cũng như ngân hàng trung ương đã áp dụng các biện pháp khác nhau, tuy nhiên, không những chẳng giải quyết được vấn đề mà tình hình có vẻ như lại càng trở nên trầm trọng.

Trên thế giới, tồn tại nhiều loại hình bong bóng tài sản, nhưng loại hình gây ảnh hưởng lớn nhất là bong bóng trên thị trường trái phiếu quốc gia (chính phủ). Sớm hay muộn nó cũng sẽ vỡ và tác động mà nó gây ra có thể sẽ rất trầm trọng.

Bất kể ai quan tâm tới các vấn đề kinh tế thì hẳn không xa lạ với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Nó như bóng đen bao trùm lên lục địa già trong vài năm trở lại đây. Và bây giờ thế giới lại được một phen nín thở trước đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế Mỹ.

Nhưng đấy là những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và đã tiêu tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Bên cạnh đó, còn có một số nước cũng đang đối mặt với những vấn đề không hề nhỏ.

Dưới đây là 4 nước mà chuyên trang tài chính của tờ Vesti (Nga) đã liệt kê.

Canada

Cùng với đà sụt giảm trên thị trường dầu mỏ và nguyên liệu đã đẩy Canada rơi vào tình trạng suy thoái. Đồng dollar Canada đã xuống mức thấp, thậm chí là thấp hơn cả hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tỉnh Alberta và Newfoundland- những địa phương chịu ảnh hưởng lớn hơn cả- đang ở trong tình trạng hết sức tồi tệ. Vấn đề nằm ở chỗ, khi “hội chứng dầu mỏ” bùng nổ, chính quyền sở tại đã nghĩ rằng sự thăng hoa này sẽ kéo dài nên không có gì phải lo ngại.

Thị trường bất động sản ở Toronto và Vancouver cũng là một trong những minh chứng cho thấy tình trạng không mấy sáng sủa.

Trong 6 tháng qua, ngân hàng Canada đã 2 lần phải hạ lãi suất. Rõ ràng, ngân hàng sẽ phải hạ lãi suất xuống bằng 0% và bắt đầu chương trình nới lỏng định lượng. Nếu điều này không có tác dụng thì hiển nhiên chúng ta sẽ thấy lãi suất cũng chẳng có ý nghĩa gì.Và điều này “chẳng chóng thì chầy” rồi cũng sẽ đến.

Australia

Trong suốt 20 năm qua, Trung Quốc được coi như đầu tàu tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và điều này có vẻ như hoàn toàn hợp lý.

Với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 8-15%, nền kinh tế Trung Quốc đã ngốn một lượng lớn hàng hoá và nguyên liệu, đồng thời cũng tự tạo ra nó.

Và hiển nhiên, các nước cũng như nhiều công ty xuất khẩu hàng hoá của mình sang Trung Quốc, đã kiếm được bộn tiền và Australia không nằm ngoài số này.

Hiện, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại đáng kể. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế, tăng trưởng của nước này chỉ ở vào khoảng 3%, đây là mức sụt giảm mạnh so với trong quá khứ. Sự suy giảm này cùng những nỗ lực của Trung Quốc để duy trì đà tăng trưởng cần thiết sẽ gây nên những hậu quả đáng kể cho toàn bộ thế giới.

Australia là nước cảm nhận rõ nhất gánh nặng này bởi đây là quốc gia cung cấp nguyên liệu gần nhất cho Trung Quốc.

Chính phủ Australia và ngân hàng trung ương đang cố gắng làm mọi cách có thể để ngăn chặn đà suy giảm khó mà cưỡng lại được.

Lãi suất đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử trong khi đồng AUD giảm tới 25% so với năm trước. Các dự báo tiêu cực chưa nhìn thấy có tín hiệu gì sáng sủa cả.

Brazil

Cũng giống như Australia, Brazil cũng được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và giờ đây nước này cũng đang thấm cái gọi là suy thoái.

Nền kinh tế nước này đã 12 tháng liên tiếp trong tình trạng suy giảm và đây là đợt suy giảm kinh tế lâu nhất trong vòng 25 năm qua.

Nhưng viễn cảnh có vẻ như sẽ chỉ trầm trọng hơn. Mặc dù kinh tế suy thoái nhưng lạm phát thì lại tiếp tục gia tăng cũng giống như lãi suất.

Đồng nội tệ mất giá tới 53% và nền kinh tế nước này đã tiến rất gần tới suy thoái kinh tế hoàn toàn.

Những dấu hiệu về tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm cùng với lạm phát phi mã đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2004.

Ngoài ra, thâm hụt ngân sách trong tháng 5/2015 đã đạt mức cao nhất trong gần 12 năm qua. Thâm hụt ngân sách lên mức kỷ lục kể từ tháng 1/2004, chiếm 7,9% GDP. Trong suốt 137 tháng gần đây, chỉ có 5 trường hợp thâm hụt cán cân thanh toán lớn hơn chút đỉnh so với thời điểm hiện tại.

Hơn nữa chỉ có 8% người dân Brazil ủng hộ nữ Tổng thống Dilma Russeff trong khi 71% cho rằng bà D.Russeff làm việc không đạt yêu cầu.

Thụy Điển

Không giống như Australia và Brazil, Thụy Điển không chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc, nhưng trong thời gian gần đây, tình hình kinh tế của nước này cũng không mấy sáng sủa.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng của thế giới, hầu như người ta ít nhắc tới Thuỵ Điển, bởi kinh tế nước này không tăng trưởng mạnh mà cũng chẳng giảm sâu. Nó đơn giản là gần như bất động.

Dù Thuỵ Điển không nằm trong Eurozone nhưng ngay cả sự hiện diện cận kề mà không có tăng trưởng cũng cho thấy sự tiềm ẩn của những chỉ dấu đáng quan ngại.

Cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro lớn tới mức khó có thể ngăn chặn lại được và nó không chỉ làm hao tổn “binh lực” của những nước trong khối mà còn có những tác động tiêu cực tới những quốc gia lân bang của Eurozone.

Thật không may cho Thụy Điển lại nằm quá gần.

Để có thể vận hành nền kinh tế, ngân hàng trung ương đã quyết định in thêm tiền và thực thi chế độ lãi suất âm. Đây là một cú sốc thực sự.

Theo lý giải của ngân hàng trung ương, điều này sẽ buộc các công ty và người dân phải dốc tiền trong túi mình ra để chi tiêu. Nhưng xem ra chỉ càng làm cho tình hình thêm trầm trọng.

Thực trạng kinh tế thế giới đang cho thấy Thụy Điển khó mà xoay xở gì hơn trong khi suy thoái kinh tế toàn cầu đang khiến đồng cron của nước này ngày càng mất giá.

Theo Thu Lam

Chinhphu.vn

Trở lên trên