MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng Ukraine: Trật tự thế giới mới

31-03-2014 - 09:31 AM | Tài chính quốc tế

Trật tự thế giới trong thời kỳ hậu Xô Viết chưa thể nói là hoàn hảo, nhưng ý tưởng mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin không chắc đã tốt hơn.

Phát biểu trước Quốc hội Nga sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga, ông Putin nói rằng “Trong trái tim và tâm trí của người Nga, Crimea luôn là một phần không thể tách rời của Nga”. Với số phiếu ủng hộ áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Ukraine và nhập vào Nga của người dân Crimea, Nga đã giành được bán đảo này một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ông gọi đây là một đòn giáng mạnh vào sự can thiệp của phương Tây.

Tuy nhiên, chính động thái của ông đang là nguồn gây bất ổn. Lập luận mà nước Nga đưa ra có thể được áp dụng để thổi bùng lên tranh chấp lãnh thổ ở khắp nơi trên thế giới. Kể cả khi đa số người dân Crimea muốn sáp nhập vào Nga, xét trên một góc độ nào đó, cuộc trưng cầu dân ý này là một trò khôi hài. Động thái của Nga dẫn đến nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới với Mỹ. Thậm chí, tất cả các nước đều đứng trước nguy cơ bởi ông Putin đang “lái một chiếc xe tăng” hướng đến mục tiêu là trật tự thế giới hiện nay. 

Chính sách ngoại giao thường có tính chu kỳ. Liên Xô tan rã mở ra thời kỳ nước Mỹ hùng mạnh và các giá trị Mỹ được khẳng định một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, dưới thời George Bush, “thế giới đơn cực” không còn tồn tại sau cuộc chiến Iraq. Kể từ đó đến nay, Barack Obama đã cố gắng đi theo cách tiếp cận thiện chí hơn trên niềm tin nước Mỹ có thể cùng với các quốc gia khác đối mặt với các vấn đề chung và cô lập những kẻ sai trái. Phương thức tiếp cận này thất bại ở Syria nhưng đã có những dấu hiệu khả quan ở Iran. Biên giới quốc gia được tôn trọng và luật lệ quốc tế cũng được tuân thủ chặt chẽ. Xét về khía cạnh này, rõ ràng là trật tự hiện nay của thế giới  có ý nghĩa.

Tuy nhiên, hiện trạng thế giới đang có nguy cơ bị phá vỡ. Putin cho rằng hành động của Nga phù hợp với luật pháp quốc tế, ví dụ như chính phủ ở Kiev bị lật đổ đồng nghĩa với hiệp ước về lãnh thổ Ukraine được Nga và Ukraine ký kết năm 1994 đã không còn hiệu lực. Thế nhưng, luật pháp quốc tế phụ thuộc vào các chính phủ thừa hưởng quyền và nghĩa vụ đối với những người tiền nhiệm. 

Tương tự như vậy, Nga đưa ra quy luật phải bảo vệ những người đồng hương – bất cứ ai được định nghĩa là người Nga, cho dù họ đang sống ở đâu. Tuy nhiên, Tổng thống Putin lại bác bỏ mọi bằng chứng và cho rằng lực lượng không đeo phù hiệu kiểm soát Crimea không phải là người Nga. 

Ông Putin cũng lập luận rằng can thiệp vào nội bộ nước khác sẽ là lựa chọn cuối cùng nếu tình hình thực sự tồi tệ. Việc NATO ném bom ở Kosovo năm 1999 là một tiền lệ. Tuy nhiên, động thái này diễn ra sau khi mọi nỗ lực của Liên hợp quốc đều không đạt được hiệu quả và Kosovo chìm trong bạo lực. 

Tiền lệ của Nga có thể dễ dàng khiến Ấn Độ và Trung Quốc lâm vào một cuộc đụng độ về tranh chấp phần lãnh thổ Arunachal Pradesh hoặc Ladakh với Pakistan. Nếu giải pháp đơn phương ly khai được chấp nhận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người Kurd chung sống một cách hoà bình. Ai Cập và Ả Rập muốn tham vọng của Iran bị kìm hãm và cũng lập luận rằng họ có thể can thiệp vào Iran để giúp người Hồi giáo Shia có mặt trên khắp Trung Đông.

Vấn đề ở Crimea nên được quan tâm nhiều hơn nữa, thay vì những phản ứng yếu ớt và rời rạc như hiện nay. Phương Tây đã áp đặt lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản đối với một số nghị sĩ và tỷ phú Nga cũng như Ukraine. Câu hỏi đặt ra là liệu Anh, Pháp, Đức có mạnh tay hơn nữa hay không. Người Nga cất giấu rất nhiều tiền ở xứ sở sương mù, trong khi Đức luôn tỏ ra khoan dung và chưa sẵn sàng cấm vận dầu mỏ và khí đốt của Nga. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ gần như đang đứng ngoài cuộc. 

Thay vì chỉ trích động thái của Nga ở Crimea, phương Tây nên tỏ rõ quan điểm về thế giới mà họ mong muốn. Họ muốn một thế giới trong đó các quốc gia tôn trọng biên giới và các thỏa thuận quốc tế hay một thế giới mà các thỏa thuận dễ dàng bị phá vỡ? 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên