Kinh doanh ở Brussels thời khủng bố
Nhiều công ty đã yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà. Các trung tâm thương mại nhìn giống như doanh trại quân đội, với những lính gác có vũ trang túc trực 24/24 và những chiếc xe bọc thép đi lại trên phố.
- 24-11-2015An ninh Pháp, Bỉ sơ hở đến mức khó tin trong vụ khủng bố Paris
- 23-11-2015Bỉ bắt thêm 5 nghi can khủng bố
- 23-11-2015Bỉ đóng cửa các trường học và tàu điện ngầm tại Brussels
- Một số nhà bán lẻ cho biết doanh thu trong cuối tuần vừa qua đã sụt giảm 70%
- Tình trạng đóng cửa có thể khiến GDP năm 2015 của Bỉ mất 0,1%
Đối với Tobias Desmet, có thể đo lường việc thủ đô của Bỉ đóng cửa hoàn toàn bằng chỗ đỗ xe.
“Vài ngày qua, người ta có thể đỗ xe ở bất cứ đâu trên quảng trường chính. Điều này chưa từng xảy ra”, Desmet nói. Người chuyên bán những đồ chạm trổ cho biết thêm rằng bây giờ chẳng còn ai tới khu chợ đồ cổ nằm gần khu Place Sablon vào mỗi cuối tuần.
Chào mừng bạn đến với thế giới kỳ cục ở Brussels. Thành phố này đã bước vào ngày thứ tư liên tiếp các nhà ga, trường học và trung tâm mua sắm buộc phải đóng cửa do lệnh từ Chính phủ. Nguy cơ khủng bố là lý do gây nên điều này.
Nhiều công ty đã yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà. Các trung tâm thương mại nhìn giống như doanh trại quân đội, với những lính gác có vũ trang túc trực 24/24 và những chiếc xe bọc thép đi lại trên phố. Các nhà hàng chắc hẳn đang gặp nhiều khó khăn vì có rất ít khách.
Tại cửa hàng bánh kẹp Exki nằm đối diện với văn phòng của Ủy ban châu Âu, rổ đựng những chiếc bánh sừng bò vẫn đầy ắp dù đã là buổi chiều. Thông thường nó sẽ trống rỗng vì đây là món bánh bán chạy nhất.
Trên đại lộ Toison d’Or, khu vực mua sắm tập trung các nhãn hiệu thời trang cao cấp, cửa hàng Zara trưng biển hiệu đóng cửa vì lo ngại an ninh. Cửa hàng của Apple và Marks & Spencer cũng đóng cửa. Bên kia đường, những cửa hàng bán đồ xa xỉ phẩm của các hãng Vuitton và Versace cũng trong tình trạng tương tự.
Một số cửa hàng cho biết doanh số bán ra đã giảm 70%, trong khi tỷ lệ thuê phòng khách sạn cũng chỉ ở mức 30% (so với mức 80% thông thường tại thời điểm này trong năm). Một số công ty chuyên tổ chức hội nghị đã hoãn nhiều sự kiện đáng lẽ sẽ diễn ra ở Brussels.
Tuy nhiên, một số Peter Vanden Houte – chuyên gia kinh tế trưởng của ING Belgium – cho rằng đây chỉ là những tác động nhất thời. Ông dự báo cảnh báo khủng bố sẽ chỉ khiến GDP của Bỉ mất 0,1% trong năm 2015. “Nếu cảnh báo kéo dài, từ nay đến cuối năm người ta cũng không thể mãi mãi tránh đi tới nhà hàng”.
Dẫu vậy, những tác động ngắn hạn vẫn được cho là rất lớn, đặc biệt đối với những người buôn bán nhỏ lẻ. Một người chuyên bán bánh quế ở gần vòng xoay Louise cho biết bình thường ông sẽ bán được 400 chiếc vào thứ bảy nhưng cuối tuần vừa qua số bán ra chưa đến 100 chiếc.
Delhaize Group, chuỗi siêu thị có khoảng 70 cửa hàng ở Brussels, cho biết số đơn đặt hàng trực tuyến đã tăng khoảng 50% sau khi Chính phủ Bỉ kéo dài báo động khủng bố. Hãng đã đóng cửa hai cửa hàng ở hai trung tâm thương mại phải đóng cửa, nhưng khẳng định vẫn còn quá sớm để nói rằng doanh số sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Ở những nơi cách xa khu trung tâm, các hoạt động kinh doanh buôn bán không có nhiều thay đổi. Ở Ixelles, cùng cách trung tâm 15 phút chạy xe, những cửa hàng bánh ngọt vẫn tấp nập các vợ chồng trẻ tới mua bánh mì, socola và cà phê.