MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Nga suy thoái nhưng đây là điều khiến ông Putin mỉm cười mãn nguyện

03-03-2016 - 15:34 PM | Tài chính quốc tế

Đang chìm sâu trong cuộc suy thoái kinh tế dài nhất trong 2 thập kỷ, gần đây nước Nga không nhận được nhiều tin tức tốt đẹp về nền kinh tế. Tuy nhiên, có một chỉ số khiến Tổng thống Putin mỉm cười: dự trữ ngoại hối.

Tính đến ngày 19/2, NHTW Nga nắm trong tay 379 tỷ USD ngoại tệ và vàng, tăng 29 tỷ Usd so với mức đáy được thiết lập hồi tháng 4 năm ngoái. Trong số các thị trường mới nổi Nga là nước duy nhất có dự trữ ngoại hối tăng.

Trong khi Trung Quốc và Saudi Arabia đã phải bỏ ra hàng chục tỷ USD để hỗ trợ đồng nội tệ, NHTW Nga vẫn “án binh bất động”. Kể từ khi mất không 67 tỷ USD và thất bại trong việc ổn định lại đồng ruble vào cuối năm 2014, Nga đã không bỏ ra một xu nào. Thậm chí mùa xuân năm ngoái nước này còn mua vào ngoại tệ.

Tháng trước, khi đồng ruble lập đáy mới, Phó Thống đốc thứ nhất của NHTW Nga Dmitry Tulin đã nói rằng sẽ không bao giờ có đủ lượng dự trữ ngoại hối để có thể ổn định đồng ruble.

Quan điểm này phản ánh sự thay đổi khôn ngoan của ông Putin. 1 năm trước, Tổng thống Nga đã quyết định từ bỏ nỗ lực bảo vệ đồng ruble khi mà giá dầu lao dốc và các lệnh cấm vận của Mỹ cùng EU khiến Nga bị cô lập với thị trường tài chính phương Tây. Tỷ giá từng là ưu tiên hàng đầu về kinh tế của Nga, nhưng nước này ngay lập tức hi sinh tỷ giá để đối mặt với giá dầu. “Sẽ không có chuyện “đốt cháy” dự trữ ngoại hối”, ông Putin nói vào tháng 12/2014.

Ông Putin coi vàng và các đồng tiền mạnh là tấm áo giáp tốt nhất bảo vệ sự độc lập về tài chính. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2000, Putin đã vun đắp kho dự trữ ngoại hối từ 13 tỷ USD lên hàng trăm tỷ USD như ngày nay, đồng thời trả hết nợ và biến Nga thành một trong những nền kinh tế lớn có tỷ lệ nợ thấp nhất.

Alexei Kudrin – cựu Bộ trưởng Tài chính Nga và hiện vẫn thường xuyên cố vấn chính sách kinh tế cho ông Putin – cho rằng Tổng thống nhận thức được sức mạnh của dự trữ ngoại hối trong giai đoạn 2008-2009, khi vàng đô đã giúp ông chống chọi với khủng hoảng mà không bị thiệt hại đáng kể.

Đầu tuần này, ông Putin cũng đã từ chối thẳng thừng lời kêu gọi sử dụng các quỹ của NHTW để hồi sinh nền kinh tế. “Vàng và ngoại tệ dự trữ được tích trữ để làm những việc khác, không phải để tài trợ cho những rắc rối nhất thời của nền kinh tế”, ông nói.

Dẫu vậy, áp lực đè nặng lên đồng ruble đang ngày càng lớn dần lên. Kể từ đầu năm ngoái, đồng tiền này đã mất 25% giá trị so với USD. Những ngày đầu năm nay, khi giá dầu liên tục lập đáy mới, có lúc ruble đều đặn giảm 5% mỗi ngày.

Các quan chức của NHTW Nga phải theo dõi sát sao biến động hàng ngày của thị trường để nhận định liệu người dân có mất niềm tin vào đồng nội tệ hay không. Cho đến nay Nga vẫn đang tránh được kịch bản hoảng loạn mà các cuộc phá giá tương tự thường đem lại.

Bên cạnh đó, đà giảm giá của ruble đang khiến lạm phát tăng mạnh và những nỗ lực kiềm chế giá cả trong những năm vừa qua của NHTW Nga đang trở thành công cốc. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 12,9% trong năm ngoái, mạnh nhất kể từ 2008.

Mặc dù nội tệ yếu giúp các công ty Nga cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, tỷ giá biến động quá mạnh gây nên nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi họ không thể dự đoán tỷ giá trong 6 tháng tới.

Nga cất tiền trong 2 quỹ tài sản tại NHTW. Nhiều quan chức đã cảnh báo các quỹ này sẽ cạn kiệt vào năm 2018 nếu như giá dầu không hồi phục hoặc Chính phủ Nga tìm ra được cách bù đắp thâm hụt như bán tài sản hay tăng vay nợ.

Trong khi đó NHTW Nga đang tìm mọi cách để tăng dự trữ và đặt mục tiêu vươn tới con số 500 tỷ USD – cao gấp đôi so với mức mà các chuyên gia phân tích cho là cần thiết. Nếu mục tiêu được hoàn thành, Nga có dự trữ gần bằng mức kỷ lục được lập hồi tháng 7/2008. Với mức tổng 598 tỷ USD, Nga sẽ là nước có dự trữ ngoại hối lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên đạt được mục tiêu cũng đồng nghĩa với sẽ có nhiều hơn những rắc rối đối với đồng ruble.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên