MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Nhật Bản có đánh mất vị thế?

17-05-2008 - 12:24 PM | Tài chính quốc tế

Từ đống đổ nát sau chiến tranh, sự hùng mạnh về kỹ thuật, công nghệ đưa Nhật Bản lên vị thế ngày nay. Mọi chuyện nay khó khăn hơn nhiều.

Sau nhiều năm cố gắng hết sức để vượt qua khó khăn về nhân lực, Nhật Bản đang gặp phải vấn đề mới: số lượng những người trẻ tuổi chọn làm theo lĩnh vực kỹ thuật và công nghề ngày càng ít.

Sự sụt giảm về nhân công ngành kỹ thuật và công nghệ đang diễn ra nhanh đến mức các công ty thuộc nghành này đã phải bắt đầu tiến hành những chiến dịch quảng cáo để người trẻ có ấn tượng tốt hơn về ngành này. Nhiều công ty bắt đầu phải nhập khẩu nhân công từ nước ngoài hoặc chuyển công việc sản xuất nghiên cứu sang các nước như Việt Nam, Ấn Độ.

Trước đây, từ đống đổ nát sau chiến tranh thế giới thứ Hai, sự hùng mạnh về kỹ thuật và công nghệ đã đưa Nhật Bản lên vị thế ngày nay. Tuy nhiên người trẻ Nhật Bản hiện nay đang cư xử ngày một giống giới trẻ Mỹ: họ thường có xu hướng chọn những lĩnh vực được trả lương cao và hấp dẫn hơn như tài chính hay y khoa.

Một xu hướng chọn nghề khác là những nghề thuần túy sáng tạo như nghệ thuật. Họ không còn muốn đi theo hướng cha ông họ đã đi là học hành và lao vào làm trong thế giới sản xuất kém hấp dẫn.

Vấn đề này không phải là mới tại Nhật Bản. Người Nhật trẻ tuổi đã không còn yêu thích khoa học và kỹ thuật trong suốt hai thập kỷ qua sau khi Nhật Bản vươn lên đứng đầu thế giới về mức sống.

Những năm gần dây, số lượng sinh viên tham gia học ngành công nghệ và kỹ thuật liên tục giảm. Thế nhưng phải đến bây giờ, Nhật Bản mới thật sự phải hứng chịu hậu quả từ tình trạng trên.

Theo tính toán, ngành công nghệ của Nhật Bản đang thiếu khoảng 1 triệu kỹ sư. Các công ty săn đầu người tại Nhật đang hết sức nỗ lực để tìm kiếm nguồn nhân lực cho ngành công nghệ và kỹ thuật.

Vấn đề này còn trầm trọng hơn bởi Nhật là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới. Theo một giáo sư kinh tế học tại đại học Keio, Nhật, nước này ngồi trên một quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học. Ai cũng biết là quả bom này sắp nổ, nhưng không ai làm gì để ngăn điều đó xảy ra.

Điều này đe dọa làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản. Mỗi năm Trung Quốc đào tạo ra khoảng 400 nghìn kỹ sư với tham vọng một ngày nào đó giành được vị thế của Nhật như cường quốc kinh tế lớn nhất của châu Á.

Lo ngại về thiếu hụt nhân công, Nhật đang cố gắng để lôi kéo những lao động tuổi đời còn rất trẻ vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên các chuyên gia trong lĩnh vực việc làm cho rằng những biện pháp Nhật đang tiến hành hiện nay chưa đủ hiệu quả để giải quyết được vấn đề.

Gần đây, Nhật bắt đầu tuyển dụng nhiều kỹ sư nước ngoài, nhưng số lượng nhân công này không thể đủ để bù đắp cho số lượng nhân công đang thiếu.

Một số lý do khác khiến Nhật gặp khó khăn trong việc tuyển nhân công nước ngoài là ngôn ngữ và văn hóa doanh nghiệp của Nhật. Nhiều kỹ sư nước ngoài từ chối đến nước này ngay cả khi họ đã được tuyển dụng.

Kết quả, một số công ty đang chuyển công việc nghiên cứu sang Ấn Độ và Việt Nam bởi họ cảm thấy điều này dễ hơn việc đưa nhân công nước ngoài đến Nhật làm việc.

Vấn đề lớn nhất của Nhật chính là thái độ của những người trẻ tuổi. Thanh niên Nhật hiện nay sinh ra trong thời điểm Nhật giàu có, họ không sống với những khó khăn mà cha mẹ họ phải trải qua thời hậu chiến.

Họ không quen với việc làm việc đầu tắt mặt tối để hoàn thành được những công việc đầy phức tạp trong khi họ có thể làm những việc khác nhiều tiền hơn, được giao tiếp với nhiều người và hấp dẫn hơn.

Giá nguyên liệu tăng gây khó khăn cho ngành sản xuất

Tình trạng giá nguyên liệu leo thang khiến quyết toán của các doanh nghiệp Nhật Bản đang có sự điều chỉnh mạnh mẽ. Theo công bố của các doanh nghiệp tại thị trường chứng khoán Tokyo ngày 15/5, doanh thu trong tài khoá 2008 sẽ giảm và doanh thu trong tài khoá tiếp theo cũng sẽ phải điều chỉnh lại.

Hai nhóm ngành buộc phải điều chỉnh mức quyết toán vừa qua là chế tạo và thực phẩm. Các doanh nghiệp chế tạo ô tô và đồ điện gia dụng cho biết giá thép nguyên liệu tăng cao khiến chi phí đầu tư phục vụ sản xuất tăng theo.

Giá thành sản phẩm lại không được phép tăng tương ứng bởi sự cạnh tranh của các nhà sản xuất khác. Trước sự phản ứng quyết liệt của người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm từng tăng giá trước đó cũng không dám điều chỉnh giá.

Uỷ ban Công nghiệp sản xuất ô tô Nhật Bản cho biết ảnh hưởng của giá thép tăng khiến các doanh nghiệp chế tạo ô tô Nhật Bản phải điều chỉnh giá. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, những điều chỉnh lớn chưa xảy ra mà cách làm chủ yếu của các doanh nghiệp là điều chỉnh lại mức dự báo quyết toán theo kiểu "thắt lưng buộc bụng", hy sinh các khoản lợi nhuận.


Ngọc Diệp
Tổng hợp từ NyTimes, Yahoo

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên