MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Nhật sẽ bước vào nhiều thập kỷ mất mát

11-07-2011 - 08:45 AM | Tài chính quốc tế

Nhà đầu tư tại Nhật thường đùa nhau rằng nếu luôn dự báo bi quan về Nhật, họ sẽ luôn kiếm được tiền.

Từ khi nền kinh tế “bong bóng” sụp đổ vào thập niên 1980, nhà đầu tư tại Nhật thường đùa nhau rằng nếu giữ tâm lý bi quan về Nhật, họ sẽ luôn kiếm được tiền.

Hơn 2 thập kỷ sau, chỉ số Nikkei 225 vẫn chỉ hồi phục được 75% so với mức đỉnh. Kinh tế chịu tác động bởi liên tiếp nhiều cú sốc, từ giá bất động sản hạ sâu cho đến nợ công tăng cao và sự nổi lên của kinh tế Trung Quốc.

Ngoài ra, cần phải nói đến vấn đề dân số già, sinh viên ra trường không có việc làm, giảm phát dai dẳng, Nhật không còn đương đầu với 1 thập kỷ mất mát mà là nhiều thập kỷ mất mát.

Thảm họa thiên nhiên đã khiến danh sách các cú sốc đánh vào nền kinh tế trở nên dài hơn, đặc biệt phải kể đến động đất Kobe năm 1995, động đất, sóng thần vào thasng3/2011 và thảm họa hạt nhân sau đó.

Sau khoảng thời gian kinh tế tăng trưởng kém, thảm họa của Nhật đều khởi động lại nền kinh tế. Tuy nhiên khoảng thời gian tốt đẹp đó không kéo dài lâu. Kinh tế Nhật hồi phục vào cuối năm 1995 và năm 1996, trước khi các kế hoạch tăng thuế được áp dụng và khủng hoảng tài chính châu Á đẩy kinh tế Nhật vào suy thoái.

4 tháng sau khi 3 thảm họa diễn ra cùng một lúc, có nhiều dấu hiệu của một sự phục hồi khác. Các hãng xe đang khôi phục lại sản xuất, tình trạng thiếu nhiên liệu đã chấm dứt, đường sá và nhà cửa được xây dựng trở lại. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Nhật có thể phục hồi theo hình chữ V. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 18% từ ngày 15/03/2011, 4 ngày sau trận động đất.

Thế nhưng từ tháng 3/2011 đến nay, tác động từ khủng hoảng còn lớn hơn so với cả trận động đất thập niên 1990. Theo MorningStar, các quỹ chứng khoán của Nhật kiếm được mức lợi nhuận 2,4% trong quý 2/2011 và hơn 15% trong 12 tháng qua. Con số này không tệ nhưng để mong kinh tế phục hồi, con đường còn quá dài.

Lò phản ứng hạt nhân cung cấp điện cho Tokyo bị hạn chế hoạt động, nỗi sợ liên quan đến an toàn của ngành hạt nhân đã khiến nhiều lò phản ứng hạt nhân khác đóng cửa. Hàng loạt công ty Nhật bị yêu cầu phải sử dụng ít điện. Nếu các lò phản ứng hạt nhân không được hoạt động trở lại, tình trạng thiếu điện sẽ kéo dài sang năm sau.

Quy mô và tầm ảnh hưởng của thảm họa hiện tại còn lớn hơn so với trận động đất. Chi phí để xây dựng lại khu vực Tohoku, khu vực Đông Bắc chịu tác động nặng nề bởi động đất và tiền để dọn dẹp khu vực nhà máy điện Fukushima dự kiến quá lớn đến nổi chính phủ Nhật buộc phải tính thuế doanh thu lên tới 10%, động thái có thể đẩy kinh tế Nhật vào thế cực kỳ khó khăn.

Người ta vốn đã quá quen với các dự báo bi quan về Nhật. Một số chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Nhật sẽ bị kinh tế Trung Quốc nuốt chửng. Nhật còn bị coi như Thụy Điển, một nền kinh tế ổn định nhưng đang mất dần vị thế trong kinh tế toàn cầu.

Chính phủ Nhật ước tính chi phí tái thiết đất nước có thể lên mức khoảng 25 nghìn tỷ yên (312 tỷ USD), con số mà nhiều chuyên gia cho rằng quá thận trọng.

Nhà đầu tư nội địa Nhật mua lượng lớn trái phiếu chính phủ Nhật vì thế không phải lo Nhật đương đầu với khủng hoảng kiểu Hy Lạp gây ra bởi nỗi sợ của các trái chủ.

Nợ công của Nhật hiện đang ở mức 220% GDP, cao nhất trong nhóm nước phát triển.

Các chuyên gia lạc quan cho rằng Nhật có thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối lớn, tỷ lệ tiết kiệm cao để chi trả cho quá trình chuyển dời nền kinh tế.

Thế nhưng lượng tiền không ít sẽ được sử dụng để nhập khẩu thêm dầu và khí đốt nhằm ngăn thiệt hại từ năng lượng hạt nhân. Chính phủ Nhật cũng có thể sẽ quốc hữu hóa toàn bộ hoặc một phần nhà máy điện hạt nhân TEPCO.

Niềm tin vào ngành năng lượng hạt nhân nhật sụt giảm cũng sẽ tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh của Hitachi, Toshiba và Mitsubishi Heavy Industries, nhóm công ty hy vọng sẽ có được lợi nhuận cao từ hoạt động xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở nước ngoài.

Ngoài ra khi phải chi tiêu quá nhiều để tái thiết đất nước, điều đó đồng nghĩa với tiền và thời gian dành để giải quyết vấn đề của Nhật sẽ ít hơn, gánh nặng nhân khẩu học tăng cao, thị trường lao động thêm trì trệ và khả năng cạnh tranh của kinh tế ngày một thấp.

Ngọc Diệp
Theo NyTimes

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên