MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế thế giới đương đầu với thách thức “dân số già”

27-06-2009 - 08:57 AM | Tài chính quốc tế

Đến năm 2050, khi một phần lớn dân số thế giới bước vào tuổi về hưu và hiện nay khi các gia đình ngày một sinh ít con, lực lượng lao động thế giới sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Vấn đề nhân khẩu thay đổi đồng nghĩa với việc phần lớn chúng ta sẽ phải làm việc lâu hơn, điều này không hẳn đã là bất lợi.

 

Khi ông Otto von Bismarck đưa ra chính sách hưu trí cho người hơn 70 tuổi vào năm 1889, độ tuổi trung bình của người nước Phổ là 45 tuổi. Năm 1908, khi Lloyd George vận động trả lương 5 siling/tuần cho công nhân nghèo tuổi trên 70, người Anh khi đó may mắn lắm mới có thể sống được trên 50 tuổi.

 

Đến năm 1935, khi người Mỹ lập ra hệ thống an sinh xã hội, độ tuổi về hưu chính thức khi đó là 65 – cao hơn 3 năm so với mức tuổi thọ trung bình của người Mỹ. Các chương trình của nhà nước giành cho người về hưu được thiết kế chủ yếu giành cho một số ít người có sức khoẻ thật tốt.

 

Hiện nay, con người ta sống thọ sau độ tuổi về hưu. Tại một số nước châu Âu, tính từ sau khi nghỉ hưu, người ta trung bình sống thêm 25 năm. Tại Mỹ, độ tuổi về hưu chính thức là 66, tuy nhiên người Mỹ thông thường nghỉ hưu ở tuổi 64 và sau đó sống thêm trung bình16 năm.

 

Mức chi tiêu trung bình vào các quỹ hưu trí trong nhóm nước OECD khoảng 7% GDP, (năm 1935, mức chi phí này chỉ tương đương 0,2% GDP). Tại một số nước, mức chi tiêu này có thể gấp đôi vào năm 2050, đó là chưa nói đến số tiền dành cho các quỹ hưu trí tư nhân, y tế và chăm sóc sức khoẻ dài hạn.

 

Dân số già

 

Dù chúng ta có muốn hay không, chúng ta sẽ vẫn già đi và chúng ta đang trở lại thời kỳ làm việc không có điểm dừng. Sự thay đổi này sẽ không diễn ra trong chỉ một sớm một chiều thế nhưng cần phải chuẩn bị cho sự thay đổi đó từ bây giờ để đảm bảo bất kỳ biến động nào sẽ mang lại tương lai tốt đẹp hơn.

 

Mọi chuyện sẽ tốt hơn bởi nguyên nhân đằng sau việc này là người ta đang sống lâu hơn. Cứ 1 thập kỷ trôi qua, tuổi thọ lại tăng thêm từ 2 đến 3 tuổi bất chấp một loạt dự đoán rằng mức tuổi thọ đã đạt giới hạn.

 

Trước đây ở Mỹ, số người sống hơn 100 tuổi rất ít, cho đến nay, tại Mỹ đã có tới 100 nghìn người sống qua được độ tuổi trên. Đến cuối thế kỷ này, số lượng người hơn 100 tuổi  sẽ còn tăng cao hơn nữa.

 

2 nguyên nhân khiến số lượng dân số già trên thế giới tăng: phần lớn phụ nữ các nước giàu không sinh đẻ nhiều, số người bổ sung cho lực lượng lao động vì thế cũng thấp hơn (xu thế này sẽ chỉ làm hài lòng những nhà bảo vệ môi trường chứ không phải các chính phủ); nhóm người được sinh ra trong thời kỳ “baby boom” sau Chiến tranh Thế giới thứ hai – nguồn bổ sung lớn cho lực lượng lao động đã bắt đầu về hưu.

 

Năm 1950, tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, cứ 7 người trong nhóm độ tuổi từ 20 đến 64 mới có 1 người hơn 65 tuổi. Hiện nay tỷ lệ này đã là 4/1 và nhiều khả năng sẽ lên mức 2/1 vào năm 2050. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình giành cho người về hưu tại các nước giàu.

 

Người ta sẽ có thể cho rằng sự thiếu hụt lao động có nguyên nhân từ việc dân số già sẽ có thể được bù lại bởi nguồn lao động nhập cư từ những nước nghèo. Cho đến nay nhóm người này đã chiếm phần không nhỏ làm nên tăng trưởng dân số của thế giới các nước phát triển.

 

Khi thêm một nhóm dân số bước vào tuổi già, lực lượng lao động sẽ hao hụt đến mức số người nhập cư cần tăng trưởng gấp nhiều lần so với hiện nay mới có thể bù lại được. Xét đến hạn chế về chính trị hiện nay đối với làn sóng người nhập cư, khả năng trên rất khó xảy ra.

 

Vì thế người dân, các công ty và chính phủ các nước giàu sẽ buộc phải thích nghi. Có dấu hiệu cho thấy họ đang bắt đầu làm việc này. Nhiều ông chủ thường định kiến với người lao động lớn tuổi và họ luôn có lý do cho việc đó: khả năng của nhóm lao động này trong những công việc yêu cầu nhiều sức lực thường giảm đi khi họ bước vào độ tuổi trung niên, người lao động lớn tuổi cũng thường không thích nghi nhanh với công nghệ mới.

 

Thế nhưng trên thực tế, người đã qua tuổi về hưu không nhất thiết phải đảm nhiệm những công việc như trước đây họ vẫn làm. Tại Nhật, người lao động làm việc hết sức chăm chỉ, nhiều người vẫn đi làm ngay khi họ đã qua tuổi 60 và thậm chí đã 70 tuổi, nhiều công ty như Hitachi đã tìm ra những cách tái tuyển dụng lao động sau khi họ đã về hưu – tuy nhiên họ thường được trả mức lương thấp hơn và cường độ lao động cũng khác.

 

Ở nhiều nơi khác, các ông chủ không sẵn sàng đến như vậy. Dù vậy, hãng bán lẻ như Wal-Mart hay B&Q của Anh và McDonald đã bắt đầu tuyển dụng người già bởi khách hàng cho rằng những người này có thái độ thân thiện và nhiệt tình hơn.

 

Việc thiếu lao động lành nghề cũng tạo ra cơ hội cho người lao động lớn tuổi, năm vừa qua, một số công ty Đức đã tuyển dụng lại các kỹ sư già. Khi lực lượng lao động bắt đầu thu hẹp từ năm 2020, các công ty sẽ không còn nhiều sự lựa chọn.

 

Khi người lao động già đi, nhiều người trong số họ vẫn muốn tiếp tục làm việc. Khảo sát mới nhất của Financial Times/Harris cho thấy phần lớn người già ở Mỹ, Anh và Ý muốn làm việc lâu hơn để nhận được khoản tiền lương hưu lớn hơn (người Đức cũng có ý định này nhưng không thật sự nhiệt tình).

 

Điều này có rất nhiều ý nghĩa, miễn là công việc không quá nặng nhọc, nhiều người cảm thấy trí tuệ và sức khoẻ tốt hơn khi họ có việc gì đó để làm và được ra khỏi nhà. Nhiều người thuộc thế hệ “baby boomer” cho rằng họ muốn tiếp tục được làm việc với thời gian ngắn hơn. Nếu họ muốn như vậy, mức lương của họ sẽ chịu sự chi phối của giới chủ, có thể thấp, cũng có thể cao hơn.

 

Cần đưa ra chính sách phù hợp với thay đổi

 

Liệu các chính phủ có thể điều chỉnh để thích nghi tốt với biến đổi mới trong lực lượng lao động? Trong những chính sách gần đây, nhiều chính sách đã tính đến biến đổi về nhân khẩu, ví dụ như chính sách khuyến khích lao động già nghỉ hưu sớm.

 

Nhiều trong số chính sách này có yếu tố tích cực nhất định, có thể là khuyến khích làn sóng nhập cư, nâng tiết kiệm cá nhân và cải tổ hệ thống y tế. Việc cấm áp dụng độ tuổi về hưu bắt buộc trong lĩnh vực tư nhân hết sức hợp lý, ngoài ra người lao động còn có thể nghỉ hưu không quá đột ngột.

 

Hơn hết, độ tuổi về hưu của các công chức nhà nước cần phải được điều chỉnh. Việc nâng độ tuổi về hưu lên 67,68 không còn mục đích nào khác ngoài việc bù lại cho việc tuổi thọ đang tăng lên. Cho đến nay, Đan Mạch là nước đi đầu thế giới trong việc điều chỉnh tuổi về hưu phù hợp với tuổi thọ.

 

Chắc chắn nhiều phía sẽ không mấy hào hứng với thay đổi mới. Các quỹ hưu trí tư nhân năm ngoái đã mất tới ¼ giá trị tương đương 5,4 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Herb Stein, nếu điều gì không thể kéo dài mãi mãi thì cuối cùng nó cũng sẽ kết thúc. Các quốc gia nên cố gắng ứng phó trước khi để mọi chuyện đã quá muộn.

 

Theo Economist

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trở lên trên