Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ giữa muôn nghìn trùng vây
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước Trung Đông èo uột. Những lệnh cấm vận mà Nga áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Su-24 càng khiến triển vọng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên u ám hơn.
- 07-12-2015Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Nga hủy bỏ trừng phạt kinh tế
- 06-12-20154 kịch bản cho Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sau sự cố Su-24
- 04-12-2015Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố có bằng chứng ‘Nga buôn bán dầu với IS’
Một tuyến đường sắt cao tốc vừa được Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành năm ngoái, kết nối Eskisehir với Istanbul (về phía Tây) và với Ankara (về phía Đông). Dòng sông uốn lượn, điểm xuyết bởi những cây cầu màu xanh dương xinh xắn chảy dọc thành phố là điểm nhấn thu hút khách du lịch. Các nhà máy ở đây sản xuất mọi thứ, từ bánh ngọt và bánh quy tới tủ lạnh, những chiếc xe tải hạng nặng và linh kiện máy bay.
Dẫu vậy, bất chấp vẻ ngoài thịnh vượng, Eskisehir đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Đó cũng là tình trạng chung của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước Trung Đông èo uột. Những lệnh cấm vận mà Nga áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Su-24 càng khiến triển vọng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên u ám hơn.
Chỉ đứng sau Đức, Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ. Bản thân thành phố Eskisehir cũng xuất khẩu khoảng 30 triệu USD các sản phẩm bánh kẹo và thực phẩm sang Nga. Đặc biệt, trong vài tháng gần đây, khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây nguội lạnh và Nga không thể nhập khẩu thực phẩm từ EU, lượng hàng hóa mà Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu sang Nga càng tăng mạnh.
Cho đến năm ngoái, khi đồng ruble lao dốc và lệnh cấm vận của phương Tây khiến người Nga không còn nhiều tiền để đi du lịch, Nga vẫn là một trong những nguồn cung cấp khách du lịch lớn nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ. “Thâm hụt thương mại đang ở ngoài tầm kiểm soát, xuất khẩu không đủ đề bù đắp nhập khẩu, bởi vậy nguồn thu từ du lịch chiếm tỷ trọng khá lớn trong cán cân thanh toán của Thổ Nhĩ Kỳ”, Erinc Yeldan – trưởng khoa kinh tế tại ĐH Bilkent – nhận định.
Trong năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sang Nga chiếm 0,8% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hiện nay điều quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ không nằm ở con số bao nhiêu tỷ USD bị thiệt hại do lệnh cấm vận mà là xung đột với Nga sẽ ảnh hưởng như thế nào đến niềm tin của nhà đầu tư đối với kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Những khó khăn mà nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp phải là một mối lo ngại tiềm ẩn đối với phương Tây. EU và Mỹ đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kiểm soát dòng người nhập cư vào châu Âu. Xa hơn nữa là những lo ngại về bất ổn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ nếu nền kinh tế yếu đi.
Nhiều người dân cho rằng dòng người nhập cư từ Syria đang khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ yếu đi – bất chấp Eskisehir cách biên giới với Syria tới 400 dặm. “Đó là một vấn đề lớn. Số người Syria nhập cư tăng lên từng ngày và làm vấn đề thất nghiệp trở nên trầm trọng hơn”, Thị trưởng Buyukersen nói.
Osman Boyaci, 50 tuổi và là cha của 2 đứa con, cho biết bình thường có thể hi vọng kiếm được 20 USD/ngày nếu làm công nhân tại công trường xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay ông cũng như những người khác chẳng thể tìm được việc nữa vì những người tị nạn Syria sẽ sẵn sàng chấp nhận mức lương 6 USD/ngày.
Thế nhưng, những khó khăn của Eskisehir nói riêng và Thổ Nhĩ Kỳ nói chung không chỉ là cách đối phó với người nhập cư hay ngành du lịch bị gián đoạn. Rất nhiều nền kinh tế mới nổi đang chật vật vì hoạt động thương mại suy giảm trên phạm vi toàn cầu, và Thổ Nhĩ Kỳ chính là một trong số đó.
Từ lâu nay, nền kinh tế này vẫn dựa vào hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Trung Đông – hai khu vực đang có lực cầu yếu ớt. Một phần nguyên nhân là do yếu tố địa chính trị, nhưng phần lớn là do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ đang dần chiếm lĩnh các thị trường này.
Chiến tranh ở Syria và Iraq khiến nhu cầu về hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh, đồng thời lại khiến nước này phải tiếp nhận hơn 2 triệu người tị nạn. Iraq vốn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ (sau Đức), nhưng nhiều năm loạn lạc đã khiến doanh thu sụt giảm mạnh. Syria – cũng là một thị trường lớn – đang chìm trong nội chiến. Hoạt động thương mại tới vùng Vịnh cũng trở nên quá nguy hiểm và khó khăn.
Nếu các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ chọn cách đi vòng qua Iran để tránh Iraq và Syria, quãng đường quá dài và chi phí bị đội lên rất nhiều. Thêm vào đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad (vốn là đồng minh của Iran) khiến nước này không dành được thiện cảm của Iran.
Là một trong những nước hiếm hoi ở Trung Đông có phong trào dân chủ phát triển mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến Ai Cập thất vọng vì đã chỉ trích nước này. Đáp lại, Ai Cập đã gây khó dễ đối với hoạt động thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu vật liệu xây dựng sang Trung Quốc, nhưng thị trường bất động sản Trung Quốc hụt hơi khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Mấy năm gần đây, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn tiêu thụ các loại đá cẩm thạch lớn nhất thế giới. Loại đá này sẽ được sử dụng trong các khách sạn, tòa nhà văn phòng, chung cư và thậm chí là ở bể bơi. Tuy nhiên, trong năm 2014, thị trường Trung Quốc đã suy giảm gần 1/3 cả về khối lượng và giá trị. Đối với công ty đá Cekicler ở Eskisehir, điều này có nghĩa là công ty sẽ phải đóng cửa 3 trong số 9 mỏ chính và sa thải 1/3 trên tổng số 450 nhân công.
Vẫn còn những điểm sáng
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có một vài điểm sáng, và giới phân tích dự báo GDP nước này sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong vài năm tới. Dù yếu hơn mức trung bình 5% đã được duy trì trong suốt thập kỷ trước, con số này vẫn cao hơn so với nhiều nước.
Một trong những thế mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường bất động sản. Lo ngại bất ổn chính trị ở thế giới Arab sẽ sâu sắc hơn, các gia đình Trung Đông đã đổ xô mua căn hộ ở thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với mức lãi suất thấp, hoạt động xây dựng đã bùng nổ ở Ankara và Istanbul.
Trong khi đó, Cengiz Kamil Firat, chuyên gia đến từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, thực chất nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trạng thái tốt hơn so với các nhận định bi quan. Ví dụ, Nga quyết định hạn chế lượng người sang Thổ Nhĩ Kỳ du lịch vào đúng những tháng thấp điểm của mùa du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là địa điểm được ưa chuộng vào mùa hè và sẽ không có nhiều khách cho tới tháng 6 năm sau.
Ngược lại, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ là khí đốt (chiếm 60% tổng lượng tiêu thụ của Thổ Nhĩ Kỳ). Nga đã cố gắng không hạn chế hoạt động này vì họ cần đến một lượng ngoại tệ lớn trong bối cảnh bị phương Tây cấm vận. Tổng thống Putin cũng không đánh vào loại hàng hóa mà Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu nhiều nhất sang Nga: hàng hóa sản xuất công nghiệp.
Ở Eskisehir, đường sắt cao tốc mới và chính sách quy hoạch lại các nhà máy cũ đã tạo ra nhiều dự án bất động sản mới. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang tỏ ra lo lắng. “Tôi đã sống ở Eskisehir 15 năm rồi, và tôi chưa bao giờ thấy nó phát triển chậm như thế này”, Sinan Atinar – một người bán bánh kẹp thịt tại quảng trường trung tâm – nói.
New York Times
- Tổng thống Nga ký bổ sung biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ
- Nga quyết định mở rộng lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ
- Nga công bố hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của IS
- Bộ Quốc phòng Nga: Thổ Nhĩ Kỳ “chính thức thừa nhận” vụ bắn rơi máy bay Su-24 được lên kế hoạch
- Thổ Nhĩ Kỳ từ chối ‘ba điều kiện khôi phục quan hệ’ của Nga