MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc trong “bão tài chính” thế giới

03-10-2008 - 16:33 PM | Tài chính quốc tế

Bao lâu nay người ta cho rằng nhu cầu nội địa của Trung Quốc đủ giữ cho nước này tăng trưởng tốt ngay cả khi kinh tế toàn cầu suy yếu. Thực tế không phải vậy

Trung Quốc được coi là miễn nhiễm đối với những cú sốc về kinh tế từ Mỹ lan sang châu Âu và Nhật Bản.

 

Mặc dù kinh tế Trung Quốc không phải chịu nhiều ảnh hưởng của khủng hoảng cho vay thế chấp và thắt chặt tín dụng, nước này sẽ phải chứng kiến một sự thay đổi cơ bản về cấu trúc sớm hơn dự kiến.

 

Nhu cầu của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu giá rẻ giảm sút, vốn đầu tư không đúng lĩnh vực và an toàn của sản phẩm ảnh hướng khá lớn tới lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc và thách thức mối quan hệ mong manh giữa tăng trưởng kinh tế và tầng lớp trung lưu ngày một phát triển.

 

Thông thường người ta nghĩ rằng nhu cầu nội địa của Trung Quốc tăng đủ nhanh để giúp nước này phát triển và xuất khẩu không phải quá quan trọng trong vai trò là động lực giúp kinh tế nước này đi lên.

 

Tầng lớp trung lưu ngày một giàu có sẽ tiếp tục mua tivi, máy tính, máy giặt và xe ô tô, tất cả những mặt hàng do nội địa sản xuất với lượng tiền tiết kiệm khá lớn của họ. Ngân hàng nội địa có tiềm lực tốt và chính phủ trung ương đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và tài chính.

 

Nếu nhìn qua, những số liệu mới công bố có vẻ rất hứa hẹn. Chi tiêu tiêu dùng tăng 22%, áp lực lạm phát giảm bớt khi giá thực phẩm giảm. Trữ lượng ngoại tệ tăng. Đầu tư tài sản cố định tăng (tăng 27% chỉ trong 8 tháng đầu năm 2008).

 

Tuy nhiên khi xem xét kỹ hơn, mọi chuyện không được tốt đẹp như vậy. Tính đến cuối năm 2007, khoảng một nửa tăng trưởng GDP của Trung Quốc là do xuất khẩu và sự tiêu dùng của các cơ quan nhà nước, đây là mức ngược lại hẳn so với năm 2003 khi tăng trưởng kinh tế nước này chủ yếu do đầu tư và tiêu dùng cá nhân.

 

Trong khi tỷ lệ tiết kiệm cao, khá nhiều tiền của người dân đã đi vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Chỉ số Shanghai mất 2/3 giá trị từ đỉnh cao giữa tháng 10/2007 và chỉ số Hang Seng hạ hơn 50% so với mức đỉnh cao chỉ một năm trước.

 

Tỷ lệ đầu tư tài sản cố định tăng, 1/3 trong số đó tiếp tục rót vào lĩnh vực bất động sản. Giá bất động sản đang tăng chậm nhất trong 18 tháng và giá nhà mới tại Quảng Châu và Sơn Dương trên thực tế đã hạ. Doanh số bán xe ô tô mới chững lại.

 

Không có gì ngạc nhiên, lòng tin của người tiêu dùng cũng đi xuống. Các tổ chức phương Tây hạ xếp hạng các ngân hàng thương mại Trung Quốc có nắm một số bất động sản xấu. Một số người dân có khả năng vươn lên đứng trong tầng lớp trung lưu nay mất dần cơ hội đó bởi hàng ngàn doanh nghiệp phá sản.

 

Chỉ riêng tại tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất hàng giá rẻ của Trung Quốc, khoảng một nửa cơ sở sản xuất giày giá rẻ đã đóng cửa. Một nguyên nhân cho việc này là Trung Quốc muốn thay thế đội ngũ lao động kỹ năng và mức lương thấp với lĩnh vực sản xuất có giá trị cao.

 

Tuy nhiên sự chuẩn bị cho nền tảng của nền sản xuất này chưa có nhiều. Đầu tư tài sản cố định tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, mà lĩnh vực này đã và đang có trọng tâm là hàng hóa giá rẻ.

 

Đầu năm nay, Trung Quốc kỳ vọng vào khả năng Olympic sẽ là một bệ phóng cho nền kinh tế nước này. Các công ty nước ngoài có thể sẽ đua nhau mở văn phòng tại thủ đô Bắc Kinh. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra nếu thảm họa suy thoái không gây chấn động những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Hàng triệu công nhân sẽ thất nghiệp khi tình hình xây dựng chững lại, họ sẽ phải quay lại vùng nông thôn vẫn khó khăn và lạc hậu gần giống như trước khi họ ra đi nhiều năm trước.

 

Tăng trưởng kinh tế là nền tảng của ổn định xã hội. Trung Quốc sẽ gặp phải một số khó khăn trong việc chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình mới. Khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn, những gì người ta nhớ về một Olympic hoành tráng cũng nhạt dần, những người công nhân thất nghiệp chẳng có lý do gì để vui mừng.

 

Trung Thành
Theo FEER

ngocdiep

Trở lên trên