Kỷ nguyên BRIC chấm dứt ở Goldman Sachs
Bộ phận quản lý quỹ của ngân hàng Goldman Sachs vừa đưa ra quyết định sẽ gộp quỹ BRIC vào một quỹ lớn hơn theo dõi các thị trường mới nổi. Đầu tư vào nhóm các thị trường mới nổi tiêu biểu là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, hiện quỹ này đang bị thua lỗ.
- 12-11-2014Nga và Brazil - Bộ đôi ảm đạm của BRICs
- 17-07-2014[Infographics] Một vài thống kê đáng chú ý về Nhóm BRICS
- 10-02-2014BRICS rạn vỡ
Trong đơn nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ, Goldman Sachs cho biết quỹ đã không đạt được mức “tăng trưởng tài sản một cách đáng kể trong tương lai gần” như mong đợi. Đây là lí do khiến Goldman Sachs xóa bỏ quỹ đã tồn tại 9 năm này.
Gộp 2 quỹ này vào nhau, Goldman Sachs muốn "tối ưu hóa" tài sản và "loại bỏ việc chồng chéo các sản phẩm”.
14 năm sau khi Jim O’Neill – người từng là nhà kinh tế học nghiên cứu tại Goldman Sachs - đặt ra khái niệm BRIC và mở ra thời kỳ bùng nổ đầu tư chưa từng có trong lịch sử, giờ đây những thị trường lớn này đang gặp phải nhiều vấn đề. Nga và Brazil đã rơi vào tình trạng suy thoái, trong khi đó Trung Quốc- quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới cũng đang chuẩn bị cho năm tăng trưởng thấp nhất kể từ 1990.
Quỹ BRIC của Goldman Sachs đã mất đi 88% tổng tài sản kể từ khi đạt mức cực đại năm 2010. Cũng phải nhấn mạnh rằng chiến lược gộp các quốc gia riêng biệt thành một mối đầu tư duy nhất đang mất dần đi sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
“Lời hứa cho sự phát triến nhanh chóng và bền vững của BRIC đã gặp những thách thức không nhỏ trong khoảng 5 năm qua. Ý niệm về BRIC đã rất nổi tiếng nhưng không có gì là vĩnh cửu”, Jorge Mariscal- giám đốc đầu tư các thị trường mới nổi tại UBS Wealth Management đã phát biểu như vậy.
Trong 5 năm tính tới ngày 23/10, quỹ BRIC đã mất đi 21% giá trị. Theo dữ liệu của Bloomberg, tổng tài sản của quỹ đã giảm xuống còn 98 triệu USD tính tới cuối tháng 9 sau khi đạt ngưỡng cao nhất 842 triệu USD trong năm 2010.
Số tài sản mà quỹ BRIC của Goldman Sachs quản lý
Tuy nhiên, trong quá khứ, suốt 10 năm sau khi từ BRIC ra đời, khối này đã nổi lên như một cỗ máy tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu. BRIC đã tích lũy 40% dự trữ ngoại hối của thế giới, chỉ số MSCI BRIC tăng trưởng tới 308% trong 10 năm tính tới năm 2010, so với mức tăng 15% của chỉ số Standard & Poor 500 của TTCK Mỹ.
Trong những năm qua những thách thức càng trở nên khó khăn hơn với các quốc gia này. Brazil hiện đang quay cuồng bởi vụ bê bối tham nhũng và suy thoái tồi tệ nhất trong vòng một phần tư thế kỷ, trong khi đó các công ty của Nga bị đẩy khỏi thị trường vốn toàn cầu như là một biện pháp trừng phạt của quốc tế. Tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán lao dốc đã quét sạch hơn 5.000 tỷ USD vốn hóa thị trường. Ngay cả Ấn Độ, nơi có nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, thủ tướng Narendra Modi cũng đang phải đau đầu tìm hướng đi cải cách.
Dù sự chuyển đổi từ mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang dựa vào dịch vụ của Trung Quốc có thể tạo ra một nền kinh tế cân bằng hơn, quá trình này đồng thời cũng kéo chậm lại sức tăng trưởng của Trung Quốc.
Tính tới 4/10, các nhà đầu tư đã rút 1,4 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư vào BRIC, khiến tổng lượng rút ra từ cuối năm 2010 lên tới 15 tỷ USD (theo EPFR Global). Con số này còn lớn hơn tổng toàn bộ luồng tiền ra từ năm 2005.
Trong khi đó Xavier Hovasse – chuyên gia đến từ Carmignac Gestion – không ngạc nhiên về sự sụp đổ của BRIC. “BRIC đã không thực hiện được bất kỳ điều gì ngay từ điểm khởi đầu bởi vì bạn chỉ ngẫu nhiên cho bốn quốc gia hoàn toàn khác nhau vào một nhóm. Tôi không ngạc nhiên khi những quỹ đó đang dần sụp đổ”.