MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát đã chết!

17-04-2013 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

NHTW của các nước phát triển đã “quá tay” khi thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát.

Thời kỳ những năm 1970, tinh thần thép (cùng với tiền bạc) là những thứ cần thiết để đánh bại lạm phát. Dưới sự dẫn dắt của “bà đầm Thép” Margaret Thatcher, chính phủ Anh kiên trì theo đuổi chính sách lãi suất cao cho đến khi “con quái vật lạm phát” chịu khuất phục. Sau đó, cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Paul Volcker cũng thực hiện động thái tương tự. 

Sự kiên cường của các NHTW khiến thị trường hoàn toàn tin rằng các chính phủ thực sự nghiêm túc trong việc giữ lạm phát ở mức thấp. Kỳ vọng giá cả tăng lên trong tương lai bao trùm mục tiêu của các NHTW, vẽ nên thời kỳ chính sách tiền tệ được mở rộng hết mức nhằm chấm dứt thời kỳ suy thoái sâu. Giờ đây, bên cạnh một loạt vấn đề đau đầu khác, giá cả quá ổn định lại trở thành một “vết thương” của các nền kinh tế phát triển. 

Suy thoái sâu như trong suốt thời kỳ vừa qua sẽ khiến tỷ lệ lạm phát sụt giảm là điều tất lẽ dĩ ngẫu. Để tìm được việc, những lao động thất nghiệp buộc phải hạ đòi hỏi về lương. Các công ty không bán được hàng phải hạ giá để giảm bớt lượng hàng tồn kho. Những năm gần đây, có rất nhiều lý do để tin rằng lạm phát sẽ ở mức 0% hoặc thậm chí là âm. Tháng 4/2009, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo lạm phát trong năm 2009 của các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức -0,2%. 

Trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế thế giới mới nhất của IMF, tổ chức này nhận định giảm phát đã trở thành hiện tượng quá đỗi thân quen. Khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng vọt từ 4,5% lên 10,8% trong giai đoạn 1980 – 1982, tỷ lệ lạm phát lõi cũng giảm từ 12% xuống chỉ còn 4,5%. Tuy nhiên, giai đoạn 2007 – 2009, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh hơn, tỷ lệ lạm phát chỉ giảm từ 2,4% xuống 1,7%. Ở những nơi lạm phát tăng mạnh hơn mục tiêu chính phủ đề ra (như ở Anh) hoặc thấp hơn (như ở Nhật), lãi suất kỳ vọng sẽ ở mức gần với các mục tiêu. 

Một số nhà kinh tế học lập luận rằng lạm phát ổn định là kết quả của một số thay đổi lớn trên thị trường lao động. Tiền lương và giá cả không giảm mạnh trong những năm gần đây là do các lao động thất nghiệp rời khỏi thị trường (do họ sẽ nhận được mức trợ cấp hậu hĩnh đồng thời các kỹ năng của họ đã trở nên lạc hậu). Những người này không cạnh tranh với bộ phận còn lại trên thị trường lao động và do đó không thể kéo mức lương tụt xuống.

Một quan điểm khác cho rằng sự ổn định phản ánh niềm tin của các NHTW. Khi NHTW chiến đấu với lạm phát trong thời kỳ đầu những năm 1980 và đặt ra mục tiêu ở mức thấp, họ tin tưởng chắc chắn lương và giá sẽ tăng lên trong tương lai. Người lao động dự đoán giá tăng lên sẽ không đòi hỏi tăng lương và do đó các doanh nghiệp giữ được chi phí và do đó giá cả không tăng lên. Quá trình này cũng giúp đảo ngược giảm phát khi khủng hoảng xảy ra. Nếu như mức giá không được dự đoán sẽ giảm xuống, người lao động sẽ không dễ gì chấp nhận cắt giảm lương. 

IMF cho rằng có vẻ như giả thiết thứ hai sát hơn với những gì diễn ra trong thực tế. Kể từ năm 1990, mức lạm phát kỳ vọng ngày càng tiến gần hơn với mức mục tiêu của các NHTW. Dường như thị trường tin rằng các NHTW sẽ đạt được mức lạm phát mục tiêu và họ cũng tin rằng NHTW có thể kiểm soát mọi thứ. 

Trong những năm gần đây, mối liên hệ giữa lạm phát và các chỉ số kinh tế khác cũng dần phai nhạt. Trong một nghiên cứu được thực hiện trên 21 nước giàu có với các số liệu thu thập được từ những năm 1960 tới nay, IMF đã chỉ ra rằng ảnh hưởng của thị trường lao động đối với tỷ lệ lạm phát hiện đã giảm đi rất nhiều so với trong quá khứ. Nếu như mối quan hệ này không bị phá vỡ, nền kinh tế Mỹ lẽ ra phải ghi nhận chỉ số giảm phát ở mức 3%, xét trong bối cảnh suy thoái sâu như vừa qua. 

Điều gì có thể khiến lạm phát kỳ vọng một lần nữa trở thành yếu tố độc lập, giống như thời kỳ những năm 1970?  So sánh những gì xảy ra ở Mỹ và Đức, IMF thừa nhận rằng mức độ độc lập của các NHTW là nhân tố quyết định. Cả Fed và Bundesbank (NHTW Đức) đều sai lầm khi nhận định nạn thất nghiệp của những năm 1970 chỉ là hiện tượng nhất thời. Tuy nhiên, Bundesbank đã cự tuyệt lời kêu gọi thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ của chính phủ Đức. Trong khi đó, Fed đáp lại yêu cầu của cựu Tổng thống Richard Nixon. Chỉ đến cuối những năm 1970, khi dư luận nhận ra rằng lạm phát chứ không phải thất nghiệp mới là tội đồ lớn nhất của nền kinh tế, Fed mới có thể bắt đầu chống lại lạm phát. 

Lạm phát thấp có thể là thành tựu đáng tự hào nhất của các NHTW. Tuy nhiên, theo IMF, điều này cũng đi kèm với vô vàn rủi ro đe dọa nền kinh tế. Và, nghiên cứu năm 2012 của IMF chỉ ra rằng kiềm chế lạm phát có thể khiến chênh lệch giàu nghèo tăng cao bởi tiền lương bị đè nén trong khi giá tài sản leo thang. 

Đáng lo ngại hơn, mối liên hệ ngày càng yếu đi giữa lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp có thể khiến người ta “bình chân như vại” trước tình trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Các NHTW đang đánh giá quá thấp những vấn đề của nền kinh tế mà nguyên nhân là do tỷ lệ lạm phát ở trong trạng thái ổn định. Đáng lẽ ra các NHTW phải hành động sớm hơn và dứt khoát hơn trong cuộc chiến chống lại suy thoái. Tuy nhiên, họ trở thành nạn nhân của chính những thành công đã đạt được. Và, khi mà tỷ lệ lạm phát không còn là chỉ số đáng tin cậy để đo lường lực cầu, họ phải tìm được một chỉ số khác có thể đảm bảo giúp nền kinh tế thoát khỏi kịch bản quá nóng hoặc quá lạnh. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên