MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát – thách thức lớn tại các nước đang phát triển

26-05-2008 - 17:56 PM | Tài chính quốc tế

Mỹ và các nước châu Âu đang hết sức lo lắng về tình trạng lạm phát. Mối lo này tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam lớn hơn nhiều.

Khi kinh tế Mỹ bên bờ vực suy thoái và nhiều nền kinh tế châu Âu đang tăng trưởng chậm lại, ngân hàng trung ương các nước này hết sức lo lắng về tình trạng lạm phát tăng cao. Tuy nhiên nguy cơ của họ đang gặp phải vẫn chưa thấm vào đâu so với vấn đề lạm phát tại các nước mới nổi.

Năm 2007, tỷ lệ lạm phát tại nhóm các nước này đã tăng lên mức cao nhất trong 09 năm. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa nền kinh tế những nước đang phát triển hiện nay với thế giới những nước phát triển thời kỳ đầu năm 1970 khi cuộc Đại Lạm Phát bắt đầu. Có phải những nền kinh tế non trẻ này đang bắt đầu đi vào thời kỳ khó khăn?

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc hiện nay đang đứng ở mức cao nhất trong 12 năm, 8,5% so với 3% một năm trước. Mức tăng của chỉ số này tại Nga là 6% so với 1 năm trước và hiện đứng tại 14%.

Phần lớn nền kinh tế các nước vùng Vịnh có tỷ lệ lạm phát 2 con số. Chỉ số lạm phát giá cả của Ấn Độ cao nhất trong 4 năm. Lạm phát của Indonexia, hiện nay đã ở mức 9% dự kiến sẽ tăng lên 12% trong tháng tới khi chính phủ tăng trợ cấp nhiên liệu thêm từ 25 đến 30%.

Tình hình lạm phát tại châu Mỹ - Latinh hiện nay vẫn còn thấp so với quá khứ đầy tai tiếng của khu vực này. Tuy nhiên, lạm phát tại Brazil cho đến nay đã tăng lên 5% từ 3% vào thời điểm đầu năm. Tỷ lệ lạm phát đáng lo ngại nhất là Venezuela và Argentina, tỷ lệ lạm phát tại Venezuela hiện nay là 29,3% còn tại Argentina tình hình cũng không mấy sáng sủa. Theo Morgan Stanley, tỷ lệ lạm phát tại nước này có thể là 23% so với 14,3% một năm trước đó.

Trên thực tế, số liệu về tình trạng lạm phát được công bố tại các nước này chưa phản ánh được toàn cảnh về tình hình thực tế. Trợ cấp và các biện pháp kiềm chế giá cả là một nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát, nguyên nhân khác là chính phủ các nước này có thể đã không công bố số liệu thật sự chính xác.

Sự chậm trễ trong công bố số liệu tại Ấn Độ có thể có nghĩa là số liệu đó đã được biến hóa, con số công bố vào cuối tháng 3 cao hơn 2% so với con số lần đầu. Chỉ số lạm phát thực tế có thể là khoảng 9 đến 10%. Nếu được tính toán thật cẩn thận, đến giữa mùa hè này 5/10 nền kinh tế mới nổi hiện nay sẽ có tỷ lệ lạm phát hơn 10%. 2/3 dân số thế giới sẽ phải sống trong tình trạng lạm phát ở mức 2 con số.

Nguyên nhân lớn khiến lạm phát tăng cao như hiện nay là giá dầu và thực phẩm tăng. Ví dụ giá thực phẩm tại Trung Quốc đã tăng 22% trong năm 2007, trong khi giá cả các mặt hàng khác chỉ tăng 1,8%. Chính phủ nhiều nước ngay lập tức phản ứng bằng cách kiếm chế giá cả tăng và cấm xuất khẩu. Chính phủ Ấn Độ giảm lượng một số loại hàng hóa giao sau theo kỳ hạn do cho rằng hình thức bán hàng giao sau như vậy đã góp phần đẩy giá cả tăng cao.

Trong ngắn hạn những biện pháp trên có thể giúp giảm lạm phát và ngăn được bất ổn xã hội tuy nhiên về lâu về dài sẽ gây ra nhiều tác hại. Ngăn giá cả tăng cao sẽ làm giảm động lực tăng sản lượng của nông dân, đồng thời khiến nhu cầu của người tiêu dùng giảm. Điều này sẽ tiếp tục gây ra sự mất cân bằng bao lâu nay vốn là nguyên nhân đẩy giá cả tăng.

Một số ngân hàng trung ương các nước trong đó có Brazil, Indonexia và Nga đã tăng tỷ lệ lãi suất. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn chưa theo kịp tỷ lệ lạm phát. Điều ngoại lệ chỉ có tại Brazil, Mexico và Hàn Quốc. Tỷ lệ lãi suất của Nga hiện nay là 6,5%, vẫn thấp hơn 8% so với tỷ lệ lạm phát.

Nhiều nhà hoạch định chính sách tại các nền kinh tế mới nổi cho rằng tình trạng lạm phát hiện nay có nguyên nhân chính do giá thực phẩm và năng lượng tăng quá cao, nguồn cung hạn chế và đầu cơ.

Tỷ lệ lãi suất cao không có tác dụng nhiều để giải quyết tình trạng này. Họ kỳ vọng lạm phát sẽ giảm đi trong năm nay khi giá cả tăng cao, nguồn cung tăng (trên thực tế đúng là giá cả thực phẩm đã giảm nhẹ trong tháng qua).

Nhiều khả năng lạm phát giá cả thực phẩm sẽ dịu đi vào cuối năm nay, tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua tình trạng lạm phát ngắn hạn đang hết sức căng thẳng như hiện nay.

Câu chuyện giá thực phẩm toàn cầu tăng cao như thời gian qua cho ta thấy nguyên nhân không chỉ đơn giản do gián đoạn nguồn cung. Giá cả tăng một phần nguyên nhân do điều kiện tiền tệ lỏng lẻo tại nhiều nền kinh tế mới nổi làm tăng nhu cầu nội địa.

Giá cả tăng cao còn do chính sách tiền tệ lỏng lẻo tại những nền kinh tế đang nổi lên, khiến nhu cầu nội địa tăng mạnh. Từ năm 2002 tới nay, các nền kinh tế này chiếm 90% lượng gia tăng trong nhu cầu tiêu dùng của toàn thế giới đối với dầu và kim loại, 80% đối với lượng gia tăng của nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đối với ngũ cốc. Điều này phản ánh sự thay đổi lực lượng về nhu cầu trong tương lai, nhưng đồng thời cũng là sản phẩm của sự bùng nổ có tính chu kỳ do cung tiền tăng cao.

Nhu cầu tiêu thụ kim loại và dầu trên toàn cầu tăng từ năm 2002 đến nay có 90% nguyên nhân từ thị trường các nước mới nổi. Và nhu cầu ngũ cốc tăng cao trên thế giới cũng có 80% nguyên nhân từ khu vực này. Điều này phản ánh thay đổi cấu trúc dài hạn, nhưng đồng thời đó cũng là sản phẩm của chính sách tiền tệ không hợp lý.

Ông Peter Morgan, một đại diện của ngân hàng HSBC cho biết ban đầu giá cả thực phẩm tăng đột biến là do thiếu hụt nguồn cung, tuy nhiên thu nhập tăng và lượng tiền dồi dào khiến giá cả tiếp tục tăng cao nữa. Nếu chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, việc giá cả tăng nơi này và giảm tại nơi khác sẽ có thể giúp tình trạng lạm phát nằm trong tầm kiểm soát của các quốc gia.

Một lý do khác các ngân hàng trung ương không thể bỏ qua tình trạng lạm phát giá cả trong lĩnh vực nông nghiệp là lạm phát đó có thể lan sang các mặt hàng khác. Trong chỉ số giá tiêu dùng của các nước mới nổi, giá cả thực phẩm chiếm tới 30-40%, trong khi tỷ lệ này tại nền kinh tế các nước G7 mới chỉ là 15%. Như vậy, áp lực lạm phát tại thế giới các nước mới nổi sẽ cao hơn các nước giàu. Chính sách tiền tệ chặt chẽ sẽ giúp vấn đề giá cả hàng hóa tăng cao không lan ra toàn thế giới.

Theo phân tích từ Goldman Sachs, trong thời kỳ từ năm 1997 đến năm 2000, giá cả thực phẩm tại các nước mới nổi đã đẩy giá cả các mặt hàng tăng. Tại các nước phát triển, mối liên hệ giữa các mặt hàng lương thực - thực phẩm và phi lương thực trươc đây không được coi trọng trong lĩnh vực thống kê.

Ông Philip Poople, một đại diện khác của ngân hàng HSBC, cho rằng tại các nước mới nổi, việc đầu tư không theo kịp với tăng trưởng kinh tế. Vì thế nhiều công ty phải tăng chi phí.

Ở Brazil và Ấn Độ, tỷ lệ sử dụng công suất đã đạt những mức kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp ở Brazil hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng gần 20 năm trở lại đây. Còn ở Trung Quốc, công suất đầu tư có thể vẫn còn dư thừa chút ít nhờ hoạt động đầu tư mạnh mẽ.

Ảnh hưởng tiếp theo của giá cả thực phẩm tăng cho đến nay đã hết sức rõ ràng tại các nền kinh tế. Ông Andrew Cates của ngân hàng UBS, Thụy Sỹ, đã tính toán rằng tỷ lệ lạm phát dài hạn của châu Á và Mỹ Latinh đã tăng 1% trong năm ngoái lên mức 3,4% và 6,2% (đó là chưa kể đến giá thực phẩm và năng lượng).

Tại Đông Âu, tỷ lệ này tăng thêm lên 7,4% bởi nền kinh tế Nga phát triển quá nóng. Nhiều chuyên gia dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục tăng và nhiều khả năng sẽ có nhiều cuộc biểu tình của công nhân để đòi tăng lương. Khảo sát ý kiến chuyên gia tại Argentina cho thấy tỷ lệ lạm phát của nước này trong 12 tháng tới có thể lên đến 36%. Mức tăng lương hàng năm tại Nga hiện nay là gần 30%.

Ngọc Diệp
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên