Lehman Brothers “đội mồ” sống dậy
Chip Bowles, một luật sư chuyên về phá sản, so sánh Lehman với một “xác chết biết đi”. Thay vì tìm kiếm não người như trong phim, Lehman đang lùng sục mọi nơi hòng tìm kiếm tiền mặt.
Đã gần 5 năm sau khi Lehman Brothers nộp đơn xin bảo hộ phá sản và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giờ đây, “xác chết biết đi” Lehman Brothers đã “đội mồ” sống dậy và đi đòi hàng triệu USD từ các quỹ hưu trí, trường đại học và bệnh viện.
Sau khi bán gần hết tài sản, Lehman phàn nàn rằng họ đang bị lừa bịp bởi hàng loạt tổ chức phi lợi nhuận vốn buộc phải trả tiền để thoát khỏi các hợp đồng phái sinh không bị ảnh hưởng khi Lehman nộp đơn xin phá sản.
Viện nghiên cứu Buck Institutefor Research on Aging ở Novato (California) đã trả cho Lehman 2 triệu USD vào tháng 10/2008 để hủy bỏ hợp đồng hoán đổi lãi suất. Giờ đây, Lehman muốn đòi thêm 12,1 triệu USD cùng với ít nhất 4,7 triệu USD tiền lãi. Số tiền mà Lehman đòi hỏi tương đương với hơn một nửa số tiền chi tiêu cho nghiên cứu các bệnh Alzheimer’s, Parkinson’s và nhiều bệnh khác trong năm 2012.
Chip Bowles, một luật sư chuyên về phá sản, so sánh Lehman với một “xác chết biết đi”. Thay vì tìm kiếm não người như trong phim, Lehman đang lùng sục mọi nơi hòng tìm kiếm tiền mặt.
Mary McEachron, giám đốc hành chính của Buck, từ chối bình luận và chỉ khẳng định vụ việc vẫn chưa được giàn xếp.
Trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra, các ngân hàng và công ty bảo hiểm trên phố Wall cung cấp rất nhiều hợp đồng hoán đổi lãi suất cho các tổ chức chính phủ và phi lợi nhuận, cho rằng loại sản phẩm tài chính này có thể hạ thấp chi phí đi vay. Theo số liệu từ tài liệu được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố năm 2010, trước khủng hoảng, các thương vụ được thực hiện trên thị trường trái phiếu địa phương có giá trị lên đến 500 triệu USD.
Sau khi Lehman nộp đơn xin phá sản và thị trường trái phiếu sụp đổ, các tổ chức này trả cho các ngân hàng hơn 4 tỷ USD để đóng hợp đồng. Một số quan chức cho rằng họ đã không ý thức được những rủi ro mà các giao dịch này sẽ đem lại.
Trong trường hợp của Lehman, cuộc chiến về hợp đồng phái sinh cho thấy khả năng kiếm tiền của ngân hàng này. Đã từng là ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 thế giới, Lehman nộp đơn xin phá sản vào ngày 15/9/2008 và trở thành vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lehman có hơn 1,7 triệu hợp đồng phái sinh với hàng nghìn ngân hàng, quỹ đầu cơ, công ty, chính quyền địa phương cũng như các chính phủ.
Theo Kennett Square - chuyên gia đến từ Chatham Financial, Lehman đang đưa ra mức lãi suất vào khoảng 14%/năm đối với các khoản nợ chưa được trả. Lãi suất được tính toán dựa trên chi phí sử dụng vốn của Lehman (bằng lãi suất Libor cộng thêm 13,5%). Theo đó, số tiền mà Lehman yêu cầu các tổ chức trả cho họ đã tăng gấp đôi so với số tiền gốc.
Ngay từ ban đầu, Lehman đã khẳng định họ sẽ sử dụng chiến lược luật pháp mạnh mẽ để bảo vệ tài sản của mình. Và, họ đã làm rất tốt. Theo luật phá sản, các luật sư và lãnh đạo của một công ty bị phá sản có nhiệm vụ huy động càng nhiều tiền cho các chủ nợ càng tốt. Tháng 3/2012, Lehman thoát khỏi tình trạng phá sản. Lehman đã trả nợ 47,2 tỷ USD và mong muốn đến năm 2016 sẽ trả cho các chủ nợ 65 tỷ USD.
Một số khách hàng cũ của Lehman đã từ bỏ cuộc chiến. Tháng 3/2012, cơ quan tài chính nhà ở của bang Colorado đã chấp nhận trả tiền cho Lehman. Một số khác đang trong quá trình thương lượng. Simmons College ở Boston trả cho Lehman 5,5 triệu USD để thoát khỏi ba hợp đồng hoán đổi. Lehman không đồng ý với số tiền trên và hơn 3 năm sau gửi thông báo muốn thương lượng lại.
Khi thỏa thuận không đạt được, Lehman nộp đơn kiện. Ngày 17/4 vừa qua, một trong những bộ phận của Lehman đã nộp đơn kiện Ngân hàng nhà ở Cincinnati, yêu cầu ngân hàng này trả thêm 63,9 triệu USD tiền nợ liên quan đến 87 hợp đồng hoán đổi lãi suất.
Thu Hương