MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liên hợp quốc dự báo thế giới sẽ có 7 tỷ người vào tháng 9/2011

10-02-2011 - 10:37 AM | Tài chính quốc tế

Các chuyên gia về nhân khẩu học dự đoán năm 2011 Trái đất sẽ chào đón công dân thứ 7 tỉ, gây ra lo ngại về nhiều mặt.

Theo những số liệu mới nhất của LHQ, thế giới sẽ đạt đến ngưỡng 7 tỉ người vào tháng 9 tới đây. Để minh họa cho con số ấn tượng này, tạp chí National Geographic khẳng định rằng phải mất khoảng... 200 năm để đếm từ 1 đến 7 tỉ.

Loài người mất khoảng 200.000 năm kể từ lúc Homo Sapiens đầu tiên xuất hiện để tăng dân số lên 1 tỉ người vào năm 1800. Nhưng chỉ 12 năm sau khi mừng sinh nhật công dân thứ 6 tỉ vào ngày 12.10.1999 tại Sarajevo, Bosnia Herzegovina, Trái đất lại rục rịch chờ đón công dân thứ 7 tỉ.

Theo LHQ, mức độ tăng trưởng dân số toàn cầu đang có chiều hướng chậm lại và sẽ đạt mức ổn định, gần như không tăng thêm hoặc tăng rất ít khi lên đến 9 tỉ người vào năm 2050. Tờ Le Temps dẫn lời Giám đốc Viện Nghiên cứu nhân khẩu học quốc gia Pháp (INED) Gilles Pison cho biết: “Để tăng từ 5 lên 6 tỉ và từ 6 lên 7 tỉ người đều mất 12 năm. Tuy nhiên, giai đoạn 1987-1999, dân số nhân loại tăng lên 1/5, trong khi giai đoạn 1999-2011, dân số “chỉ” tăng thêm 1/6”. Các nhà nhân khẩu học dự đoán Trái đất sẽ tăng từ 7 lên 8 tỉ người trong 13 năm tới và mất hơn 20 năm để lên đến 9 tỉ người trước khi dần ổn định.

“Lời tiên tri” của Warren Thompson

Việc dân số địa cầu bùng nổ với tốc độ chóng mặt, sau đó chậm dần và đạt ngưỡng ổn định không nằm ngoài lý thuyết “chuyển giao nhân khẩu học” được chuyên gia Mỹ Warren Thompson đưa ra từ năm 1929. Ban đầu, lý thuyết của giáo sư Thompson bị giới khoa học hoài nghi vì nghe quá “lạ tai”. Đến sau Thế chiến 2, LHQ mới công nhận thuyết này và thực tế ngày càng chứng minh những dự đoán của ông là chính xác.

Theo giáo sư Thompson, xã hội hiện đại hóa với đời sống khá giả, tiến bộ khoa học kỹ thuật, và sự biến chuyển của phong tục tập quán sẽ giảm cả tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử. Tuy nhiên, nhờ y học phát triển, tỷ lệ tử giảm sớm hơn tỷ lệ sinh, dẫn đến sự bùng nổ dân số trong giai đoạn trung gian trước khi hai tỷ lệ này trở nên cân bằng. Quá trình chuyển giao nhân khẩu học tại các nước công nghiệp phát triển được xem là đã hoàn tất, theo Le Temps. Ở những nước Tây Âu, Bắc Mỹ, tuổi thọ trung bình đã tăng từ 35 tuổi hồi đầu thế kỷ 19 lên 77 tuổi hiện nay và mỗi phụ nữ chỉ còn trung bình 2 con, so với “đùm đề” 5, 6 con như trước.

Nhìn chung, quá trình chuyển giao nhân khẩu học theo thuyết của Warren Thompson luôn theo đúng trình tự nhưng chi tiết sẽ khác nhau ở mỗi nước. Theo Giám đốc Pison của INED, trong thế kỷ 19, dân số của Pháp tăng rất chậm vì tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử giảm cùng lúc. Bên kia eo biển Manche, Anh lại có sinh suất giảm chậm hơn tử suất khiến dân số bùng nổ nhanh chóng. Từ chỗ có dân số thấp hơn 3 lần vào năm 1800, người Anh giờ đông ngang ngửa người Pháp.

Trong khi đó, các nước đang phát triển hiện trải qua cùng quá trình chuyển giao nhân khẩu học như những nước giàu nhưng với tốc độ cao hơn nhiều. Những tiến bộ y học mà các nước Tây phương mất nhiều thế kỷ để đạt tới đã được truyền bá nhanh chóng sang khu vực Á-Phi và giúp tỷ lệ tử tại khu vực này giảm kỷ lục. So với 50 năm trước, tuổi thọ trung bình đã tăng từ 38 lên 64 tuổi tại Ấn Độ và 41 lên 73 tuổi tại Trung Quốc.

Những biến đổi về trình độ học vấn, văn hóa cũng khiến sinh suất giảm mạnh ở các nước này. Phụ nữ không còn muốn bị giới hạn hoạt động trong việc sinh con, bếp núc; các cặp vợ chồng muốn sinh ít con... Tỷ lệ sinh đang giảm mạnh ở Đông Á, Đông Nam Á, Bắc Phi và châu Mỹ La-tinh. Tiêu biểu có thể kể đến Trung Quốc (giảm 4 lần so với năm 1965), Iran (giảm 3 lần so với đầu thập niên 1980).

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động về kinh tế, chính trị và an ninh, giá lương thực đang tăng đáng lo ngại cộng thêm đe dọa từ biến đổi khí hậu, con số 7 tỉ người là một nguồn lực lớn nhưng đồng thời cũng là một gánh nặng, một đầu mối bất ổn cho tất cả các quốc gia.

Phác họa chân dung 7 tỉ người

60% là người châu Á: Hơn 4 tỉ người trong tổng số 7 tỉ người Trái đất sống tại châu Á. Tiếp theo là châu Phi (hơn 1 tỉ người), châu Mỹ (gần 1 tỉ người) và châu Âu (750 triệu người). Ngoài ra, cứ 5 người sẽ có 2 người mang quốc tịch Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

Dân thành thị chiếm đa số: Hơn 3,5 tỉ người trên 7 tỉ cư dân địa cầu sống tại các khu thị tứ. Số lượng các “siêu đô thị”, tức thành phố trên 10 triệu dân, cũng tăng từ 2 thành phố vào năm 1950 lên 20 trong năm nay.

2 tỉ người ở tuổi vị thành niên: Trong 7 tỉ người sẽ có hơn 50% dưới 29 tuổi và 25% dưới 15 tuổi, chỉ có 600 triệu người trên 65 tuổi, gây ra áp lực lớn về việc làm. Tuy nhiên sự phân bố sẽ không đồng đều giữa các nước. Tại Uganda, 1/2 dân số dưới 15 tuổi trong khi tỷ lệ này tại Nhật chỉ 1/8.

Dương thịnh âm suy: Nam giới sẽ đông hơn phái đẹp khoảng 50 triệu người, hậu quả từ việc chuộng con trai ở một số quốc gia. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ thay đổi theo độ tuổi vì phụ nữ hiện có tuổi thọ trung bình cao hơn cánh mày râu. (Theo Le Temps)

Theo Lan Chi
Thanh Niên


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên