Lợi hại của hợp đồng khí đốt khổng lồ Nga-Trung
Việc Nga - Trung Quốc phát triển đường ống dẫn khí sẽ giúp nhiều quốc gia châu Á hưởng lợi song lại là nguy cơ với nhiều dự án khác.
Trong buổi phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia Nga Rossiya 24, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, mức giá khí đốt trong hợp đồng ký kết với Trung Quốc sẽ ở mức 350 USD/1.000 m3.
Ông Novak cho biết, mức giá này đã được hai bên chấp thuận trong hợp đồng, song nó vẫn có thể thay đổi, phụ thuộc giá dầu thay đổi trong các thời điểm khác nhau. Bên cạnh đó, hợp đồng cũng ghi rõ Trung Quốc sẽ thanh toán khí đốt bằng đồng USD.
Hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD kéo dài 30 năm được ký kết giữa Nga và Trung Quốc được cho là sẽ thay đổi bộ mặt của thị trường khí đốt toàn cầu, đặc biệt là tại châu Á. Theo đó, Bắc Kinh đã cam kết tài trợ phát triển hai mỏ dầu khí lớn ở Đông Siberia. Các nhà phân tích nhận định, một khi các mỏ khí đốt ở Siberia được khai thác và toàn bộ đường ống dẫn sang Trung Quốc được xây xong, nhiều nước châu Á, thậm chí là những nước không trực tiếp mua khí đốt của Nga, có thể “thở phào”. Việc lần đầu tiên có khí đốt dẫn bằng ống tới khu vực Đông Bắc Á có thể sẽ làm giảm bớt áp lực tăng giá khí hóa lỏng hiện nay ở châu Á.
Hiện tại, khí hóa lỏng ở châu Á đắt hơn ở châu Âu khoảng 50%. Đó là lý do vì sao mà Hàn Quốc và Nhật Bản theo dõi sát sao tiến trình đàm phán khí đốt Nga-Trung. Hai nước này là hai quốc gia nhập khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới, nên có thể sẽ hưởng lợi từ thỏa thuận khí đốt Moscow-Bắc Kinh.
Trong khi các nhà nhập khẩu được hưởng lợi với mức giá rẻ, thì đây cũng là một mối đe dọa tiềm năng cho các dự án phát triển khí đốt trị giá nhiều tỷ USD vốn đang được nhắm vào thị trường châu Á mà cần phải đưa ra quyết định sớm để tránh nguy cơ mất thị trường và ảnh hưởng tới lợi nhuận của các chủ đầu tư.
Mức giá 350 USD/1.000 m3 khí đốt Nga cung cấp cho Trung Quốc là thấp hơn tới 40% giá khí hóa lỏng nhập khẩu bằng đường biển. Điều này sẽ gây ra một cuộc chiến về giá khí đốt và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà xuất khẩu khí đốt, bao gồm Australia và Canada. Hiện nay, Australia đang có một số dự án được hỗ trợ bởi Chevron Corp, ConocoPhillips, Total SA và BG Group PLC,… nhắm vào thị trường châu Á, song chi phí đang bị đội lên khá lớn. Canada cũng có hơn chục dự án được lên kế hoạch nhắm vào thị trường này. Bên cạnh đó, Trung Quốc không thể chỉ nhập khẩu khí đốt từ Nga, thậm chí Trung Quốc có thể sẽ chỉ phụ thuộc 10% vào nguồn này, do vậy mức giá thấp sẽ càng là mối lo ngại cho các quốc gia trên./.
Theo Thùy Anh