MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Lối thoát thứ ba” cho Trung Quốc

05-08-2013 - 06:04 AM | Tài chính quốc tế

WB đưa ra một loạt đề xuất về cải cách cơ cấu cho Bắc Kinh, bao gồm tư nhân hóa một ngân hàng chủ chốt và cho phép nông dân được bán đất đai của mình - tức hợp thức hóa sở hữu đất đai.

Nhóm đề xuất thuộc chương trình kết hợp giữa WB với cơ quan cố vấn chính sách hàng đầu của chính quyền Trung Nam Hải - Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc gia. Theo báo Wall Street Journal (WSJ), Thủ tướng Lý Khắc Cường - người đặc biệt đẩy mạnh cải cách - là người yêu cầu hai cơ quan này đưa ra các đề xuất để đưa nền kinh tế phát triển bền vững, chặn đà giảm tăng trưởng đột ngột hiện tại.

“Lối thoát thứ ba”

Một đề xuất khá táo bạo là việc cho phép hàng trăm triệu nông dân được phép bán đất như một cách để tăng nguồn thu nông thôn, khuyến khích nông dân chuyển ra thành thị và tăng tích lũy đất. Để tránh xung đột về mặt học thuyết, phía WB đang cố giải thích việc tư hữu hóa đất như là “lối thoát thứ ba” cho tình trạng đất đai sở hữu toàn dân này (lối thoát thứ nhất là khi Mao Trạch Đông cho từ bỏ nhà ăn tập thể hồi năm 1958, lối thoát thứ hai là cuối năm 1970, đầu 1980 khi Trung Quốc cho khoán ruộng). “Lối thoát thứ ba” cho phép nông dân được bán hoặc cho thuê mảnh đất của mình.

Việc nhà nước nắm đất đai và kiểm soát chặt hệ thống tài chính, ngân hàng từng giúp Trung Quốc phát triển nhanh suốt ba thập niên. Tuy vậy cách kiểm soát này cũng đem lại những tổn thất đáng kể. Lực lượng công nhân di cư giúp Trung Quốc có lực lượng lao động rẻ, nhưng thu nhập thấp của họ không giúp được nhiều cho tiêu thụ trong nước, hiện mới chỉ chiếm 36% GDP so với tỉ lệ gần 70% của Mỹ. Ngoài ra, việc lấy đất của nông dân là một trong những vấn đề nhức nhối và gây bất ổn nhất hiện nay ở Trung Quốc.

Theo WSJ, việc thủ tướng Trung Quốc đề nghị WB tư vấn chính sách là chuyện đã quen từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Đại diện của WB đầu tiên, Edwin Lim, đến giờ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các nhóm kinh tế gia cố vấn cho giới lãnh đạo.

Các đề xuất sẽ được Bắc Kinh xem xét trước khi đưa ra tại một cuộc họp trung ương trong năm nay. Theo WSJ, việc tập trung vào tư nhân hóa hay sở hữu hóa đất đai có thể là bước đi quá xa với Bắc Kinh. Một khó khăn nữa là các chuyên gia về Trung Quốc dù rất mạnh khi phân tích các vấn đề nhưng thường dè dặt trong việc đưa ra giải pháp.

Cơ chế thị trường

Klaus Rohland, giám đốc WB tại Trung Quốc, cho biết các trao đổi vẫn còn ở giai đoạn ban đầu. Theo ông, tư nhân hóa “là ý tưởng luôn được đưa ra” và “điều đó có cả mặt lợi và hại”. Động lực cho đề xuất lần này là mối lo kinh tế Trung Quốc đã đạt đến “điểm uốn” - thời điểm mà các cách tiếp cận cũ không còn giúp kinh tế tăng trưởng nữa.

Nỗ lực thúc đẩy tư nhân hóa - từng là chủ đề cấm ở Trung Quốc - cho thấy WB nhìn nhận Bắc Kinh sẽ phải tiến hành thay đổi rất sâu trong bối cảnh hiện nay. Giới kinh tế cả trong và ngoài nước từ lâu đã lên tiếng rằng việc nhà nước kiểm soát các ngành quan trọng đã kìm hãm cạnh tranh và đổi mới. Với đề xuất mới thì vai trò của chính phủ sẽ thay đổi để dựa vào cơ chế thị trường nhiều hơn. Theo WSJ, những đề xuất sẽ được công bố vào mùa thu này.

Đề xuất tư nhân hóa ngân hàng được coi là bước tiến vô cùng táo bạo vì chính quyền Bắc Kinh tới nay vẫn muốn nắm giữ ngân hàng, coi đó là một phần chiến lược nắm giữ những trụ cột kinh tế trong tay nhà nước. Nhưng việc ngân hàng chịu sự chi phối của các chỉ đạo chính trị thay vì lực điều phối của thị trường khiến các ngân hàng chịu tỉ lệ nợ xấu lớn, trong khi chính quyền địa phương mắc nợ nhiều.

Đề xuất của WB gợi ý cho Bắc Kinh lựa chọn một ngân hàng lớn để tư nhân hóa, có thể là Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) hoặc Ngân hàng Viễn thông. Trung Quốc hiện có vài ngân hàng tư nhân nhưng hầu hết có quy mô rất nhỏ so với các ngân hàng nhà nước chủ chốt.

“Ý tưởng là tư nhân hóa lĩnh vực ngân hàng, cho phép các đối thủ nước ngoài vào để ngân hàng phải chịu trách nhiệm với các cổ đông của mình thay vì chịu trách nhiệm trước đảng” - GS Vernon Henderson, thuộc ĐH Kinh tế London và là thành viên nhóm cố vấn, giải thích.

Trở ngại của ý tưởng này là các ngân hàng quốc doanh và lãnh đạo các ngân hàng này thường phản đối vì lo ngại mất ảnh hưởng của mình. Nhưng theo WSJ, hiện có một số quan chức ủng hộ ý tưởng để các ngân hàng nhà nước chấp nhận cạnh tranh từ các ngân hàng quốc tế.

Theo Thanh Tuấn

huongnt

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên