MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mắc kẹt trong bẫy tín dụng

08-10-2014 - 20:16 PM | Tài chính quốc tế

Nếu không có bước đột biến nào về tăng trưởng tín dụng, kinh tế thế giới khó có thể thoát khỏi kịch bản không thể tạo ra đủ tăng trưởng để cầu kịp đáp ứng cung rồi sau đó dẫn đến khủng hoảng.

Sự bùng nổ của tín dụng và những nỗ lực quản lý “đống lộn xộn” theo sau thời kỳ khủng hoảng là những đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới trong giai đoạn hiện tại. Mỹ và Anh có lẽ đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng gây chấn động cách đây 7 năm. Tuy nhiên, eurozone đang rơi vào trạng thái trì trệ giống như giai đoạn trước khủng hoảng trong khi Trung Quốc bị cảnh báo sẽ rơi vào khủng hoảng nợ.

Martin Wolf, cây bút kỳ cựu của tờ Financial Times, cho rằng nếu không có bước đột biến nào về tăng trưởng tín dụng, kinh tế thế giới khó có thể thoát khỏi kịch bản không thể tạo ra đủ tăng trưởng để cầu kịp đáp ứng cung rồi sau đó dẫn đến khủng hoảng.

Lịch sử cung cấp cho chúng ta nhiều ví dụ về quy luật này: “quả bóng” tín dụng được thổi phồng lên và sau đó vỡ tung ở Nhật năm 1990, ở các nền kinh tế mới nổi châu Á năm 1997, ở các nền kinh tế Bắc Đại Tây Dương năm 2007 và cuối cùng là ở Trung Quốc tại thời điểm hiện tại. Tín dụng tăng trưởng vượt bậc mở ra kỷ nguyên thịnh vương mới, sau đó các nền kinh tế sụp đổ và cuối cùng rơi vào trạng thái trì trệ sau khủng hoảng. 

Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng các nước trên toàn thế giới đang đồng loạt triển khai quá trình giải chấp sau các biện pháp kích thích nhằm vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng. Tuy nhiên, tác giả bài viết này cho rằng vẫn chưa có động thái nào đủ mạnh mẽ. 

Nợ công đã tăng lên rất nhanh. Các cuộc khủng hoảng tài chính khiến thâm hụt ngân sách tăng vọt là một trong những phát hiện quan trọng nhất của Kenneth Rogoff và Carmen Reinhart - hai nhà kinh tế học đến từ ĐH Harvard. Kể từ khi khủng hoảng nổ ra, tỷ lệ nợ công/GDP đã tăng 46 điểm phần trăm ở Anh trong khi tăng 40 điểm và 26 điểm lần lượt ở Mỹ và eurozone. 

Kể từ năm 2007, tỷ lệ tổng nợ/GDP (ngoại trừ nợ của khu vực tài chính_ đã tăng 72 điểm phần trăm ở Trung Quốc, lên 220% GDP. Bạn có thể lập luận rằng đây vẫn là mức bền vững. Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định rằng tốc độ tăng nợ như vậy là an toàn. 

Chu kỳ tăng trưởng tín dụng là một điều quan trọng bởi nó tác động rất mạnh đến nền kinh tế. Có 3 loại chu kỳ tăng trưởng tín dụng. Ở loại 1 (như Thụy Điển trong những năm 1990), sản lượng lao dốc và không thể quay trở lại mức trước khủng hoảng nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn có thể hồi phục. Ở loại 2 (giống như Nhật Bản trong những năm 1990),  sản lượng không giảm mạnh nhưng tăng trưởng lại giảm mạnh so với trước khủng hoảng. Ở loại cuối cùng (giống như ở eurozone hiện nay), cả sản lượng và tốc độ tăng trưởng đều giảm. 

Có một vài lý do giải thích cho việc tăng trưởng và sản lượng sụt giảm, một trong số đó là xu hướng của thời kỳ trước khủng hoảng là không bền vững. Một lý do khác là khủng hoảng gây tổn hại đến niềm tin, đầu tư và sáng tạo. Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất là nợ. Nợ tạo nên một vòng luẩn quẩn: nợ cao dẫn đến tăng trưởng thấp và sau đó tăng trưởng thấp khiến nợ tiếp tục tăng lên. 

Ngày nay, lãi suất dài hạn ở các nền kinh tế phát triển đang ở mức thấp. Ở eurozone, Chủ tịch NHTW châu Âu Mario Draghi đã cam kết sẽ làm “bất cứ điều gì có thể” để cứu lấy đồng euro. Tuy nhiên, không may là tăng trưởng GDP danh nghĩa vẫn quá yếu ớt và lạm phát thì ở trong tình trạng siêu thấp. 

Dẫu vậy, dường như eurozone đang phụ thuộc vào lực cầu toàn cầu để tăng trưởng trở lại. Hướng đi này chỉ có hiệu quả đối với từng nước thay vì cả khối eurozone. Sự kết hợp giữa nợ ngày càng cao và tăng trưởng ngày càng thấp là điều rất nguy hiểm. 

Để hồi phục sau khủng hoảng, các nước cần kết hợp nhiều biện pháp: tái cấu trúc khu vực ngân hàng, hỗ trợ tốt cho chính sách tài khóa và tiền tệ đồng thời nhanh chóng nhận ra những điểm yếu. Mục tiêu là kết hợp cả hai yếu tố: trực tiếp giảm nợ và tăng trưởng vững mạnh. Mỹ gần như đã đạt được mục tiêu này.

Bùng nổ tín dụng không “từ trên trời rơi xuống”. Chúng là kết quả của các chính sách đã được áp dụng để duy trì lực cầu khi bong bóng vỡ. Đây chính xác là điều đang xảy ra ở Trung Quốc. 

Thu Hương

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên