"Made in China" không còn rẻ như bạn nghĩ
Chi phí nhân công (sau khi đã điều chỉnh theo năng suất) ở Trung Quốc hiện chỉ rẻ hơn 4% so với ở Mỹ.
- 02-12-2015Thời kỳ khó khăn bao trùm các nhà sản xuất trên thị trường mới nổi
- 17-10-2015Ngành sản xuất ô tô Nhật Bản nóng lên nhờ TPP
- 13-10-2015Lối thoát khỏi Trung Quốc của các nhà sản xuất xe hơi
Tỷ phú Donald Trump mới đây đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, lần tới nếu nghe một ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đưa ra lập luận tương tự, bạn cần biết một điều: chi phí nhân công (sau khi đã điều chỉnh theo năng suất) ở Trung Quốc hiện chỉ rẻ hơn 4% so với ở Mỹ.
Theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi Oxford Economics, kể cả với đà tăng mạnh mẽ của đồng USD từ năm 2014 đến nay, ngành sản xuất của Mỹ vẫn được hưởng lợi từ mức năng suất cao nhất thế giới, một thị trường lao động linh hoạt, giá năng lượng thấp và thị trường nội địa rộng lớn.
Oxford Economics cho rằng Mỹ vẫn là một trong những nước có ngành sản xuất hùng mạnh trên thế giới.
Chi phí nhân công (trong ngành sản xuất) của các nước so với Mỹ
“Mặc dù đang phải đối mặt với những “làn gió ngược” từ đồng USD tăng giá và sự sụp đổ của ngành năng lượng đá phiến, ngành sản xuất của Mỹ vẫn có năng lực cạnh tranh mạnh nhất thế giới”, các chuyên gia phân tích Gregory Daco và Jeremy Leonard viết trong báo cáo.
Bạn sẽ khá ngạc nhiên khi nhìn vào những con số. Năng suất lao động ở Mỹ đã tăng khoảng 40% trong giai đoạn từ 2003 đến 2016, so với mức tăng trưởng 25% của Đức và 30% của Anh. Dù năng suất ở Trung Quốc và Ấn Độ tăng gấp đôi, Mỹ vẫn cao hơn 80 – 90%.
“Vì ở Trung Quốc tăng trưởng tiền lương đã vượt quá tăng trưởng trong năng suất lao động và đồng nhân dân tệ tăng giá, chi phí nhân công ở Trung Quốc hiện chỉ còn thấp hơn 4% so với ở Mỹ”.
Dẫu vậy, trong những năm gần đây, năng suất của toàn bộ nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại do lĩnh vực y tế dù phát triển tốt nhưng lại chưa hiệu quả. Đồng thời, Mỹ vẫn đang có thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Năng suất lao động của các nước
Ngoài ra còn có những rủi ro khác. Nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, đó sẽ là mối nguy hiểm đe dọa các nhà xuất khẩu.
“Nếu USD tăng giá thêm 20%, năng lực cạnh tranh của Mỹ sẽ sụt giảm và một lần nữa Trung Quốc lại trở về thời hoàng kim. USD tăng giá cũng trao cho các nhà sản xuất của Nhật Bản lợi thế cạnh tranh đáng kể”.
Chỉ trích Trung Quốc đang là một vấn đề rất nóng trên chính trường Mỹ. Donald Trump mới đây đã đổ tội cho Trung Quốc làm suy yếu tầng lớp trung lưu của Mỹ bằng cách phá giá nhân dân tệ và thực hiện chính sách thương mại một bên.
Thủ tướng Lý Khắc Cường ngay lập tức phản bác lại lời chỉ trích này, nói rằng mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục được duy trì tốt đẹp dù ai thắng cử đi chăng nữa.