MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt trái u tối đằng sau những chiếc iPhone hào nhoáng và nguồn lợi tỷ đô của Apple

16-03-2016 - 15:24 PM | Tài chính quốc tế

Nguồn lợi nhuận khổng lồ của Apple một phần đến từ việc hàng triệu công nhân phải làm việc căng thẳng với mức lương rẻ mạt trong những điều kiện nghèo nàn.

Nhiều năm nay, Apple tuyên bố đã loại bỏ các điều kiện lao động không an toàn và việc lạm dụng lao động trong chuỗi cung ứng của họ. Nhưng một cuộc điều tra về việc sử dụng lao động trong các nhà máy của Trung Quốc thuộc Foxconn và Pegatron lại cho thấy, các lao động đang bị trả lương quá thấp và phải làm việc quá sức.

China Labor Watch là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York nhằm tăng cường tính minh bạch về điều kiện lao động trong chuỗi cung ứng, cũng như vận động cho quyền của người lao động. Tổ chức này đã tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào chuỗi cung ứng của Apple bằng việc phân tích hơn 1.200 bảng lương của công nhân tại nhà máy Pegatron Thượng Hải.

Mặc dù Apple từng công khai tuyên bố rằng người lao động của họ chỉ phải làm không quá 60 giờ mỗi tuần , nhưng các lời khai tiết lộ rằng khoảng 70% người lao động phải làm hơn 60 giờ, có người còn làm tới 72 giờ mỗi tuần. Điều an ủi duy nhất với những công nhân này là những quy định mới của Trung Quốc về việc làm thêm giờ, chỉ cho phép làm thêm tối đa 36 giờ mỗi tháng.

Báo cáo từ China Labor Watch cho thấy các lao động ít tuổi đã phải làm việc vất vả sáu ngày một tuần với những ca kéo dài 12 tiếng đồng hồ. Mỗi ngày công như vậy, họ chỉ được trả 10,5 USD, và số tiền đó cũng không được tính cho nửa tiếng nữa khi họ buộc phải đến từ sớm và ở lại muộn để họp tổ sản xuất.

Báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận này cũng cho biết thêm : “Trước khi được trả tiền làm thêm giờ, những người lắp ráp chiếc iPhone chỉ kiếm được mức lương tối thiểu là 318 USD/tháng hay 1,85 USD/giờ. Đây không phải mức lương đủ sống. Ngay cả khi nhà máy không buộc họ làm thêm giờ như thường thấy, người lao động sẽ vẫn phải phụ thuộc vào tuần làm việc 60 giờ của họ để mưu sinh.

Trong khi phần lớn các quốc gia phát triển đều đề nghị việc làm thêm như một lựa chọn để kiếm thêm tiền, các nhà máy này buộc người lao động cam kết làm thêm giờ. Trong một vài trường hợp, người lao động được phép từ chối làm thêm giờ, nhưng sau đó họ cho biết họ sẽ không nhận được tiền làm thêm giờ cho phần còn lại của tháng. Sau đó họ buộc phải lựa chọn giữa việc không làm thêm giờ với việc được nhận toàn bộ tiền làm thêm giờ nhưng không thể kiểm soát thời gian biểu.”

Một cuộc điều tra bí mật của BBC được tiến hành vào năm 2014 đã phát hiện những hành vi sai trái và những lời tố cáo nhằm vào Apple về các điều kiện lao động nghèo nàn. Dưới đây là những chi tiết trong báo cáo của BBC về điều kiện lao động mà phóng viên của họ đã trải nghiệm.

Một phóng viên bí mật, làm việc trong nhà máy sản xuất phụ tùng cho các máy tính của Apple, đã phải làm việc 18 ngày liên tiếp bất chấp việc đã nhiều lần yêu cầu cho một ngày nghỉ phép. Một phóng viên khác, người đã làm ca dài nhất là 16 tiếng, nói : “Mỗi lần tôi trở lại ký túc xá, tôi lại không muốn đi đâu nữa. Ngay cả khi đói, tôi cũng muốn đứng dậy để ăn. Tôi chỉ muốn nằm xuống và nghỉ ngơi. Tôi không thể nào ngủ vào buổi đêm vì quá căng thẳng.”

Đỉnh điểm của điều kiện lao động nghèo nàn tại nơi làm việc, các công nhân phải tự bắt xe buýt đi và về ký túc xá mỗi ngày, nơi họ phải chia sẻ một căn phòng chật chội với 13 người khác cùng nấm mốc và bọ rệp đang chờ họ.


Phòng ngủ trong khu trọ của công nhân.

Phòng ngủ trong khu trọ của công nhân.

Những điều kiện này đã tác động trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Năm 2015, một công nhân 26 tuổi phát hiện chết trên chiếc giường tầng mà anh dùng chung với một công nhân khác của Pegatron. Nguyên nhân của cái chết được cho là “đột tử” và không có điều tra thêm hay khám nghiệm tử thi. Năm 2013, một công nhân 15 tuổi được cho là chết do viêm phổi , và nhà máy xem như mình không liên quan đến việc này. Trong nhật ký làm việc gửi đến bố mẹ anh này sau khi chết cho thấy, công nhân này đã làm việc trung bình 70 giờ mỗi tuần trong tháng trước khi chết.

Các công nhân nhận thức được sự cần thiết phải thay đổi trong các nhà máy này, nhưng nhiều người cần tiền và không dám phản đối để nhận được điều kiện tốt hơn. Với những người đủ dũng cảm dám thách thức công ty, tương lai trở nên ảm đạm khi cân nhắc câu hỏi liệu việc họ làm có tác động để công ty thay đổi không hay liệu họ có thế sống sót qua việc phản kháng.

Năm 2010, Foxconn đã có 18 công nhân tự tử bằng cách nhảy từ mái nhà xuống để phản đối điều kiện làm việc ở đây, trong đó 14 người đã chết. Trong năm 2012, 150 công nhân đe dọa tự tử tập thể để phản đối, nhưng đã được xoa dịu hai ngày sau đó. Sau những cái chết do tự tử vào năm 2010, thay đổi duy nhất đối với công ty là những chuyên gia tư vấn được thuê để nói chuyện với công nhân và lắp đặt lưới an toàn xung quanh các tòa nhà.


Những công nhân đe dọa tự tử bằng cách nhảy từ mái nhà, để phản đối điều kiện lao động.

Những công nhân đe dọa tự tử bằng cách nhảy từ mái nhà, để phản đối điều kiện lao động.

Trong năm 2015, CEO Apple ông Tim Cook đã kiếm được 10,3 triệu USD, gấp khoảng 2.500 lần lương cả năm của một công nhân trong các nhà máy này. China Labor Watch cho biết , lợi nhuận của Apple trong quý cuối cùng của năm 2014 là 18 tỷ USD, trong khi lương của 1,6 triệu công nhân trong chuỗi cung ứng của họ chỉ là 3,4 tỷ USD. Theo ước tính của China Labor Watch , mỗi quý Apple chỉ cần chi ra 1,9 tỷ USD sẽ cải thiện đáng kể điều kiện lao động cho các công nhân sản xuất ở đây.

Cho dù Apple tuyên bố rằng họ đang làm việc để “nhổ tận gốc việc tuyển dụng và khai thác người lao động một cách phi đạo đức – ngay cả khi luật lệ địa phương cho phép các hành động như vậy.” Họ vẫn còn một chặng đường dài phải đi trước khi những người nai lưng làm việc để mang lại lợi nhuận vô biên cho Apple có điều kiện làm việc công bằng hơn.

Theo Nguyễn Hải

Trí thức trẻ/Genk

Trở lên trên