MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mịt mờ số phận người di cư ở châu Âu

15-09-2015 - 07:29 AM | Tài chính quốc tế

Các bộ trưởng nội vụ và tư pháp Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp ở Brussels - Bỉ ngày 14-9 để quyết định số phận của 160.000 người tị nạn. Bất chấp các diễn biến gần đây, các bộ trưởng dự kiến thông qua kế hoạch bố trí 40.000 người tị nạn từ Ý và Hy Lạp trong vòng 2 năm tới.

Theo đó, đối tượng có cơ hội cao được hưởng quy chế tị nạn là người Syria và Iraq đến EU từ ngày 15-8-2015 đến 16-9-2017. Những ai đến trước ngày 15-8-2015 sẽ chịu sự chi phối của quy chế tị nạn Dublin bình thường, tức đăng ký xin tị nạn ở quốc gia EU họ đặt chân đến đầu tiên. Các bộ trưởng cũng thảo luận kế hoạch bố trí nơi ăn chốn ở cho 120.000 người di cư khác từ Ý (15.600), Hy Lạp (50.400) và Hungary (54.000).

Cuộc tranh luận tại cuộc họp ngày 14-9 tập trung vào tuyên bố gần đây của Hungary rằng nước này không quan tâm đến lợi ích từ kế hoạch tái định cư 120.000 người xin tị nạn trong khi có hàng ngàn người tràn vào Hungary mỗi ngày.

Riêng ngày 13-9, số dân di cư vào Hungary lập kỷ lục 5.809 người, so với 4.330 người một ngày trước. Do Hungary phản đối, các bộ trưởng EU phải thương lượng các điều khoản khác. Không chỉ Hungary, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Latvia hủy tham dự cuộc họp, trong khi Slovakia nhấn mạnh sẽ dùng đến quyền phủ quyết đối với kế hoạch phân phối người xin tị nạn.

Ngược lại, Thủ tướng Áo Werner Faymann ngày 13-9 cảnh báo sẽ cùng với Đức xem xét trừng phạt những nước từ chối tham gia nhận hạn ngạch người di cư. Nếu không đạt được giải pháp cho 120.000 người này, EU có thể phải tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trước cuối tháng 9.

Cuộc họp các bộ trưởng nội vụ EU diễn ra sau khi Đức áp đặt việc kiểm soát biên giới với Áo 1 ngày trước đó. Bộ trưởng Nội vụ bang Bavaria Joachim Herrmann tuyên bố việc kiểm soát tạm thời này sẽ kéo dài ít nhất vài tuần do dòng người tị nạn đông chưa từng có. Trong khi đó, Áo cho biết đang triển khai binh sĩ, đồng thời tăng cường kiểm soát biên giới với Hungary.

Theo Lục San

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên